LTM phải có ‘hơi thở’ của WTO

Thứ Sáu 15:55 26-05-2006
(VNExpress) Thứ hai, 8/11/2004

Luật Thương mại phải có 'hơi thở' của WTO

"Chúng ta đã ký kết Hiệp định thương mại với Mỹ và đang đàm phán gia nhập WTO. Vì vậy, những nguyên tắc, nội dung hoạt động thương mại WTO rất cần được thể hiện trong dự luật" , đại biểu Dương Kim Anh nêu ý kiến tại buổi thảo luận dự án Luật Thương mại (sửa đổi), hôm nay.

Theo bà Kim Anh, WTO chấp nhận việc gia nhập có lộ trình cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, dự án Luật thương mại sửa đổi cũng cần thể hiện các đặc thù này. Các điều trong Luật Thương mại (sửa đổi) phải phù hợp với luật thương mại quốc tế, đảm bảo sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.

Song song với việc mở rộng cánh cửa hội nhập, theo đại biểu Võ Thị Thắng, Luật cũng cần quản lý chặt các vấn đề hợp tác với nước ngoài, tránh gây bất lợi cho doanh nhân trong nước. Bà Thắng tỏ ý băn khoăn về quy định thương nhân nước ngoài chưa được phép hoạt động tại Việt Nam muốn trưng bày, giới thiệu hàng hóa của nước mình tại Việt Nam phải thuê thương nhân Việt Nam thực hiện: "Tôi cho rằng quy định này mở thêm cho thương nhân nước ngoài nhiều lợi thế, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Thương nhân nước ngoài sẽ không cần phải có chi nhánh, văn phòng đại diện vẫn đàng hoàng kinh doanh. Họ sẽ thu được lãi suất rất cao mà không phải nộp thuế. Doanh nghiệp trong nước sẽ chỉ làm dịch vụ và có thể nói là ăn cháo trong khi người ta ăn cao lương, mỹ vị".
Một chủ đề gây tranh cãi trong phiên thảo luận hôm nay là dấu ấn của doanh nhân, đối tượng chủ yếu của luật quá mờ nhạt. Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, khái niệm thương nhân nêu trong dự thảo là đúng nhưng chưa đủ. Thương nhân chưa hoặc không đăng ký kinh doanh không thể áp dụng theo luật này. Mặt khác, liệu luật có áp dụng cho những người buôn bán nhỏ, bán hàng rong hay không?

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân nêu ý kiến: "Thương nhân phải có điều kiện về trình độ, đạo đức. Người bán rong hoặc ai đó cũng có thể là thương nhân thì nền thương mại của chúng ta đi đến đâu?''.

Vấn đề trách nhiệm của thương nhân cũng thiếu vắng trong Luật Thương mại (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh lấy ví dụ về hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong ngành thủy sản như: tranh mua tranh bán, bỏ qua chất lương an toàn thực phẩm...

Ý kiến của bà Minh nhận được sự tán đồng của nhiều đại biểu Quốc hội. ''Một số thương nhân chỉ biết lợi cho mình, không để ý đến trách nhiệm đối với cộng đồng. Luật không đề cập đến trách nhiệm của thương nhân là thiếu sót'', đại biểu Lê Thị Nghĩa nói.

Việt Anh

Các văn bản liên quan