Luật Bảo vệ người tiêu dùng của một số nước trên thế giới

Thứ Bảy 21:57 14-03-2009

Một số nội dung cơ bản của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Ucraina

Luật “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” của Ucraina quy định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của cả người bán hàng và người mua hàng trong hoạt động kinh doanh buôn bán. Luật này cũng chỉ rõ những cơ sở pháp lý và trình tự giải quyết trong trường hợp nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên. Xin tóm tắt những phần quy định chính trong điều luật này, để mọi người tham khảo.

 

 Quyền hạn người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng:

Điều 8, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền hạn của người tiêu dùng trong trường hợp mua phải hàng hóa kém chất lượng, như sau:

Trường hợp phát hiện hàng kém chất lượng trong thời hạn bảo hành, người tiêu dùng có quyền yêu cầu người bán:

1. Giảm giá trị hàng hóa.

2. Sửa chữa hàng hóa miễn phí trong thời hạn nhất định.

3. Bồi thường chi phí cho việc sửa chữa hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa hỏng hóc nghiêm trọng do lỗi của nhà sản xuất hay người bán hàng, hoặc hàng hóa không đúng chất lượng, chủng loại, người tiêu dùng có quyền yêu cầu người bán hàng hoặc nhà sản xuất:

1. Trả lại tiền mua hàng.

2. Đổi hàng khác cùng mẫu mã, chất lượng trong số hàng hóa đang có.

Quyền hạn người tiêu dùng khi mua hàng chất lượng:

Điều 9, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói về quyền hạn của người tiêu dùng trong trường hợp mua hàng chất lượng, như sau:

1. Người mua hàng có quyền yêu cầu đổi hàng chất lượng (trừ những mặt hàng trong danh sách quy định miễn đổi) sang loại hàng tương đương, nếu hàng hóa đã mua không đáp ứng được yêu cầu về hình thức, chủng loại, kích cỡ, màu sắc, hoặc vì những nguyên nhân khác, dẫn đến việc không thể sử dụng được hàng hóa theo đúng chức năng, tác dụng.

Người tiêu dùng có quyền đổi hàng chất lượng trong vòng 14 ngày, không kể ngày mua hàng. Hàng hóa có thể được đổi trong trường hợp chưa sử dụng, hoặc đã qua sử dụng nhưng còn mới, vẫn đảm bảo giá trị sử dụng, dấu, nhãn mác...

2. Trong trường hợp không có mặt hàng tương đương tại thời điểm đổi hàng, người tiêu dùng có quyền đổi sang loại hàng khác đang được bày bán, sau khi tính chênh lệch giá cả giữa hai mặt hàng; hoặc yêu cầu trả lại tiền; hoặc đợi đổi đúng loại hàng đã mua.

3. Trong trường hợp trả lại tiền mua hàng, người bán hàng phải hoàn lại cho người tiêu dùng lượng tiền theo giá trị hàng hóa tại thời điểm đã diễn ra việc mua bán hàng. Người bán hàng có trách nhiệm trả lại tiền ngay theo yêu cầu của người mua hàng, hoặc theo thỏa thuận của cả hai bên trong vòng 7 ngày.

Danh sách các mặt hàng không được phép đổi hoặc trả lại sau khi mua:

Cũng trong Điều 9, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có ấn định danh sách các mặt hàng không được phép đổi hay trả lại, do Hội đồng Bộ trưởng Ucraina chuẩn y. Cụ thể như sau:

- Các mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, đồ dùng vệ sinh cá nhân.

- Phim chụp ảnh, giấy ảnh.

- Đồ mỹ phẩm, đồ trang sức.

- Đồ chơi trẻ em bằng bông mềm, cao su, phao hơi.

- Một số phụ kiện cho nhạc cụ như miệng sáo, kèn, miếng đệm của đàn violon...

- Lược chải đầu, kẹp tóc.

- Bàn chải đánh răng.

- Dao cạo râu, kem cạo râu.

- Găng tay.

- Vải vóc.

- Rèm cửa sổ.

- Thảm trải nền cắt theo yêu cầu.

- Đồ lót, ga giường.

- Quần tất.

- Hàng hóa được lưu hành dưới dạng lọ xịt.

- Các ấn phẩm in.

- Sắt thép xây dựng, ống sắt.

- Nguyên liệu gỗ, gỗ thanh, gỗ dán, gỗ ép.

- Kính cắt theo yêu cầu.

- Băng cát-sét, băng video, đĩa laser đã ghi âm, ghi hình.

- Các sản phẩm làm từ tóc thật và tóc nhân tạo.

- Đồ dùng để cắt, sửa móng chân, móng tay.

- Các mặt hàng dành cho trẻ sơ sinh.

- Các mặt hàng được làm từ vàng bạc và đá quý.

 

Các văn bản liên quan