Góp ý kiến cho Luật phòng chống tham nhũng

Thứ Sáu 15:16 26-05-2006
Ý KIẾN GÓP Ý CHO
DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG


1. Về phạm vi điều chỉnh :
Căn cứ vào quy định tại Chương XXI Bộ Luật hình sự 1999, tội phạm về tham nhũng là một nhóm các tội phạm về chức vụ quyền hạn. Nói khác đi, tham nhũng là một hành vi luôn luôn gắn liền vơi chức vụ, quyền hạn. Do đó theo chúng tôi chủ thể thực hiện các hành vi tham nhũng trong Luật phòng chống tham nhũng phải là những người có chức vụ quyền hạn. Vì thế, Pháp lệnh chống tham nhũng chỉ điều chỉnh hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước như quy định của phương án 1 như dự thảo tại điều 1/LPCTN là hợp lý.

2. Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Các nhóm biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại Chương II của dự thảo Luật phóng chống tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, kinh nghiệm của rất nhiều nước cho thấy một trong những biện pháp cũng rất hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng đó là biện pháp kiểm sóat tham nhũng thông qua “ hình thức thanh toán chi tiêu qua ngân hàng “ tức “ hạn chế “ và “ không dùng tiền mặt“. Với biện pháp mọi chi tiêu đều thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp ích rất nhiều các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và phát hiện ra những khoản chi tiết không có nguồn gốc minh bạch, do vậy sẽ hạn chế phần rất lớn tệ tham nhũng. Đây là một giải pháp tài chính lớn của quốc gia cần được sớm xem xét
Để thực hiện biện pháp này nhà nước phải thực hiện trong một giải pháp tài chính lớn của nhà nước trong tổng thể điều hành nền kinh tế quốc dân nên nhà nước phải cân nhắc và thực hiện từng bước theo một lộ trình nhất định để đảm bảo sự tiếp nhận phương thức thanh toán mới trong cộng đồng dân cư. Theo chúng tôi trước tiên nên áp dụng phương pháp thanh toán tiền lương thông qua tài khỏan ngân hàng nhằm kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, những chủ thể có thể có liên quan đến tham nhũng. Kế tiếp nên từng bước thực hiện việc thanh toán thu nhập của vợ, con công chức qua ngân hàng và cuối cùng triển khai trên bình diện rộng cho các doanh nghiệp rồi đến cộng đồng dân cư .

3. Về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập :
Về vấn đề kê khai tài sản và thu nhập được quy định tại Điều 39/DT.LPCTN có 03 phương án để chúng ta lựa chọn, nhưng theo chúng tôi việc kê khai không phải là vấn đề mấu chốt của chống tham nhũng mà mấu chốt của việc chống tham nhũng nằm ở ý chí của giai cấp cầm quyền mà ở đây cụ thể là chủ trương của Đảng , sự quyết tâm của nhà nước, lòng quả cảm của những chiến sĩ chống tham nhũng, sự đồng lòng của nhân dân , của các tổ chức chính trị xã hội vì sự trong sạch của chính phủ. Do đó chúng tôi chọn phương án (2) Quy định người có chức vụ, quyền hạn chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình;bởi các lý do sau :
1)-Việc kê khai thêm tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con hay phải kê khai những người con trong cùng sổ hộ khẩu chỉ mang tính hình thức và sẽ xâm phạm đến quyền tài sản của những người khác không phải là đối tượng cần phải công khai minh bạch thu nhập và tài sản.
2)-Nếu cơ quan chống tham nhũng đã quyết tâm chống tham nhũng thì cho dù người tham nhũng đó có thần thông quảng đại đến đâu , phù phép của tham nhũng cho vợ hoặc chồng hay cả con mình hay để người khác đứng tên đi nữa thì cơ quan chống tham nhũng vẫn tìm ra được của cải tham nhũng vì nguồn thu nhập từ lương cán bộ,công chức hay các thu nhập chính đáng khác của cán bộ công chức vẫn là những con số biết nói có hay có tham nhũng.

4. Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình
Điều 49 ( DTLCTN) quy định : người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải “ chịu trách nhiệm “ về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình quản lý , giao nhiệm vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý,phụ trách
Chịu trách nhiệm gì đây ? chỉ chịu trách nhiệm chung chung chăng đây là mấu chốt của vấn đề xử lý trách nhiệm , chúng ta đang tiếp tục theo vết xe cũ “ chịu trách nhiệm “ bằng “ không chịu trách nhiệm gì cả”! Theo chúng tôi Luật chống tham nhũng cần quy định rõ hơn việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải chịu xử lý kỷ luật và hình thức như thế nào ? và nếu mức độ tham nhũng nghiêm trọng thì phải từ chức hoặc phải chịu cả mức kỷ luật cách chức hay bãi miễn chức vụ.Nếu Luật quy định được như thế thì mới mong rằng họ có trách nhiệm kiểm soát các nhân viên thuộc quyền tốt hơn, còn không quy định được như vậy thì các hành vi tham nhũng khó được giải quyết trong bộ máy của nhà nước ta hiện nay.

5. Về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng
Việc không xử lý những tin báo tham nhũng mà người tố cáo không ghi rõ tên và địa chỉ của mình (nặc danh) nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể được dự thảo tại (Mục 4 Chương III), đây là vấn đề hết sức tế nhị mà cũng là nguyên nhân sâu xa để tham nhũng tồn tại.Pháp luật hiện hành không xử lý các đơn thư tố cáo nặc danh nên những quan ông tham nhũng đã biết dựa vào kẻ hở này của pháp luật để tránh đi việc phải xử lý những người thuộc quyền của họ vì nếu xử lý những người thuộc quyền của họ sẽ liên can đến họ.Do đó theo chúng tôi Luật phòng chống tham nhũng cần quy định tiếp nhận và xử lý cả “ những thông tin tố cáo tham nhũng nặc danh “ bỡi các lẽ sau :
1)-Để có thể bảo vệ an toàn cho những người cung cấp tin tố cáo tham nhũng
2)-Buộc phải xử lý những hành vi tham nhũng có thật.
3)-Ngăn ngừa được những hiện tượng bao che của cấp trên cho cấp dưới ( nếu có )

6. Về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (Điều 72)
Xuất phát từ tính chất đặc thù của hành vi tham nhũng là do những người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước thực hiện, thậm chí không loại trừ một số đối tượng nắm giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước. Do vậy, việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đặc biệt của những người này không phải đơn giản. Do vậy, cần có một cơ quan đủ mạnh với quyền hạn đủ mạnh và những con người có bản lãnh, được pháp luật trao cho những quyền hạn nhất định để thực hiện công việc phòng chống tham nhũng.
Theo chúng tôi cần lập ra một “ Uy ban điều tra xử lý tham nhũng Quốc gia “ và ủy ban này phải do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và Quốc Hội cần giao cho Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp, nếu tham nhũng còn ở một bộ ngành nào thì ngoài việc kỷ luật Bộ trưởng của Bộ ngành đó ( điều này nước ta chưa dám làm vì hiện nay không biết bao nhiêu chuyện xảy ra tại các Bộ ngành nhưng Bộ trưởng vẫn đương nhiệm ) nên kỷ luật luôn cả Thủ tướng chính phủ, sự gắn kết này không phải là hình thức và là nâng tầm trách nhiệm chống tham nhũng ở một tầm cao hơn đó tầm chính phủ.
Về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan này do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; nhưng bộ máy cần biên chế đầy đủ như một bộ, điều chuyển lực lượng điều tra viên của Bộ công an và kiểm sát viên của VKSNDTC sang cho lực lượng chống tham nhũng, điều tra độc lập khi hoàn tất hồ sơ thì chuyển sang VKS để truy tố đưa vụ án ra Tòa án để xét xử.
Với tình hình tham nhũng hiện nay, chúng tôi e rằng rất khó phát hiện xử lý được một vụ tham nhũng bằng một quyết định kỷ luật hành chính , có chăng là việc xử cho có chứ còn quy mô , mức tham nhũng hiện này đều vượt những hạn mức mà bộ luật hình sự quy định đối với nhóm tội danh tương ứng tham nhũng được quy định trong bộ luật.
Song song đó Quốc Hội cần thành lập một Uy ban giám sát chống tham nhũng chuyên trách theo dõi để giám sát họat động chống tham nhũng của Thủ tướng Chính phủ của “ Uy ban điều tra xử lý tham nhũng Quốc gia “.Nếu có sự điều hành chống tham nhũng cao nhất từ Thủ tướng Chính phủ và sự giám sát nghiêm ngặt của Uy ban Giám sát chống tham nhũng của Quốc Hội thì chúng tôi có niềm tin hơn ở họat động chống tham nhũng trong thời gian tới.

7. Về vai trò của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng (Điều 80)
Về vai trò của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã phát phát huy tốt hiệu quả cung cấp tin tức tố giác tham nhũng và có kết hợp tốt khi đưa dung lượng thông tin vừa phải, chừng mực góp phần giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng đã vào cuộc đánh án tham nhũng đạt hiệu quả cao nhưng ngược lại một số thông tin rò rỉ sớm làm cho tội phạm tham nhũng đối đầu gây khó khăn không ít cho các cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm.Song song việc sử dụng các tài liệu nếu không có quy định cụ thể sẽ dẫn đến khó khăn cho họat động hành nghề của các phóng viên nhất là khi khai thác các thông tin nằm trong vùng đệm “ Mật “ và “ Không mật “ để phục vụ cho họat động chống tham nhũng.Do vậy theo chúng tôi cần quy định rõ hơn nữa về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng như : quyền thẩm tra, xác minh về các vụ việc tham nhũng; quyền công bố, đưa tin về kết quả điều tra xác minh; trách nhiệm trước pháp luật đối với việc đưa tin và công bố kết quả điều tra vụ việc tham nhũng

8. Về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng (các điều 79, 81 và 82)
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và của công dân là hết sức quan trọng quy định trong dự thảo Luật đã hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong đó chúng tôi tâm đắc nhất những nội dung được quy định trong khoản 2 điều 79 (DTLPCTN) về quyền yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với cơ quan, tổ chức,đơn vị ,đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng , xác minh vụ việc tham nhũng , xử lý người có hành vi tham nhũng trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và phức tạp là 30 ngày.

9)-Một số vấn đề khác :
Điều 34. Trách nhiệm của người không báo cáo hoặc không xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng
“ Người phát hiện hành vi tham nhũng mà không báo cáo, người nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật “ Nội dung điều luật này không rõ chủ thể là ai, là tất cả các chủ thể hay chỉ những người có thẩm quyền .
Nếu xét cụm từ đầu : Người phát hiện hành vi tham nhũng mà không báo cáo bao gồm tất cả các chủ thể chứ không phải chỉ là chủ thể là những người có chức vụ quyền hạn thế thì đối với người không có chức vụ quyền hạn thì phải chịu trách nhiệm gì theo quy định của pháp luật pháp luật có quy định nhưng xử lý được không .
Do vậy theo chúng tôi để làm rõ chủ thể phát hiện hành vi tham nhũng mà không báo cáo nên quy định lại cụm từ này trong điều 34 như sau :
“ Người có chức vụ quyền hạn phát hiện hành vi tham nhũng mà không báo cáo, người nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật “

Điều 35. Việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức
Khoản 2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản và ngân sách nhà nước làm quà tặng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo chúng tôi quy định như thế chưa rõ mà khoản 2 nên quy định lại như sau :“ người nào sử dụng tài sản và ngân sách nhà nước làm quà tặng thì phải bồi hoàn và chịu xử lý kỷ luật , trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. “ thì rõ hơn vì nhóm từ Cơ quan, tổ chức, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản và ngân sách nhà nước làm quà tặng không điều chỉnh và xử lý được trực tiếp các hành vi lạm quyền của cá nhân để tham nhũng

Điều 70 : Xử lý trách nhiệm của pháp nhân
1. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân giao thực hiện hành vi đưa hối lộ vì lợi ích của pháp nhân bị kết án về tội đưa hối lộ thì pháp nhân đó bị xử phạt hành chính và bị đưa vào danh sách các pháp nhân liên quan đến tham nhũng và công bố công khai.
2. Trách nhiệm của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi tham nhũng.
Đây là điều khoản theo chúng tôi cần xem xét lại vì pháp nhân không có thực hiện hành vi tham nhũng mà việc thực hiện hành vi tham nhũng là ý chí của con người của cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó, chúng ta không thể đem hành vi của cá nhân thực hiện áp đặt lên pháp nhân.Song song đó hành vi tham nhũng cá nhân của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân giao thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ bị xử lý hành chính hay xử lý trách nhiệm hình sự nên về mặt lý luận không thể xử lý hành chính lần thứ hai đối với một hành vi vi phạm và chủ thể bị xử lý lại là một pháp nhân không có ý chí, không có khả năng thực hiện các hành vi tham nhũng. Do đó theo ý kiến của chúng tôi không nên quy định việc xử lý trách nhiệm của pháp nhân

Điều 12 . Các hành vi bị nghiêm cấm
Khoản 3. Lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cho cơ quan, tổ chức, đơn vị , cá nhân khác
Luật được ban hành nhằm chống tham nhũng với mục đích chống tham nhũng là chính nhưng không có nghĩa là chúng ta lại quên đi công tác bảo vệ nội bộ , sự trong sạch của cán bộ vô tình chúng ta lại đồng tình với các hành vi lợi dụng vào việc đấu tranh chống tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị , cá nhân khác. Do đó theo chúng tôi nên có một điều khỏan quy định xử lý các hành vi
“ Mọi hành vi lợi dụng vào việc đấu tranh chống tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị , cá nhân đều bị xử phạt hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự nếu mức độ nghiêm trọng “

Các văn bản liên quan