Không chọn sản phẩm không thân thiện môi trường

Thứ Ba 14:17 27-07-2010

Không chọn sản phẩm không thân thiện môi trường

TT - Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM - cho rằng người tiêu dùng nên thể hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng việc chọn mua hay không mua sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hùng nói:

 

- Tôi nhớ cách đây vài năm có một du khách người Nhật đi trên sông Sài Gòn nhìn cảnh người ta xả rác rồi viết thư gửi đến tôi nhờ lên tiếng kêu gọi người dân bảo vệ môi trường. Người ta ở tận nước ngoài xa xôi mà còn có trách nhiệm với chúng ta như vậy thì tại sao người dân chúng ta ở ngay trên đất của mình lại không thể hiện được ý thức đó?

* Phải chăng vì những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường chỉ gây tác động trực tiếp đến một bộ phận người dân, người tiêu dùng nơi diễn ra hành vi ấy nên khó có thể kêu gọi một trách nhiệm xã hội chung chung, thưa ông?

- Có thể. Nhưng tôi không đồng tình với cách nghĩ rằng một nhà máy sản xuất nhôm ở Hải Dương, một công ty bột ngọt ở Đồng Nai hay một công ty thuộc da ở TP.HCM xả thải trái phép chỉ gây hại ở những nơi đó, còn người dân ở nơi khác không cần bận tâm. Hiến chương của Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận con người có quyền được sống trong một môi trường trong lành nên ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường ấy, không thể chờ đến khi những vi phạm có tác động trực tiếp tới mình mới có phản ứng. Bởi như thế chỉ có trách nhiệm với cá nhân chứ không phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.

* Như vậy theo ông, trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng cần được thể hiện như thế nào?

- Thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam, đang hướng đến một sự phát triển bền vững, đồng nghĩa với việc chống lại những hành vi gây mất cân bằng, đe dọa sự phát triển bền vững của thế giới, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Chỉ riêng về bảo vệ môi trường, nhiều nước trên thế giới đã coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá một doanh nghiệp. Người ta sẵn sàng tẩy chay sản phẩm, dịch vụ của anh nếu trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ đó anh đã gây hại cho môi trường.

Ở Việt Nam, pháp luật không quy định người tiêu dùng có hay không có quyền tẩy chay nhưng quy định rất rõ rằng người tiêu dùng của Việt Nam cũng có quyền lựa chọn hàng hóa để mua. Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm cấm hành vi “sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người”. Do đó để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ mà anh gây ô nhiễm môi trường thì người tiêu dùng có quyền không mua sản phẩm của anh.

* Vừa qua đã có những trường hợp người tiêu dùng không mua bánh phở có hàn the, không mua nước tương chứa 3-MCPD. Hành vi đó có thể được coi là một cách thể hiện trách nhiệm xã hội không, thưa ông?

- Đó là những phản ứng đúng để buộc nhà sản xuất phải xem lại trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phản ứng của người trực tiếp tiêu dùng sản phẩm, tức là khi quyền lợi của mình bị xâm hại trực tiếp. Trách nhiệm xã hội không chỉ dừng ở đó. Người tiêu dùng cần phải thấy sản phẩm không trực tiếp gây hại nhưng nó được tạo nên bằng sự gian dối, bằng hành vi tàn phá môi trường, vi phạm pháp luật thì phải có trách nhiệm từ chối.

Việc từ chối một sản phẩm, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc được tạo ra trong quá trình gây ô nhiễm môi trường một mặt buộc doanh nghiệp phải thực thi đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường; mặt khác, quan trọng hơn, thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, với xã hội.

* Theo ông, người tiêu dùng Việt Nam đã ý thức và thể hiện được trách nhiệm xã hội lớn lao đó chưa?

- Tôi nghĩ người dân Việt Nam rất có ý thức về trách nhiệm xã hội, bằng chứng là người dân khắp nơi đọc báo thấy Vedan gây ô nhiễm môi trường mà còn cò kè mặc cả với dân thì có ngay cảm giác bực tức, chê trách Vedan. Tuy nhiên ý thức đó mới thể hiện ở tư cách một người dân không đồng tình trước hành vi sai trái nên chỉ mới thể hiện ở sự lên án. Nếu ý thức đó thể hiện ở tư cách một người tiêu dùng, đừng quên rằng mỗi người dân là một người tiêu dùng thì hẳn anh sẽ đặt mình trước sự lựa chọn mua hay không mua sản phẩm của Vedan.

* Ông đã quyết định thế nào trước sự lựa chọn đó?

- Riêng bản thân tôi đã xác định không chọn mua sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp có hành vi gian dối, vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Tiêu dùng xanh là xu hướng thời thượng

Dù nền kinh tế thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn liên tục tăng mạnh. Vừa qua, Tổ chức tư vấn Boston (BCG), Mỹ đã tổ chức một cuộc khảo sát 9.000 người tiêu dùng tại chín quốc gia trên thế giới và xác định: ngày càng nhiều người tiêu dùng mua các sản phẩm xanh và số lượng người sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm xanh cũng tăng cao.

Theo kết quả khảo sát, 73% người được hỏi khẳng định họ đặc biệt quan tâm đến thành tích bảo vệ môi trường của các công ty. Người tiêu dùng cho rằng các công ty cần đưa thông tin rõ ràng về tác động môi trường của các sản phẩm. Phần lớn khẳng định họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thực phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng. Theo khảo sát, sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng và mang giỏ của mình đến siêu thị mua hàng thay vì dùng bao nilông là cách người tiêu dùng các nước áp dụng nhiều nhất để bảo vệ môi trường.

Hồi tháng 4-2010, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố vào năm 2011 sẽ yêu cầu các doanh nghiệp thông báo rõ tác động môi trường của các sản phẩm và dịch vụ, với mục tiêu giảm hàm lượng tài nguyên tự nhiên trong hàng hóa dịch vụ EU. Tại Mỹ, các công ty xây dựng lớn đang đầu tư mạnh để nghiên cứu các loại vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường. Ước tính từ nay đến năm 2015, tổng giá trị thị trường vật liệu xây dựng xanh ở Mỹ sẽ tăng từ 71,1 tỉ USD lên tới 173,5 tỉ USD.

HIẾU TRUNG (Theo Environmental Leader, The green market)

NGUYỄN TRIỀU thực hiện - Theo Tuổi trẻ ngày 25/7/2010

 

Các văn bản liên quan