Luật Cạnh tranh: Băn khoăn chuyện thực hiện

Thứ Ba 15:33 30-05-2006
Luật Cạnh tranh: Băn khoăn chuyện thực hiện

Luật Cạnh tranh ra đời là cơ sở pháp lý để xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, đồng thời cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ tồn tại và phát triển được trước những đối thủ lớn.

Nhưng các tác dụng trên chỉ xảy ra khi luật được triển khai thực hiện tốt trong thực tế. Đây cũng là điều mà một số chuyên gia kinh tế còn băn khoăn.

Khoảng lặng pháp lý

Bàn về tác động của Luật Cạnh tranh tới môi trường kinh doanh, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, không phân tích thẳng vào các điều khoản của luật mà bắt đầu bằng chuyện xảy ra giữa Viettel và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hồi cuối tháng 6/2005.

Đây không phải lần đầu VNPT dùng sức mạnh của mình để chèn ép đối thủ cạnh tranh, mà chuyện này đã diễn ra từ cách nay năm năm, khi Viettel bắt đầu tham gia cung cấp dịch vụ điện thoại Internet liên tỉnh và quốc tế (VoIP) 178. VNPT luôn tìm cách trì hoãn hoặc chỉ cho Viettel kết nối vào mạng đường trục của mình với dung lượng hạn chế và điều đó đã ảnh hưởng xấu đến khả năng phát triển của công ty này. Với Viettel hay những doanh nghiệp lâm vào tình cảnh tương tự, họ chỉ còn biết khiếu nại lên các cơ quan quản lý nhà nước để nhờ giải quyết.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, trước đây con đường hành chính là chỗ dựa duy nhất để các doanh nghiệp đối phó với những công ty lợi dụng sức mạnh để cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, kết quả giải quyết qua con đường này thường hạn chế, vì nó phụ thuộc vào sự nhiệt tình và quyết tâm của các cơ quan quản lý, nhất là khi người bị khiếu nại lại là “con đẻ” của đơn vị có thẩm quyền xử lý và luật lệ thì chưa rõ ràng.

Nhưng kể từ ngày 1/7/2005, thời điểm Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Viettel không cần đi theo con đường hành chính nữa mà có thể khởi kiện VNPT ra trước Hội đồng Cạnh tranh. Ông Huỳnh nói: “Luật này quy định rõ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm và chống lại việc các doanh nghiệp lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường để hạn chế cạnh tranh. Đồng thời, cơ chế tố tụng, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên cũng được quy định khá chi tiết”.

Điểm hạn chế của luật là cơ quan thụ lý và giải quyết các vụ khiếu kiện không phải tòa án, mà do Hội đồng Cạnh tranh đảm nhận và cơ quan này vẫn thuộc hệ thống hành pháp. Ông Huỳnh gọi cơ chế này là “hành chính bán tư pháp”.
Hội đồng Cạnh tranh, mà người đứng đầu do Thủ tướng bổ nhiệm, sẽ có quyền tiến hành điều tra và ra quyết định xử phạt và quyết định đó phải được thực thi như một phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ra đời cơ quan này; còn Cục Quản lý cạnh tranh chỉ là một cơ quan của Bộ Thương mại với người đứng đầu do Bộ trưởng Thương mại bổ nhiệm.

Đang có hai giải pháp được cân nhắc: hoặc là xúc tiến nhanh việc thành lập một Hội đồng Cạnh tranh với đầy đủ đại diện các bộ, ngành hoặc nâng cấp Cục Quản lý cạnh tranh hiện tại lên ngang hàng một tổng cục.

Hơn nữa, Luật Cạnh tranh không đưa ra các biện pháp quản lý đối với doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường để tạo cơ hội phát triển cho các công ty khác như trong Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông. Pháp lệnh này quy định công ty chiếm thị phần từ 30% trở lên không được tự quyết định giá cước, mà phải được sự chấp thuận của Bộ Bưu chính Viễn thông.

Trong khi đó, Luật Cạnh tranh chỉ cấm doanh nghiệp thuộc diện này bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; ngăn cản đối thủ tham gia thị trường; hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa và dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng… Nhà nước chỉ kiểm soát giá đối với doanh nghiệp độc quyền nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích.

Đồng thời, một doanh nghiệp chỉ bị coi là độc quyền nếu trên thị trường không có ai cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh.

Vì việc thực thi luật vẫn còn liên quan đến hành chính, các quy định kiểm soát doanh nghiệp thống lĩnh thị trường khá rộng rãi trong khi khái niệm về độc quyền quá hẹp, nên một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng về hiệu quả của nó trong thực tế.

Khác với các luật về thuế, Luật Cạnh tranh không thể mang lại hiệu quả trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian. Nhưng theo ông Trần Xuân Giá, Trưởng ban Nghiên cứu đổi mới của Chính phủ, để luật vào được cuộc sống thì Nhà nước phải tích cực thúc đẩy.

“Nếu chúng ta ngồi một chỗ chờ đợi thì không biết bao giờ mới phát huy được hiệu quả của luật này”, ông Giá khẳng định. Theo ông, Chính phủ cần thành lập tổ chức thúc đẩy thi hành Luật Cạnh tranh và phải hành động quyết liệt như đã làm đối với Luật Doanh nghiệp trước đây.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng phải đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật, vì hướng dẫn càng rõ ràng thì việc thực thi luật càng thuận lợi. Ông Giá cho biết: “Hiện nay, còn khá nhiều văn bản dưới luật vẫn chưa có”.

Chờ đợi ở người tiêu dùng

Chuyện người tiêu dùng kiện tụng có mặt tích cực là sẽ thúc đẩy pháp luật có cơ hội được thực thi thường xuyên hơn và sẽ là một trong những đòn bẩy mấu chốt để giải bài toán cạnh tranh và chống độc quyền. Nhưng thực tế ở Việt Nam, chuyện kiện tụng, ngay cả trong những vụ việc mà quyền lợi của người tiêu dùng bị tác động rõ ràng như vụ nghẽn mạch điện thoại di động hay vụ điện kế điện tử, vẫn còn rất xa vời.

Luật gia Cao Bá Khoát, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, nói rằng nguyên nhân chủ yếu là do pháp luật không bảo vệ được người tiêu dùng một cách đầy đủ nên người ta không muốn khiếu nại, khiếu kiện. Do không được pháp luật bảo vệ đầy đủ nên phát sinh một tâm lý cho rằng kiện tụng cũng chỉ là chuyện “con kiến đi kiện củ khoai”.

Một vấn đề khác, theo ông Khoát, là nhận thức của người tiêu dùng còn quá mơ hồ, nhiều khi chịu thua thiệt mà không biết mình có thể kiện, và nếu kiện thì kiện ở đâu, kiện ra sao…

Một luật sư khác cho rằng các quy định của luật pháp hiện nay không khuyến khích người tiêu dùng kiện tụng. Đơn giản là, nếu người tiêu dùng mua một sản phẩm 10 đồng nhưng nếu không đạt chất lượng thì khi kiện tụng anh ta cũng không bao giờ đòi lại được số tiền đó. Trong trường hợp thắng kiện, người tiêu dùng vẫn thua thiệt nhiều do các chi phí chính thức lẫn không chính thức.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp, nhất là trường hợp giá trị hàng hóa dịch vụ không đáng kể, xu hướng chung của người tiêu dùng Việt Nam là bỏ qua. tâm lý không thích “đáo tụng đình” khó lòng làm luật đi vào cuộc sống.

Theo Văn phòng Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại Hà Nội, sáu tháng đầu năm cơ quan này mới chỉ tiếp nhận hồ sơ kiện tụng của chưa đầy 100 vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Và sau đó có tới 70% các vụ khiếu kiện được giải quyết bằng thương lượng, trong đó chủ yếu là phía nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ thấy được cái sai của mình nên chủ động hòa giải để tránh việc phải ra trước pháp luật, hoặc thực hiện chiến thuật “cù nhầy” để làm nản lòng người tiêu dùng.

Một luật sư ở Hà Nội cho biết ở Trung Quốc người ta quy định nếu sản phẩm bán ra không đạt chất lượng và bị kiện thì nhà cung cấp phải bồi thường số tiền gấp đôi giá bán món hàng. Hơn nữa, việc thực thi phán quyết của tòa án là nghiêm túc và kịp thời khiến người tiêu dùng tin tưởng.

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm bộ môn Luật Kinh doanh thuộc khoa Luật trường đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng khung pháp lý của Việt Nam về cạnh tranh có thể coi là tương đối hoàn thiện vì vấn đề này đã được quy định trong Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật dân sự...
“Nhưng vấn đề là ở chỗ triết lý quản lý nhà nước có bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không”, ông Nghĩa nói.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng chống độc quyền ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với các quốc gia khác, vì các công ty có được vị trí độc quyền không từ quá trình cạnh tranh, mà do sự ủng hộ của Nhà nước. Ông nói: “Luật tạo ra cơ sở pháp lý để chống độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, nhưng chống được đến mức nào thì còn tùy thuộc các cơ quan quản lý nhà nước có muốn đụng đến những doanh nghiệp mà lâu nay họ thường ủng hộ hay không”.

Theo TBKTSG

Các văn bản liên quan