Kiểm tra hay quyết toán thuế

Chủ Nhật 16:42 04-06-2006

Luật thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế TNDN đều có quy định về quyết toán thuế. Luật thuế thu nhập DN năm 2003 về kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế quy định: "Cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán thuế hàng năm với cơ quan thuế".

Theo quy định này, từ nhiều năm nay, cơ quan thuế đã liên tục tổ chức quyết toán thuế tại các cơ sở kinh doanh. Việc tổ chức quyết toán thuế tại DN đã có tác dụng lớn là xác định cho cơ sở kinh doanh biết là đã thực hiện quy định của pháp luật về thuế đến mức nào. Quan trọng hơn là, thông qua việc quyết toán thuế, cơ sở kinh doanh có một văn bản với sự xác nhận về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Đó là ý nghĩa tích cực của việc quyết toán thuế. Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cũng không ít cuộc quyết toán thuế trở thành "nỗi kinh hoàng" của DN, chủ yếu là các DN ngoài quốc doanh.

Theo khoản 1, điều 14 Luật thuế thu nhập DN năm 2003 đã trích dẫn trên, quyết toán thuế là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý thuế được thực hiện bởi hai đối tượng là cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kê khai, xuất trình các chứng từ, tài liệu kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận cơ sở kinh doanh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế hay chưa.

Dự thảo Luật quản lý thuế (LQLT) đã không đề cập gì đến việc quyết toán thuế. Khoản 13 điều 4 dự thảo LQLT đưa ra khái niệm khai quyết toán thuế và giải thích: "Khai quyết toán thuế là việc tự người nộp thuế hoặc đại diện của người nộp thuế, đại lý thuế xác định số thuế phải nộp của năm tính thuế hoặc thời gian từ đầu năm đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật". Từ định nghĩa trên, mục 2 chương X từ điều 69 đến điều 72 dự thảo LQLT đã dành để quy về công tác kiểm tra thuế, việc quyết toán thuế không hề được nhắc đến trong dự thảo. Có thể nêu một vài nhận xét về những quy định nêu trên trong dự thảo LQLT:

Một là, khi cơ sở kinh doanh tự "khai quyết toán thuế" nhưng luật không quy định cơ quan thuế có trách nhiệm "quyết toán thuế hàng năm" với cơ sở kinh doanh thì việc "khai quyết toán thuế" là vô nghĩa.

Hai là, khoản 14 điều 4 dự thảo LQLT quy định: “Hoàn thành nghĩa vụ thuế là việc nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định". Song, dự thảo luật lại không qui định bắt buộc cơ quan thuế phải xác nhận cho cơ sở kinh doanh là đã "hoàn thành nghĩa vụ thuế".

Ba là, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/1998/NĐ - CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN. Nghị định 61 này đã hạn chế nạn kiểm tra, thanh tra tràn lan đối với DN. Việc kiểm tra thuế cũng không thể nằm ngoài quy định của Nghị định 61. Tất nhiên, nếu những nội dung về kiểm tra thuế trong dự thảo LQLT được Quốc hội thông qua thì Nghị định 61 sẽ hết hiệu lực trong lĩnh vực kiểm tra thuế. Việc thu thuế là rất quan trọng nhưng không thể quan trọng hơn việc khuyến khích sản xuất, nuôi dưỡng nguồn thu.
Vì vậy, không thể đặt ra những quy định riêng gây khó khăn cho các DN trong sản xuất kinh doanh.

Bốn là, hiện nay phạm vi và hiệu lực pháp luật của việc kiểm tra thuế, quyết toán thuế và thanh tra thuế còn chưa rõ ràng. Nếu dừng lại ở việc kiểm tra thuế, sau một cuộc kiểm tra, các cơ sở kinh doanh sẽ phải luôn luôn thường trực để đón tiếp các đoàn kiểm tra, quyết toán, thanh tra.

Năm là, với việc loại bỏ nội dung của quyết toán thuế, dự thảo LQLT đã nâng cao hơn nữa quyền của cơ quan thuế trong việc kiểm tra, thanh tra thuế nhưng lại không quy định về trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan thuế trong việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tượng nộp thuế.

Từ phân tích trên, xin kiến nghị: đưa vào điều 4 mục giải thích về quyết toán thuế với nội dung: "Quyết toán thuế là việc cơ quan thuế kiểm tra phần tự khai quyết toán của cơ sở kinh doanh và xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tượng nộp thuế".

Hải Yến

Các văn bản liên quan