Hiệp hội gỗ và lâm sản – Bất hợp lý về thu thuế tài nguyên đối với sản phẩm rừng tự nhiên của hộ gia đình

Thứ Năm 08:58 23-10-2008

Bất hợp lý trong việc thu thuế tài nguyên đối với sản phẩm rừng tự nhiên

của các chủ rừng hộ gia đình .

 

1.Hiện trạng đất lâm nghiệp và rừng của hộ gia đình.   

            Chính sách giao đất gia rừng cho hộ gia đình, cá nhân đã được thực hiện từ nhiều năm, tuy nhiên tiến độ thực hiện ở các vùng miền, các tỉnh rất khác nhau: Miền núi phía Bắc giao được nhiều nhất 2,068 triệu ha, chiếm tỷ lệ 56% tổng diện tích rừng đã giao cho hộ, có nhiều tỉnh trong vùng đã hoàn thành việc giao rừng, như Hòa bình, Sơn la. Vùng Bắc Trung bộ: 800 nghìn ha, chiếm tỷ lệ 22%; vùng Duyên hải Nam Trung bộ 13%; các vùng còn lại diện tích rừng giao cho hộ rất ít . Như vậy, trừ vùng Miền núi phía Bắc việc giao đất giao rừng cho tổ chức và hộ gia đình được tiến hành song song, còn ở các vùng khác chỉ mới giao rừng cho các tổ chức nhà nước là chính, giao rừng cho hộ gia đình rất ít, thậm chí không giao rừng tự nhiên. Một số tỉnh Tây nguyên, vài năm gần đây mới thí điểm giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, trong khi Luật Đất đai và Luật BV&PTR 1991 đã mở ra việc giao rừng cho hộ gia đình. (Nguồn:  Dựa trên số liệu của BộTN-MT, 3/2006)

 

Hộ gia đình đã được giao cả 3 loại rừng:

-                           Diện tích đất rừng sản xuất 1,8 triệu ha, 

-                           Diện tích đất rừng phòng hộ 1,595 triệu ha,

-                           Diện tích  đất rừng đặc dụng được giao ít hơn, 68.277 ha,

 

            Đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng trồng và , với cơ cấu như sau:

             - 45%  rừng tự nhiên (1.633.444ha, trong đó SX:641.506 ha, PH: 960.589ha, và DD:31.349 ha)

- 25% rừng trồng (rừng trồng bằng vốn nhà nước giao lại cho dân và dân tự trồng);

-30% đất trống đồi trọc.

 

 Chúng tôi không có số liệu toàn quốc về trạng thái rừng đã giao cho hộ gia đình, song qua số liệu  thống kê điển hình của 9 tỉnh của vùng miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Định, tại 27 huyện miền núi gồm 89 xã  cho thấy:

-                           Tổng số diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình là 223.510 ha, rừng tự nhiên lá rộng thường xanh chiếm 84,5%, rừng hỗn giao gỗ tre 15,5%.

-                           Trong đó, rừng gỗ nghèo và phục hồi có diện tích lớn nhất 126.084 ha, chiếm 56,4%, rừng giàu và trung bình 62.825 ha, chiếm 28,1%. Còn lại  rừng hỗn giao gỗ và tre nứa cũng trạng thái nghèo kiệt.

-                           Diện tích rừng tự nhiên sản xuất 104.790 ha chiếm 46,4% và rừng tự nhiên phòng hộ 53,6%.

 Qua đó cho thấy:

(i)                  Diện tích rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình khá lớn, chiếm 16% tổng diện tích rừng tự nhiên cả nước và còn tăng thêm nhiều ( khoảng 20-25%) khi các tỉnh phía Nam đẩy mạnh thực hiện giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình theo chủ trương của Chính phủ. Hộ gia đình trở thành một lực lượng quan trọng trong việc trực tiếp bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, ngoài việc tham gia vào nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên của các tổ chức lâm nghiệp nhà nước.

(ii)                Diện tích rừng tự nhiên sản xuất chiếm 40%, rừng phòng hộ 60%. Lợi ích kinh tế  của hộ gia đình thu được từ rừng phòng hộ thấp hơn rừng sản xuất.

(iii)               Phần lớn diện tích rừng tự nhiên giao chộ gia đình là rừng nghèo (>70%), trữ lượng bình quân loại rừng II:20-30 m3/ha, loại IIIA1 từ 79,2- 84,5m3/ha. Lượng tăng trưởng (gỗ) của rừng tự nhiên thấp, đối với rừng IIB bình quân cả nước là 4,220m3/ha/năm (cao nhất: 4,450, thấp nhất: 2,870), đối với rừng IIIa2-IIIa3 biến động từ 2,8- 6,3m3/ha/năm, tùy từng vùng* ( Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 2001-2005- Bộ NN&PTNT, 2006).

2. Do đó, để để cải thiện chất lượng và  nâng cao năng xuất rừng tự nhiên nhằm tăng giá trị phòng hộ môi trường, tính đa dạng sinh học và giá trị kinh tế của rừng tự nhiên nghèo kiệt phải có thời gian dài hàng chục năm ( thời gian khoanh nuôi bảo về từ trạng thái IC đến IIA khoảng 5-10 năm*, luân kỳ khai thác rừng từ 25-30 năm) và không thể chỉ trông chờ vào tái sinh tự nhiên của rừng ( quá trình tái sản xuất tự nhiên) mà cần phải có đầu tư vốn và lao động (quá trình tái sản xuất kinh tế) của chủ rừng.Thành quả của quá trình bảo vệ, nuôi dưỡng làm giàu rừng nghèo kiệt và rừng phục hồi biểu hiện ở 2 chỉ tiêu: (i) sản lượng khai thác cho phép khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác, (ii) trũ lượng bình quân và chất lượng của rừng tăng lên do với thời điểm ban đầu - tạo ra sức sản xuất của rừng tăng lên một cách bền vững. Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra  bao nhiêu% giá trị tăng thêm đó là do quá trình tái sản xuất tự nhiên ( thành quả của chủ sở hữu rừng) và bao nhiêu% là kết quả của quá trình tái sản xuất kinh tế ( thành quả tự đầu tư của chủ rừng). Nếu đối với một chủ sở hữu duy nhất khì không cần phải tính tóan chi ly như vậy. Nhưng trong điều kiện Việt nam, Nhà nước là chủ sở hữu rừng tự nhiên, chỉ giao quyền sử dụng rừng tự nhiên cho hộ gia đình, họ " chỉ được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng tăng thêm do chủ rừng tự đầu tư so với giá trị quyền sử dụng rừng được xác định tại thời điểm giao" (khoản 3, điều 70 Luật BV&PTR, 2004).

   Như vậy có thể thấy rằng, rừng tự nhiên được giao cho hộ gia đìnhvà họ đã tự đầu tư phục hồi rừng thì giá trị rừng ở thời điểm mới không hoàn toàn chỉ  thuộc sở hữu nhà nước ( như rừng tự nhiên chưa có tác động) mà còn có phần sở hữu của chủ rừng hộ gia đình (giá trị quyền sử dụng rừng tăng thêm do chủ rừng tự đầu tư) . Đó là đồng sở hữu về tài sản rừng tự nhiên  được phục hồi ( nhà nước và hộ gia đình). Đây cũng chính là cơ sở/bản chất kinh tế để  thiết kế chính sách ăn chia lợi ích giữa Nhà nước và chủ rừng và việc đánh thuế tài nguyên đối với lâm sản khai thác từ rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình (Quyết định 178/2001 của Chính phủ). Ở đây chỉ xem xét về cách đánh thuế tài nguyên theo quyết định trên.

3. TheoPháp lệnh Thuế tài nguyên, Nhà nước thu thuế tài nguyên đối với các tài nguyên thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có sản  phẩm rừng tự nhiên. Điều đó không có gì phải bàn cãi đối với các sản phẩm rừng tự nhiên được khai thác từ rừng giàu, trung bình, chủ yếu là sản phẩm của quá trình tái sinh tự nhiên. Nhưng trong trường hợp sản phẩm rừng tự nhiên được khai thác từ rừng đã giao cho hộ gia đình thì đánh thuế tài nguyên 100% có đúng không? (theo khoản 4, điều 7 quyết định 178/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi…của hộ gia đình)  Theo tôi là không đúng, vì nhà nước chỉ được quyền đánh thuế tài nguyên trên sản phẩm rừng tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước, còn phần sản phẩm rừng tự nhiên thuộc sở hữu của hộ gia đình thì không được đánh thuế tài nguyên, mà phải áp dụng thuế đất nông nghiệp ( kinh doanh rừng tự nhiên sản xuất cũng tương tự như trồng rừng trên đất trống). Sửa đổi cách đánh thuế này sẽ có lợi cho hộ gia đình rất nhiều vì mức thuế suất thuế tài nguyên rất cao so với thuế đất nông nghiệp. Thuế xuất trung bình của thuế tài nguyên là  20%, thuế đất với trồng rừng 4%.

Lấy 1 ví dụ: Hộ gia đình ông A được giao 3 ha rừng gỗ tự nhiên, trạng thái rừng phục hồi sau nương rãy. Hộ gia đình được hưởng 70%, nộp ngân sách nhà nước 20% sản lượng gỗ khi khai thác chính là 30m3/ha ( sau 25 năm ), sau khi đã nộp thuế tài nguyên ( theo tiết a, khoản 4, điều 7 của Quyết định 187). Giả định giá bán gỗ tại bãi I là 800.000 đ/m3, thuế suất thuế tài nguyên gỗ nhóm 5, 6 là15%.

 

 

 Tính thu nhập của hộ gia đình:

a)Theo cách thu thuế tài nguyên của Quyết định 178:

+ Tổng thu bán gỗ: 30x3x800.000   =    72.000.000 đ

+ Nộp thuế tài nguyên: 72.000.000x15%=   10.800.000 đ

+ Thu nhập của hộ gia đình: (72.000.000-10.800.000)x 70%= 42.840.000đ

            b) Theo cách thuế tài nguyên chỉ thu trên sản phẩm thuộc sở hữu nhà nước, còn sản phẩm của hộ gia đình thu thuế đất nông nghiệp 4% ( tương tự trồng rừng):

                        + Phần chia của nhà nước: 72.000.000x30% = 21.600.000 đ

                        + Nộp thuế tài nguyên     : 21.600.000 x15%=   3.240.000 đ.

                        + Phần  chia của hộ gia đình:   72.000.000- 21.600.00 =   50.400.000 đ

                        + Nôp thuế đất nông nghiệp     : 50.400.000x4%= 2.016.000 đ

                        + Thực thu nhập của hộ gia đình: 50.400.000- 2.016.000 = 48.384.000 đ

 Thực thu nhập của hộ gia đình tính theo phương án b) tăng so với a): 5.544.000 đ, bằng 13%.

4. Nhìnchung các hộ gia đình được giao rừng tự nhiên đều ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Việc thay đổi cách tính thuế thuế tài nguyên theo đúng bản chất kinh tế của nó (thu trên sản phẩm thuộc sở hữu nhà nước), còn sản phẩm thuộc sở hữu của hộ gia đình thu thuế đất nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập của hộ gia đình tạo thêm động lực cho hộ gia đình gắn bó hơn với rừng tự nhiên được giao.

    Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế đối với rừng trồng thì cũng nên miễn giảm thuế đối với sản phẩm rừng tự nhiên đối với hộ gia đình được giao rừng, và thời gian miễn giảm thuế cần kéo dài khoảng 1-2  chu kỳ kinh doanh. Đối với hoạt động đánh cá biển, do việc đánh bắt cá gần bờ quá mức đã làm cạn kiệt nguồn thủy sản, cần khuyến khích đánh bắt cá xa bờ, Nhà nước đã có chính sách cho vay vốn để đóng tàu lớn đồng thời lại có chính sách miễn giảm thuế tài nguyên đối với cá biển ( " Khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ bằng phương tiện có công suất lớn được miễn thuế tài nguyên trong 5 năm đầu và giảm 50% thuế tài nguyên trong 5 năm tiếp theo. Trường hợp còn gặp khó khăn thì tiếp tục được xét giảm thuế tài nguyên thêm từ 1 đến 5 năm nữa"- Pháp lệnh Tthuế tài nguyên sửa đổi, 2004 ) Đối với kinh doanh rừng tự nhiên cũng trong tình hình tương tự ( rừng giàu và trung bình còn rất ít, đại bộ phận là rừng nghèo và phục hồi) Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển rừng tự nhiên mạnh mẽ hơn hoạt động đánh bắt cá biển, vì ngoài giá trị trực tiếp ( cung cấp lâm sản) rừng tự nhiên còn có giá trị gián tiếp là giá trị phòng hộ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

        Làm tăng quyền hưởng lợi từ rừng là chính sách tạo động lực để người dân tích cực tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng./.

 

                                                                                    Vũ Long

                                                ĐC: 2c, 49/16 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy- Hà Nội

                                                                        ĐT: 04.756 2389

                                                                        Email: vulongvinh@yahoo.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan