Hãy bỏ trần lãi suất

Thứ Hai 09:34 15-03-2010

Hãy bỏ trần lãi suất

 

(LĐCT) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có quyết định cho phép các ngân hàng thương mại có thể cho vay trung dài hạn theo lãi suất thoả thuận. Đây là một bước đi đúng hướng, tuy có muộn.

Trong thời gian qua có quá nhiều biện pháp hành chính đã được dùng trong nền kinh tế, gây lo ngại về xu hướng quay lại cách quản lý thời xưa đã bị cuộc sống phủ định. Ngân hàng Nhà nước có các công cụ “thị trường” của mình để điều tiết và nên huỷ bỏ các biện pháp hành chính, nhất là các loại trần lãi suất.

Dùng các trần lãi suất luôn làm méo mó thị trường, và các ngân hàng thương mại muốn hoạt động bình thường đều phải “lách”. Họ lách trần lãi suất cho vay bằng cách thu các loại phí.

Trần huy động tiền gửi thực ra không có, nhưng nếu bất cứ ngân hàng thương mại nào huy động trên 10,5%/năm là bị nhắc nhở, thanh tra toàn diện luôn. Các ngân hàng lại phải “lách” bằng cách thưởng, khuyến mãi đủ loại. Chi phí thực về huy động của các ngân hàng có khi lên đến 12%/năm hay hơn (gửi nhiều có thể được hưởng “lãi suất thật” lên đến 12 thậm chí 13%/năm). Họ không thể cho vay 13%/năm vì sẽ lỗ nặng.

Và như thế, khi cho vay, do bị trần lãi suất ràng buộc nên lãi suất ghi trên hợp đồng danh nghĩa luôn là mức trần (12%/năm), nhưng cái giá thật (lãi suất thực mà người vay phải trả) đã ở mức 15-17%/năm từ nhiều tháng nay rồi. Đó là thực tế cuộc sống, không thể trách các ngân hàng “lách” luật. Quy định chưa sát, không ăn nhập với cuộc sống, buộc họ phải làm vậy và làm thế không vi phạm luật hiện hành.

Nhưng việc đó gây hại đơn hại kép. Người dân (kể cả doanh nghiệp và ngân hàng) phải tìm cách “lách”, tinh thần thượng tôn pháp luật và niềm tin vào pháp luật bị xói mòn, rủi ro kinh doanh tăng, thị trường bị méo mó, các công cụ điều tiết của Nhà nước còn ít tác dụng, vân vân và vân vân.

Và như thế, việc điều chỉnh vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước chỉ là sự hợp thức hoá sự thực đã rồi trên thương trường. Nhưng mới áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn. Ngân hàng lại tiếp tục “lách”, cho vay 6 tháng cũng ghi luôn là 366 ngày rồi khách hàng sẽ tự nguyện “trả trước”. Tổng lượng vay “trung dài hạn” dỏm sẽ tăng lên đáng kể, số liệu thống kê méo mó. Thanh tra lại có nhiều việc để làm và để hành và có thể cả “thu” nữa. Lại làm méo mó thị trường, tăng chi phí, giảm hiệu suất, tăng rủi ro.

Tự chúng ta (Nhà nước, những người làm luật và có quyền quyết định chính sách, chứ không phải dân và doanh nghiệp) làm khổ mình, trói chân mình, gây tổn hại cho đất nước. Nên huỷ bỏ tất cả các loại trần lãi suất.

Nhưng làm sao việc huỷ bỏ những công cụ bất hợp lý rành rành lại khó đến vậy. Không thể đổ lỗi tất cả lên đầu Ngân hàng Nhà nước. Họ bị quá nhiều ràng buộc và họ không được độc lập.

Ngay cả việc bỏ trần lãi suất cho vay của họ cũng là chuyện “lách luật” của một cơ quan nhà nước. Họ hiểu kỹ và muốn xoá bỏ tận gốc việc “tự trói mình” bằng cách kiến nghị sửa luật Ngân hàng Nhà nước và luật các tổ chức tín dụng hay sửa luật dân sự.

Thế nhưng còn nhiều “nghị sĩ” vẫn chưa hiểu, chưa đồng tình. Họ hiểu nhầm các khái niệm “lãi suất cơ bản”, một công cụ điều tiết quan trọng của Ngân hàng Nhà nước, và do sự hiểu lầm đó, cũng như hành văn không chuẩn xác của một điều của Luật Dân sự, xác định trần lãi suất cho vay bằng 150% lãi suất cơ bản, là những sợi dây mà họ tự trói chân tay mình. Đấy là cái gốc cần sửa, cần cắt phăng các sợi dây trói buộc đó đó. Nhiều người chưa hiểu vẫn lớn tiếng đòi giữ các quy định sai và lỗi thời đó, các sợi dây tai ác đó mà vẫn nghĩ mình đang bảo vệ lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Không ai đòi hỏi mọi đại biểu Quốc hội đều phải là chuyên gia về mọi lĩnh vực hay thậm chí về một lĩnh vực cụ thể, như ngân hàng. Song đại biểu cần lắng nghe các chuyên gia phân tích điều hay lẽ phải và trên cơ sở đó đưa ra quyết định của mình khi bấm nút hay đề xuất sửa đổi một luật.

Những người chịu trách nhiệm trình - trong trường hợp này là Ngân hàng Nhà nước - cũng nên cải thiện cách trình bày lập luận của mình để cho các đại biểu Quốc hội hiểu rõ và chính xác.

Làm được thế sẽ giải quyết tận gốc rễ bao nhiêu chuyện tự trói mình một cách hết sức phi lý mà quy định về lãi suất trần chỉ là một trường hợp cụ thể trong rất nhiều ví dụ “tự trói” của các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Nguyễn Quang A - Lao Động Cuối tuần số 9 Ngày 14/03/2010 

 

Các văn bản liên quan