Lấp kín những lỗ hổng pháp lý

Thứ Sáu 15:01 26-05-2006
KINH NGHIỆM CHỐNG THAM NHŨNG Ở THỤY ĐIỂN

Lấp kín những “lỗ hỗng pháp lý”

Thụy Điển là một trong nhũng quốc gia được đánh giá là “trong sạch” nhất trên thế giới và hiện nay đang tích cực giúp đỡ Việt Nam xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). Nhân hội thảo về Luật PCTN do Thanh tra Chính phủ Việt Nam và SIDA Thụy Điển tổ chức, chuyên gia Hakan Oberg- Trưởng phòng hợp tác quốc tế Ủy ban Phòng chống các tội phạm kinh tế nghiêm trọng của Thụy Điển đã có một số ý kiến trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam về hoạt động PCTN của quốc gia này.

Cơ quan và Pháp luật PCTN của Thủy Điển:

Cho đến nay, Thụy Điển chưa hề có một cơ quan chuyên trách PCTN, nhưng về mặt tổ chức, chức năng này được phân định cho các cơ quan cảnh sát, kiểm sát, tòa án thực hiện theo chức năng của mình. Về chính sách, hoạt động PCTN của Thụy Điển được tiến hành dựa trên hoạt động của mạng lưới các cơ quan thanh tra, tư pháp và các cơ quan được Chính phủ trao quyền kiểm soát tham nhũng trong khu vực tư như Ủy ban Phòng ban Phòng chống các tội phạm kinh tế nghiêm trọng. Về pháp luật PCTN, Thụy Điển không có một đạo luật riêng như Dự thảo Luật PCTN mà Việt Nam đang xây dựng. Bù lại Thụy Điển đã có một hệ thống các văn bản pháp luật và các công cụ hành chính để đối phó với tệ nạn tham nhũng như: Đạo luật cơ bản về công khai hóa tài sản, điều khoản chi tiết về tiếp cận thông tin (đã 200 tuổi), đạo luật về thủ tục hành chính, quy tắc đạo đức cán bộ, công chức…Trong đó, công cụ hữu hiệu để hạn chế tham nhũng là các văn bản pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công chúng.

Chức năng của Cơ quan Thanh tra của Quốc hội Thụy Điển về PCTN:

Cơ quan Thanh tra của Quốc hội và Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau song về chức năng giám sát đối với cán bộ công chức và cơ quan công quyền là như nhau. Trong hoạt động PCTN, cơ quan Thanh tra Quốc hội sẽ tiến hành thanh tra khi có quyết định thanh tra, hoặc có đơn khiếu nại, hoặc tự bản thân cơ quan Thanh tra thấy cần thiết thanh tra. Nếu quá trình thanh tra phát hiện thấy hành vi tham nhũng, cơ quan thanh tra sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan công tố và tòa án giải quyết. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ cử điều tra viên, công tố viên đặc biệt tiến hành điều tra vụ án. Kết quả điều tra có thể được thể hiện trong báo cáo nêu rõ quan điểm của người điều tra về vụ án hoặc gửi đến cơ quan quản lý trực tiếp cá nhân bị điều tra vì hành vi tham nhũng để kiến nghị biện pháp kỹ luật, trước khi đưa ra xét xử theo pháp luật.

Một số vụ án tham nhũng điển hình trong thời gian gần đây và đặc điểm chung của nhũng vụ án tham nhũng tại Thụy Điển:

Thụy Điển rất ít vụ án tham nhũng và nếu có thì khó có thể gọi là vụ án tham nhũng điển hình. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhất, Tòa án Thụy Điển cũng đang thụ lý 2 vụ án tham nhũng (1 vụ đang chờ xét xử sơ thẩm, 1 vụ đang chờ quyết định xét xử phúc thẩm), nhưng không có liên quan gì đến khu vực công. Nhìn chung, trong các vụ án tham nhũng ở Thụy Điển, sự xuất hiện của tiền mặt không nhiều mà chủ yếu là đồ vật hay lợi ích để hối lộ, cho dù số lượng người liên quan có thể là rất lớn.

Việt Nam cần làm gì để thực thi có hiệu quả pháp luật PCTN?

Để pháp luật PCTN đi vào đời sống và đặt được hiệu quả mong muốn, Việt Nam cần chú ý tới 4 điểm chính:

Thứ nhất, phải làm tốt ngay từ khâu lập pháp, nghĩa là Dự thảo Luật PCTN nói riêng và những dự luật khác có liên quan cần phải tính đến tất cả các khía cạnh của cuộc đấu tranh PCTN để không tạo ra những “lỗ hổng pháp lý” tạo điều kiện cho hành vi tham nhũng xuất hiện.

Thứ hai, cần nhận thức rõ ràng, trong hoạt động PCTN, hoạt động lập pháp là quan trọng nhưng thực thi quan trọng hơn nhiều. Vì thế, để hoạt động thực thi có hiệu quả, ngay trong quá trình xây dựng dự thảo (như Việt Nam đang làm hiện nay) là phải tính ngay đến những văn bản pháp luật liên quan cần thiết sau luật đó (như các văn bản hướng dẫn thi hành).

Thứ ba, cần tính đến các điều kiện để thực thi pháp luật, mà trước tiên là nguồn lực về quản lý và tài chính.

Thứ tư, không được bỏ qua công tác giáo dục, đào tạo và tuyên truyền, vì đây là khâu cần thiết để đưa luật đến với đông đảo quần chúng nhân dân một cách chính xác.

Hương Giang-Pháp luật Việt Nam ngày 21/07/2005

Các văn bản liên quan