Không thể hội nhập khi LTM vẫn là mạng nhện

Thứ Sáu 15:57 26-05-2006
VTV1

Có 96 điều luật cũ được bỏ, 149 điều được sửa đổi và bổ sung và 146 điều trong dự luật Thương mại sửa đổi được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp lần này. Việc sửa đổi luật là để phù hợp với tình hình hoạt động thương mại vô cùng năng động hiện nay cũng như chuẩn bị điều kiện cho nước ta gia nhập WTO. Nhưng sửa đổi như thế nào cho hợp lý lại không phải là điều đơn giản. PGS, TS luật học Phạm Duy Nghĩa đã chỉ ra một số tồn tại cơ bản nhất và hướng sửa đổi rất đáng được suy nghĩ.

Luật Thương mại - mạng nhện đầy lỗ hổng.

Theo PGS, TS Phạm Duy Nghĩa, luật Thương mại hiện hành của nước ta chưa thống nhất, chưa rõ ràng và chưa minh bạch. Nó vừa chật hẹp vừa tồn tại quá nhiều lỗ hổng. Điều đó biểu hiện ngay ở các định nghĩa hoạt động thương mại, hợp đồng thương mại,... được qui định trong bộ luật. Đặc biệt, khái niệm hành vi thương mại thì quá hạn hẹp, hợp đồng thương mại thì qui định không rõ ràng còn thương nhân lại được định nghĩa quá mơ hồ chung chung.

Luật Thương mại hiện hành của Việt Nam hiện có 22 điểm chưa phù hợp với hiệp định Thương Mại Việt - Mỹ. Trong đó cơ bản là:

+ Khái niệm hoạt động thương mại quá hẹp, chỉ là "việc mua bán hàng hoá và các dịch vụ liên quan" trong khi bây giờ còn rất nhiều hoạt động khác như đầu tư, chuyển giao công nghệ, tài chính, ngân hàng...

+ Đối tượng tham gia hoạt động ngoại thương cũng rất hẹp, chỉ những thương nhân có điều kiện do Chính Phủ qui định, trong khi HĐTM Việt-Mỹ thì qui định tất cả các doanh nghiệp đều có quyền tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

+ Nhiều điều trong luật hiện hành chịu ảnh hưởng của nền kinh tế tập trung truớc đây. Tất cả không chỉ mâu thuẫn với cam kết quốc tế mà còn gây khó khăn cho quá trình đàm phán Việt Nam gia nhập WTO.

Hành vi thương mại là vấn đề chi phối đầu tiên của luật Thương mại. Nhưng luật của chúng ta chỉ qui định 14 loại hành vi và được định danh rõ rệt. Trong khi đó, khái niệm hành vi thương mại theo luật mẫu của Ủy ban Liên hiệp quốc về luật thương mại đưa ra thì không định danh cụ thể nhưng bao hàm định tính hỗ trợ của án lệ. Điều này tạo ra độ "vênh" lớn giữa luật của chúng ta với mặt bằng luật quốc tế. Tình hình tương tự cũng xảy ra với những qui định về hoạt động thương mại.

Qui định về hợp đồng thương mại cũng không thống nhất, bị xé lẻ thành 3 đạo luật: Luật hợp đồng thương mại, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật dân sự. Sự tồn tại song song của các đạo luật này không tạo nên một hệ thống đầy đủ các chế tài để xử lý các vấn đề phát sinh của hoạt động thương mại. Nó còn tạo nên sự chồng chéo, thậm chí là mâu thuẫn lẫn nhau. Bởi vậy, luật Thương mại không bao quát được các hành vi thương mại đang cũng như sẽ có mặt tại Việt Nam. Qui định về hiệu lực hợp đồng khá cũ tạo cơ hội cho toà án và thẩm phán can thiệp tương đối mạnh vào quan hệ hợp đồng. Việc mua bán tưởng đã diễn ra suôn sẻ, thế nhưng toà vẫn có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Đó là lý do làm cho tính dự báo của Luật Thương mại kém.

Và những hệ quả

Vụ kiện của công ty ô tô Việt Nam VIDAMCO với công ty kinh doanh taxi TANACO vì vi phạm hợp đồng mua bán tháng 10/1998 là một ví dụ điển hình về việc thiếu các chế tài hợp đồng thương mại. VIDAMCO bán cho TANACO 150 xe ô tô du lịch với số tiền 2,6 triệu USD theo hình thức trả góp. Sau 6 năm hợp đồng ký, TANACO vẫn chưa thanh toán đủ số tiền nợ hợp đồng. Tranh cãi xảy ra suốt 6 năm vì toà tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì lý do người đứng ra ký hợp đồng không đúng pháp lý. Luật Thương mại của chúng ta không có chế tài về hợp đồng vô hiệu (!), việc Toà phải căn cứ vào "Pháp lệnh hợp đồng kinh tế" đã bắt đầu thể hiện sự lỗi thời để xử lý vụ việc. Theo đó, khi hợp đồng vô hiệu các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu, phải trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu thế thì VIDAMCO phải trả lại số tiền đã nhận của TANACO và ôm về150 xe của mình nhưng số xe này đã được dùng gần 10 năm qua (từ năm 1996). Sáu lần xét xử qua các cấp khác nhau vụ kiện đã gây ko ít phiền toái cho doanh nghiệp, tạo ra tâm lý không mấy dễ chịu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Vụ của VIDAMCO chỉ là một trong 600-700 vụ kiện về tranh chấp hợp đồng mà toà án Kinh tế Việt Nam phải thụ lý hàng năm.

Luật hợp đồng cũng liên quan tới vấn đề trọng tài quốc tế. Để gia nhập WTO, chúng ta phải có những qui định cụ thể và chặt chẽ về vấn đề trọng tài quốc tế. Nhưng đây chính là một lỗ hổng lớn trong bộ luật Thương mại. Vì thế tạo nên sự lúng túng trong xử lý các trường hợp cụ thể. Đặc biệt khiến cho chúng ta gặp nhiều bất lợi khi tham gia vào thị trường thế giới.

Bài học của Tyco cách đây 4 năm vẫn còn đó. Đây là vụ kiện của hai công ty nước ngoài làm ăn tại Việt Nam là Tyco Services Singapore Pte. Ltd và công ty Leighton Contractors Ltd VN (trước đây là công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess - viết tắt: HVT). Vụ kiện kéo dài từ 1995 - 2000. Họ nhờ trọng tài Queensland của Úc xét xử. Bản án buộc HVT phải trả nợ cho Tyco và Việt Nam phải công nhận phán quyết đó của trọng tài Úc và cho thi hành. Thế nhưng toà án của chúng ta lại không cho thực thi phán quyết vì cho rằng hành vi xây nhà không coi là thương mại ở VN. Hệ quả là mặc dù xây nhà ở VN bên kia không trả nợ nhưng cũng không đòi được.

Luật Thương mại của chúng ta chưa qui định rõ ràng ai là thương nhân. Mặc dù thương nhân là nhân vật chính trong bộ luật này. Vì thế dễ dẫn đến nhầm lẫn là những người buôn bán rong hoặc có liên quan đến hoạt động thương mại cũng có thể là thương nhân. Điều này kéo theo quyền hạn và nghĩa vụ của thương nhân cũng chưa rõ nét trong bộ luật. Hệ quả là trong rất nhiều hoạt động kinh doanh, thương nhân "giẫm đạp", "kèn cựa" lẫn nhau. Các doanh nghiệp ít hợp tác, giúp đỡ nhau để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, để phát triển ở tầm vĩ mô. Các thông tin về giá cả, thị trường, sản xuất, đầu tư, sản lượng hàng năm...cũng ít được họ chia sẻ cho nhau. Ví dụ trong lĩnh vực thuỷ sản, hiện tượng tranh mua, tranh bán mà không quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang khá nhức nhối hiện nay.

Những lỗ hổng mạng nhện này khiến cho Luật Thương mại nước ta chưa hợp với luật chơi quốc tế.

Vá mạng nhện - Bắt đầu từ việc chuyên nghiệp hoá người làm luật

PGS, TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng, để tham gia hội nhập, không nhất thiết phải tăng số lượng các điều luật cũng như phải mở rộng luật Thương mại. Cái chính là ta phải làm cho đạo luật này phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế. Nhưng để khả thi thì Luật Thương mại không thể và cũng không nên ôm hết các hoạt động thương mại. Luật Thương mại phải đảm bảo được một số vấn đề cơ bản:

Phải tạo cho thương mại được diễn ra tự do. Muốn vậy, Chính phủ phải tiến hành cắt bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan một cách hợp lý. Luật Thương mại của chúng ta cũng phải thực sự tạo ra sự bình đẳng giữa hàng hoá của các quốc gia. Hàng hoá các nước khác vào nước ta cũng phải được hưởng những ưu đãi như hàng hoá của Việt Nam. Tức là chúng ta phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nội địa cũng như các doanh nghiệp nước ngoài.

Tính minh bạch của luật cũng phải được nâng lên. Từ đó các doanh nghiệp có thể dự liệu trước được chính sách. Làm ăn điều tối quan trọng là phải dự liệu trước được tất cả các chính sách. Một điều tối quan trọng là, nếu chính sách của chúng ta có gây bất công, không hợp lý cho các doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có quyền khiếu kiện hành chính, khiếu kiện tư pháp nhằm thực hiện quyền lợi của mình.

Ngoài ra, theo ông Phạm Duy Nghĩa: "Hiện nay người ta sẽ làm luật theo đạo luật nhỏ. Có vướng mắc về vấn đề gì thì nên làm luật đó. Ví dụ, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, đối với cộng đồng của doanh nhân nên ban hành một đạo luật. Quốc hội sẽ làm những đạo luật đó và sẽ in và phát hành thành những cuốn sách. Tức là chúng ta nên chuyên nghiệp hoá việc làm luật. Chỉ với những cách đó mới làm được những đạo luật chuyên sâu và nhanh được."

Các văn bản liên quan