Góp ý về địa vị pháp lý của UBCKNN

Thứ Sáu 09:56 02-06-2006
Theo dõi tiến trình xây dựng Luật Chứng khoán của Quốc Hội, có 1 vấn đề chưa thống nhất và gây tranh luận nhiều nhất là bàn về địa vị pháp lý của Uỷ Ban Chứng khoán nhà nước: Là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hay trực thuộc Bộ Tài chính?

Về vấn đề này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)  xin có ý kiến như sau :
 
1/ UBCKNN đã từng là cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ trong 7 năm liền (1997- 2003) nhưng vị thế chỉ như 1 “ốc đảo”, ít có mối liên hệ và ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ ngành hữu quan :

- Ngay từ khi thành lập năm 1997, trong UBCKNN đã có đại diện của 4 Bộ quan trọng đóng vai trò là Uỷ viên thường trực của UBCKNN, đó là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp nhưng mô hình này tỏ ra mờ nhạt và hoạt động không hiệu quả :
           
+ Sự tham gia của các Bộ ngành trong UBCKNN là hết sức lỏng lẻo, đây không phải là vấn đề trách nhiệm mà chính là cơ chế hoạt động không ổn, cộng với vai trò và vị thế thường trực hết sức yếu ớt của lãnh đạo UBCKNN.

+ Thực tế sự tham gia của các Bộ ngành trong 1 Uỷ Ban hay Ban chỉ đạo là hết sức hạn chế, đây là tình trạng chung; Chảng hạn nhìn vào hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, tuy các thành viên đều có các Bộ ngành nhưng hoạt động chủ yếu lại là bộ phận thường trực của Văn phòng Chính phủ.
 
- UBCKNN đã từng có quyền soạn thảo văn bản pháp luật, trực tiếp tham mưu Thủ tướng Chính phủ các giải pháp về phát triển thị trường chứng khoán, tuy nhiên nhiều quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ra đời nhưng tác dụng đối với sự phát triển thị trường thấp.
 
- Trong thời kỳ UBCKNN trực thuộc Chính phủ ( đến 3/2004), TTCK còn nhỏ bé chỉ bằng 1/5 bây giờ, hàng hoá nghèo nàn, nhà đầu tư thì mất niềm tin; Vị thế của UBCKNN hết sức yếu ớt ; Mặc dù đã thiết lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hoạt động của Trung tâm này chưa thể hiện là hoạt động của TTCK, doanh nghiệp ra niêm yết thì vấn khó huy động vốn. Tiến trình cổ phần hoá gặp khó khăn về thu hút vốn cổ phần....

- Vậy những nguyên nhân cơ bản nào làm cho UBCKNN là 1 cơ quan ngang Bộ nhưng vai trò thì không thể phát huy được ?
 
+ Địa vị pháp lý hết sức nhỏ nhoi của UBCKNN đối với các Bộ ngành, UBND tỉnh, Tổng công ty nhà nước;

+ Những chính sách nền tảng để phát triển TTCK thì không nằm ở UBCKNN;

+ Tầm ảnh hưởng đối với Chính phủ, Bộ ngành, Tổng công ty nhà nước bị hạn chế
 
- Trong hoàn cảnh TTCK gặp khó khăn ( 2001-2003) - Đây là động lực chủ yếu dẫn đến sự ra đời của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) vào đầu năm 2004 với dự kiến nhiệm vụ đầu tiên là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần tăng cường sức mạnh điều hành TTCK qua việc chuyển UBCKNN về 1 Bộ sức mạnh là Bộ Tài chính, tuy nhiên rất mừng là VAFI đã không phải thực hiện nhiệm vụ này vì Tháng 4/2004, Chính phủ đã có quyết định chuyển UBCKNN về  Bộ Tài chính.
           
2/ Quyết định chuyển UBCKNN về trực thuộc Bộ Tài chính là 1 quyết định phát triển thị trường quan trọng nhất trong các giải pháp phát triển thị trường:
 
- Việc chuyển UBCKNN về Bộ Tài chính là 1 thách thức và mang lại nhiều nghĩa vụ cho lãnh đạo Bộ Tài chính, tuy nhiên bản thân vị thế của UBCKNN trên thực tế đã được nâng lên rất nhiều.
 
- Nhiều giải pháp quan trọng cho sự phát triển TTCK đã ra đời nhanh chóng, mà nếu như trước kia (UBCKNN trực thuộc Chính phủ) thì khó có thể ra đời :
 
+ Tăng cường nhiều hàng hoá sơ cấp và thứ cấp cho TTCK , qui mô TTCK hiện nay đã gấp 5 lần trước kia ( 3/2004), dự kiến trong 2 năm tới qui mô thị trường sẽ gấp 3 lần hiện nay;

+ Tăng cuờng xúc tiến đầu tư nước ngoài, qua việc mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20% lên 49%- Đây là giẩi pháp quan trọng để kích thích đầu tư trong nước.

+ Bộ Tài chính đã chỉ đạo nhiều đơn vị trong Bộ như Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Chế độ kế toán, Vụ tài chính ngân hàng, Vụ Chính sách Thuế ...ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển thị trường chứng khoán như chính sách tạo hàng, chính sách về Thuế, kế toán....liên quan đến TTCK.
 
- Việc chuyển UBCKNN về Bộ Tài chính đã mang lại những hiệu kinh tế lớn :
 
+ Đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Tài chính để đẩy nhanh sự phát triển của TTCK;

+ Ngay khi UBCKNN chuyển về BTC đã làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư, bản thân các nhà đầu tư cảm thấy không còn lẻ loi nữa, TTCK từng bước phát triển.

+ Khi TTCK phát triển, làm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu đồng thời gia tăng hiệu  quả của tiến trình bán cổ phần tại các DNNN cổ phần hoá. Nhà nước đã thu được giá trị gia tăng hàng ngàn tỷ đồng tiền bán cổ phần nhờ từng bước phát triển TTCK.

+ Các doanh nghiêp niêm yết và chưa niêm yết, đặc biệt trong khối ngân hàng thương mại cổ phần đã có điều kiện để huy động hàng tỷ đô la vốn trong dân cư và các thành phần kinh tế;
 
3/ Cần duy trì UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính ít nhất 10 năm nữa:
 
- VAFI là tổ chức có nhiều ý kiến góp ý nhất về Dự thảo Luật Chứng khoán ( 15 văn bản), tuy nhiên không có văn bản nào bàn luận về địa vị pháp lý của UBCKNN vì VAFI cho rằng UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là việc đương nhiên, không hẳn VAFI mà cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế....cũng đều đồng ý kiến như vậy.
 
- Bộ Tài chính là 1 Bộ sức mạnh, hơn nữa lại có nhiều chức năng trong việc hoạch định phát triển thị trường chứng khoán như chính sách cổ phần hoá DNNN, chính sách tạo hàng cho TTCK, chính sách Thuế ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK trong từng thời kỳ, chính sách kế toán, kiểm toán......  
 
- Nếu chúng ta đưa UBCKNN thành cơ quan ngang bộ thì bản thân UBCKNN sẽ trở thành 1 ốc đào, vai trò phát triển TTCK sẽ rất bị hạn chế.
           
- Chúng ta đừng nghĩa rằng để UBCKNN trực thuộc Chính phủ thì UBCKNN sẽ có vai trò độc lập. Trong tiến trình xây dựng Luật Chứng khoán vừa qua, VAFI đã bỏ ra rất nhiều công sức để trực tiếp góp ý và đấu tranh với tổ soạn thảo Luật của UBCKNN nhằm bảo vệ quan điểm của mình là cải thiện môi trường đầu tư chứng khoán, loại bỏ tối đa những thủ tục hành chính không cần thiết. Thử hỏi rằng UBCKNN vừa có chức năng cấp giấy phép cho các bên tham gia TTCK, vừa có chức năng soạn thảo Luật, lại vừa có chức năng giám sát thị trường thì có xung  đột quyền lợi không ? có đảm bảo loại bỏ tuyệt đối các lợi ích cục bộ hay không ? Có đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng minh bạch và bảo vệ lợi ích cho các bên tham gia thị truờng chứng khoán hay không ? Rõ ràng là với chức năng như hiện nay hay vị thế trước kia của UBCKNN thì không thể đảm bảo độc lập được. Đây cũng là tình trạng chung và phổ biến của các Bộ, ngành , UBND tỉnh khi mà Quốc Hội chưa thể trực tiếp soạn thảo Luật.
 
- Để UBCKNN thật sự độc lập thì người quản lý doanh nghiệp, người cấp phép không được làm chính sách. Chúng ta hãy nhìn lại tiến trình làm Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp do các nhà nghiên cứu tại Viện Quản lý Kinh tế TW làm, họ không có lợi ích gì sau khi Luật doanh nghiệp ra đời, cho nên động cơ làm Luật rất chí công vô tư và cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư rất yên tâm. Nhưng đối với Luật Đầu tư, tổ soạn thảo lại là các Vụ trong Bộ Kế hoạch đầu tư đang làm nhiệm vụ cấp giấy phép đầu tư, thế là hàng trăm giấy phép con được dựng lên, khiến cho cộng đồng doanh nghiệp rất vất vả trong việc góp ý Luật và Nghị định hướng dẫn về Luật Đầu tư.
 
- Để UBCKNN thật sự độc lập thì cần phải thành lập 1 Vụ Chính sách Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính ngay sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, với các lý do sau :
 
+ Chuyên nghiệp hoá các hoạt động của công chức nhà nước, người làm chính sách chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu và làm chính sách, không làm các việc khác xung đột lợi ích.

+ Đã tới thời điểm chín muồi để thành lập Vụ Chính sách chứng khoán, nguồn nhân lực lấy từ những cán bộ giỏi của UBCKNN, các cán bộ từ các Vụ liên quan của Bộ Tài chính . Trong những năm qua chúng ta đã đào tạo được 1 đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm về thị trường chứng khoán.

+ Tránh xung đột lợi ích giữa người vừa làm cấp phép lại vừa làm chính sách. Nguời chuyên làm chính sách sẽ có cách nhìn khách quan hơn so với người đóng vai trò giám sát thị trường hay người cấp phép kinh doanh.

+ Việc thành lập Vụ Chính sách Chứng khoán sẽ tạo mối liên kết và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên tham gia thị trường. VAFI nhận thấy rằng khi Vụ Chính sách ra đời thì sẽ có nhiều mối quan hệ hợp tác thuận lợi hơn so với hiện nay.

+ Bộ Tài chính sẽ thêm 1 đầu mối tham mưu độc lập nữa trong chính sách phát triển TTCK, tránh việc chỉ dựa vào 1 đơn vị tham mưu duy nhất . 

Các văn bản liên quan