Góp ý của Công ty TNHH Mỏ Nickel Bản Phúc

Thứ Năm 08:48 23-10-2008

Kính thưa: Các chủ tọa hội nghị, các Quý vị đại biểu và các bạn
 
Theo đệ trình của Bộ Tài chính việc xem xét, đề nghị tăng thuế tài nguyên lên mức 10-30% là để nhằm mục đích bảo vệ môi trường, bắt kịp tình hình giá các khoáng sản trên thế giới tăng cao, nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, thực chất việc quản lý việc thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản chủ yếu là do công tác quản lý, thanh tra, giám sát “hậu giấy phép” chứ không phải căn cứ vào các chính sách thuế.

Tôi xin nêu ra dưới đây một số ý kiến có liên quan:

1. Thứ nhất tăng thuế tài nguyên để tăng cường công tác bảo vệ môi trường là không hợp lý.

Trước khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, các Công ty phải lập một Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu rõ, mức độ ảnh hưởng tới môi trường (như di dân, giải phóng mặt bằng, xả thải, phục hồi hiện trạng v..v.), các biện pháp khắc phục. Báo cáo này được các cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.  Theo đó các công ty khai thác khoáng sản sẽ phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường thoả mãn các quy định của pháp luật Việt nam.  Ngoài ra, các công ty khai thác khoáng sản cũng phải trả phí môi trường.  Các khoản phí môi trường này được nộp trực tiếp cho ngân sách địa phương và các địa phương này sẽ sử dụng các khoản phí để chi trả cho các công tác bảo vệ môi trường.  Thêm vào đó, các công ty khai thác khoáng sản còn phải nộp một khoản ký quỹ phục hồi môi trường, khoản ký quỹ này là để đảm bảo việc các công ty này sẽ thực hiện việc phục hồi môi trường trở về trạng thái ban đầu sau khi thực hiện đóng cửa mỏ.  Nếu các công ty này không thực hiện phục hồi môi trường như cam kết thì nhà nước sẽ thu hồi khoản kỹ quỹ này để thực hiện việc phục hồi môi trường.

Nhìn vào những quy định và nghĩa vụ như trên thì việc tăng thuế tài nguyên nhằm mục đích tăng cường việc bảo vệ môi trường là không cần thiết và không đúng hướng.

2. Thứ hai, việc tăng thuế tài nguyên là để bắt kịp với sự biến động của tình hình giá cả các khoáng sản trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua là không thực hiện được.

Thực tế là thị trường kim loại nói riêng và khoáng sản nói chung trên thế giới thay đổi mang tính chu kỳ rất cao, và thường xuyên biến động mạnh. Việc điều chỉnh thuế suất của Chính phủ không thể bắt kịp tình hình biến động giá cả trên thị trường thế giới về mặt thời gian được.  Chỉ tính riêng về nickel trong thời gian vòng 4 năm qua, giá nickel biến động từ mức cao nhất là 55.000$US/tấn xuống đến nay chỉ còn 10.000 US$/tấn (giảm - 500%).  Để đảm bảo phan chia lợi nhuận và rủi ro giữa lợi ích của Nhà nước và lợi nhuận của nhà đầu tư, tôi đề nghị Chính phủ thanh đổi phương pháp tính thuê tài nguyên. Thuế tài nguyên theo phương pháp mới được tính theo tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận chứ không phải tính trên doanh thu khai thác như hiện nay.  Điều này sẽ khiến các công ty khai thác giảm bớt rủi ro trong kinh doanh và Chính phủ vẫn thu được thuế.  Hoặc theo cách khác, Chính phủ có thể quy định khung tính thuế tài nguyên theo khung giá cả trên thị trường thế giới, ví dụ nếu mức giá từ

 

Giá kim loại

Thuế suất thuế tài nguyên

1.

40.000$ đến 50.000$/tấn

10%

2.

30.000$ đến dưới 40.000$/tấn

5%

3.

Dưới 30.000$

2%

Việc đánh thuế tài nguyên theo khung giá kim loại trên thị trường thế giới sẽ đảm bảo sự thu thuế triệt để, minh bạch và công bằng cho cả lợi ích của nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp.

3. Thứ ba, việc tăng thuế tài nguyên có vai trò trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản là không thoả đáng.

Khi Chính phủ đánh thuế tài nguyên quá cao, các công ty khai thác khóang sản có quy mô lớn, những công ty tuân thủ quy định, nộp thuế đầy đủ sẽ dẫn đến việc khai thác bị thua lỗ và dần dần bị đẩy ra khỏi ngành công nghiệp khai khoáng.  Toàn bộ ngành chỉ còn lại các công ty khai thác nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.  Các loại hình này nhìn chung khai thác ở quy mô nhỏ và rất nhỏ, bằng các phương pháp thủ công.  Họ không áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, không nộp thuế hoặc nộp thuế không đầy đủ và xuất khẩu lậu các khoáng sản.  Thực tiễn là các mỏ khoáng sản ở Việt nam cần được quy về một mối giao cho các Công ty có uy tín, có khả năng, có tài chính để thực hiện khai thác.  Nhưng nếu quản lý không đồng bộ và thuế suất cao sẽ khiến cho việc khai thác trái phép, trốn thuế đạt được lợi nhuận khổng lồ và điều này sẽ khiến cho các mỏ sẽ bị chia thành các mỏ nhỏ để khai thác thủ công các tổ chức cá nhân khai thác trái phép sẽ chỉ khai thác các phần quặng giàu, trên mặt, không tổ chức đánh giá trữ lượng cụ thể, xuất khẩu quặng thô và hủy hoại môi trường.  Thực tế này đã được chứng minh tại một số mỏ khai thác trái phép tại Việt nam.

4. Thứ tư, việc tăng thuế tài nguyên từ 1/1/2009 nhưng lại áp dụng hồi tố cho các dự án được cấp phép trước đó sẽ vi phạm nguyên tắc bảo vệ đầu tư nêu trong Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000 và Luật Đầu tư chung năm 2005 đều quy định rõ:

“1. Trong trường hợp do thay đổi quy định của pháp luật Việt Nam làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tiếp tục được hưởng các ưu đãi đã được quy định trong Giấy phép đầu tư và Luật này hoặc được Nhà nước giải quyết thoả đáng theo các biện pháp sau: 

           a) Thay đổi mục tiêu hoạt động của dự án;

          b) Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật;

          c) Thiệt hại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp;

          d) Được xem xét bồi thường thoả đáng trong một số trường hợp cần thiết.”

Vì vậy tôi đề nghị việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ không được áp dụng hồi tố đối với các doanh nghiệp và các giấy phép đã được cấp trước ngày 1/1/2009.  Trước khi thực hiện đầu tư vào Việt nam, các nhà đầu tư nước ngoài phải lập và thẩm định Báo cáo Đầu tư xây dựng công trình trong đó có tính toán đến các điều kiện và điều khoản để thực hiện đầu tư, ví dụ đối với dự án mỏ nickel Bản Phúc các tính toán về hiệu quả kinh tế của dự án được tính dựa trên mức thuế suất thuế tài nguyên vào thời điểm đó là 3%. Sau đó trong năm 2007, Bộ Tài chính đã tăng thuế suất này lên 5 % và hiện tại đang đệ trình Chính phủ tăng khung thuế suất lên 10-30%. Với mức thuế suất từ 10-30% có nghĩa là thuế tài nguyên đã tăng 600% so với mức ban đầu, gây rất nhiều khó khăn đối với hiệu quả kinh tế của dự án.

Trong khi đó, thực tiễn ngành khai thác ở Indonesia, Philippines và một số nước khác thì chính phủ sẽ ký một Hợp đồng hay Thỏa thuận khai thác với các công ty khai thác khoáng sản đối với từng mỏ riêng biệt trong đó thống nhất và cam kết rõ các điều kiện và điều khoản để khai thác các mỏ đó như:

+ Quy định về thuế suất: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên vv…v;

+ Thời gian khai thác: ví dụ 30 năm

+ Quy mô khai thác; và

+ Trữ lượng khai thác

Các điều khoản và điều kiện này sẽ được giữ ổn định, không thay đổi trong suốt quá trình thoả thuận (30 năm), nhờ quy định như vậy mà các các công ty, các nhà đầu tư biết trước được các điều kiện và điều khoản để tính toán hiệu quả kinh tế của dự án và đảm bảo thu hồi vốn đầu tư.

Tôi kính đề nghị Chính phủ cũng căn nhắc việc đưa phương pháp này vào ứng dụng trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt nam để đảm bảo sự ổn định và phát huy tính thống nhất trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt nam, khiến Việt nam ngày càng trở thành một điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành khoáng sản nói riêng và trong các ngành công nghiệp khác nói chung.

5. Thứ năm, tình hình kinh tế thế giới và Việt nam trong 9 tháng năm 2008 đã có nhiều biến động không dự đoán trước được cũng đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt nam

§        Ví dụ, giá kim loại nickel giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2008: từ 30.000 US$/tấn giảm xuống 10.000 US$/tấn.
§        Tình hình lạm phát tại Việt nam tăng cao lên đến 20 – 35% chỉ tính riêng trong năm 2008.

§        Giá dầu trên thế giới tăng đột biến trong 6 tháng qua đã làm gia tăng đáng kể các chi phí đầu tư cho các ngành công nghiệp nói chung và ngành khoáng sản nói riêng.

§        Tình hình tài chính trên thế giới hết sức khó khăn: hàng loạt các ngân hàng lớn trên thế giới lâm vào tình trạng phá sản, thị trường chứng khoán các nước tuột dốc mạnh, gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp liên quan đến việc huy động vốn để đầu tư vào Việt nam.

§        Các thay đổi trong chính sách của Chính phủ Việt nam trong thời gian gần đây: việc Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 20 % đối với tinh quặng nickel (mức tăng rất đáng kể 400%).  Đồng thời Chính phủ cũng tăng lệ phí môi trường mà các công ty khai thác khoáng sản phải nộp. Chính phủ áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu một số loại khoáng sản sau một khoảng thời gian nhất định.

Tất cả những yếu tố trên đây đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đã đầu tư và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt nam.  Chúng tôi với tư cách là nhà đầu tư tại Việt nam kính mong Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét.
 
 
 Trần Ngọc Ánh - Công ty TNHH Mỏ Nickel Bản Phúc

Các văn bản liên quan