Khái niệm về “thương nhân” phải rõ ràng hơn

Thứ Sáu 15:56 26-05-2006
Báo Lao động

Quốc hội thảo luận về Dự luật Thương mại (sửa đổi):

Khái niệm về "thương nhân" phải rõ ràng hơn

Luật Thương mại (sửa đổi) được trình tại kỳ họp Quốc hội lần này để các ĐBQH thảo luận. Trong phiên thảo luận ngày 8.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đã nêu rõ quan điểm: "Sau khi Quốc hội cho ý kiến những vấn đề cơ bản, những vấn đề mà ĐB quan tâm liên quan đến dự án luật, UB Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp thu. Dự luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp sau".

Còn chồng chéo

ĐB Lê Minh Hồng phân tích một số nội dung một số chương của Dự luật Thương mại (sửa đổi) trùng với những luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp... Ông đề nghị Ban soạn thảo hết sức cân nhắc để tránh trùng lặp với những luật khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến cả hai dự án luật, đó là Luật Dân sự sửa đổi và Luật Thương mại sửa đổi, vì vậy, ĐB Lê Minh Hồng cho rằng: "Không nên tạo ra các quy định khác nhau giữa hai đạo luật cùng một vấn đề, rồi lại phải quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Thương mại hay Luật Dân sự. Như vậy, chính chúng ta đề ra nhưng lại đề ra khác nhau, để rồi lại phải quy định luật này theo luật kia".

ĐB Trần Thanh Khiêm (Cà Mau) đồng ý với ý kiến trên và viện dẫn: "Trong trường hợp người ta mua nhà, mua đất mục đích là sinh lợi, khi giá lên thì bán, nhưng xét chủ thể thì thuộc về dân sự chứ không phải thương mại". Ông Khiêm đề nghị làm rõ khoản 3 Điều 1, khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 8 có mâu thuẫn nhau về lĩnh vực thương mại.

Thương nhân là ai?

Trong Dự luật Thương mại (sửa đổi) dành hẳn Điều 5 về khái niệm "thương nhân". Đây là vấn đề mới, nhạy cảm. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được nói rằng: "Đó là biểu hiện sự tôn vinh của xã hội ta đối với một lực lượng rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước".

Doanh nhân là ai? Đó là câu hỏi của không ít ĐBQH đề nghị phải được xác định rõ trong dự luật. ĐB Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) đề nghị: "Khái niệm thương nhân phải được quy định trong dự luật chặt chẽ hơn, hợp lý hơn, đương nhiên chúng ta đơn giản hoá để mở rộng và giúp cho các đối tượng, các thành phần tham gia hoạt động này".

ĐB Hoàng Anh nêu cụ thể: Trong Điều 7 (Nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của thương nhân) theo tôi nghĩ rằng thương nhân chưa đăng ký hoặc không đăng ký kinh doanh thì không thể chỉ thực hiện và chịu trách nhiệm theo luật này, mà trong phần chế tài phải quy định "nặng" hơn. Vì chúng ta đã biết doanh nghiệp ra đời đã gây bao tổn thất, thất thu về thuế, các hoạt động khác gây náo loạn thị trường, thương nhân chính là thành phần tạo nên doanh nghiệp, là thành phần của doanh nghiệp. Nếu không quy định chặt chẽ thì theo ý của ĐB Hoàng Anh, rằng "ai ai cũng có thể thành thương nhân, vì khái niệm thương nhân làm dịch vụ có hoạt động thương mại hoàn toàn khác".

ĐB Nguyễn Hồng Minh (An Giang) nhất trí: "Dự luật đề cập đến khái niệm thương nhân là các tổ chức, cá nhân. Trong thực tiễn hoạt động thương mại tình hình cạnh tranh, kinh doanh thương mại một cách tự phát rất phổ biến. Trong khi đó Luật Thương mại chưa có nội dung nói lên nghĩa vụ của thương nhân trong việc thực hiện các cam kết chung của cộng đồng để đảm bảo sức cạnh tranh chung của toàn thể cộng đồng".

ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cũng đề nghị cần có quy định, điều kiện cụ thể về "Nghĩa vụ của thương nhân". Bà cũng "thấy băn khoăn" nếu định nghĩa thương nhân tức là cả những người hành nghề buôn bán, từ buôn bán lớn đến buôn bán nhỏ, nếu "gộp" cả lại thì sẽ khó khăn cho những người buôn bán nhỏ. Nhưng nếu là thương nhân như trong dự thảo này thì theo bà hiểu, "Nó có cái gì lớn hơn, chuẩn hơn, đòi hỏi thương nhân phải có yêu cầu về trình độ nhất định và điều kiện nhất định". Vì vậy, bà Nghĩa đề nghị: "Khái niệm thương nhân trong dự luật cần phải quy định cụ thể hơn".

Những vấn đề như khuyến mãi, đấu thầu, vấn đề dịch vụ, giám định, mua bán thông tin, xúc tiến thương mại, quảng cáo thương mại, phạt vi phạm... cũng đã được các ĐBQH thảo luận, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu để chỉnh sửa dự luật một cách hoàn chỉnh hơn.

L.H

Các văn bản liên quan