Góp ý Dự thảo Nghị định về nhãn hàng hóa

Thứ Sáu 11:49 30-06-2006

1. Sự cần thiết ban hành Nghị định 
         
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn và cụ thể hóa các quy định trong Luật Thương mại năm 2005, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 và Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999 việc ban hành Nghị định về nhãn hàng hóa là cần thiết.
 
2. Nhận xét chung

2.1. Quan điểm tiếp cận  
Trên cơ sở quan điểm tiếp cận: “(i) Xoá bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau; (ii) Hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các quyết định của doanh nghiệp; tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; hạn chế việc tăng thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp, tăng chi phí đối với Nhà nước/ xã hội; (iii) Đổi mới chức năng quản lý nhà nước theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp là chính; không làm cản trở sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp”; tôi cho rằng, Dự thảo Nghị định về cơ bản đáp ứng các yêu cầu đã nêu.

2.2. Tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia
Trong các văn bản quy phạm pháp luật có tầm hiệu lực trên Nghị định liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa hiện hành quy định về ghi nhãn hàng hóa chỉ tồn tại rải rác trong một số văn bản pháp luật như Luật Thủy sản năm 2003, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (Điều 22 khoản 4), Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003 (Điều 19);
         
Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 21 – Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999), “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm trung thực, chính xác trong việc thông tin, quảng cáo về chất lượng hàng hoá của mình; phải bảo đảm hàng hoá có nhãn ghi rõ tiêu chuẩn, đặc tính, công dụng, hạn sử dụng và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; công bố điều kiện, thời hạn, địa điểm bảo hành và hướng dẫn sử dụng hàng hoá cho khách hàng”.

Đối chiếu với các quy định này, về cơ bản nội dung của Dự thảo Nghị định là phù hợp.

Tuy nhiên, để việc triển khai Nghị định được thuận lợi, Nghị định cần hệ thống hóa đến mức tối đa có thể các quy định về ghi nhãn hàng hóa đã được các văn bản có tầm hiệu lực pháp lý cao hơn. Chẳng hạn, trong Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003 quy định:

- Điều 19: “1. Thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam phải ghi trên nhãn bằng tiếng Việt là thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ hoặc bằng ký hiệu quốc tế và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về vệ sinh an toàn thực phẩm cho phép lưu hành”. 
Điều 20. “1. Thực phẩm có gen đã bị biến đổi hoặc nguyên liệu thực phẩm có gen đã bị biến đổi phải ghi trên nhãn bằng tiếng Việt là thực phẩm có gen đã bị biến đổi”.
Tuy nhiên, các quy định này chưa được ghi nhận vào Dự thảo Nghị định. Chính vì thế, tôi đề nghị Dự thảo Nghị định cần bổ sung các quy định kể trên.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 35 Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm, “Nhãn thực phẩm phải có các nội dung cơ bản sau đây:  a) Tên thực phẩm; b) Tên, địa chỉ cơ sở sản xuất thực phẩm; c) Định lượng của thực phẩm; d) Thành phần cấu tạo của thực phẩm; đ) Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của thực phẩm; e) Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản thực phẩm; g) Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng thực phẩm; h) Xuất xứ của thực phẩm”.

Đối chiếu giữa quy định này với quy định trong Dự thảo Nghị định (Điều 12 khoản 2), trong Dự thảo Nghị định còn thiếu nội dung “chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm”. Chính vì thế, để đảm bảo tính nhất quán trong quy định của pháp luật, Dự thảo Nghị định cần bổ sung thêm yêu cầu này.

- Điều 23 của Dự thảo Nghị định có quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, do đây là những đối tượng đặc thù (người có chức vụ, quyền hạn) nên chỉ có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm kỷ luật, không thể đặt ra vấn đề xử phạt vi phạm hành chính. Chính vì thế, nội dung Điều 23 Dự thảo Nghị định cần phải được chỉnh sửa cho hợp lý.

2.3. Kỹ thuật lập pháp
Dự thảo còn một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp cần phải hoàn thiện thêm. Cụ thể:

- Về định nghĩa “hạn sử dụng” là “mốc thời gian …” hoặc “hạn bảo quản” là “mốc thời gian …” tại khoản 10 và 11 Điều 5 Dự thảo Nghị định: Định nghĩa này là không chính xác về ngôn ngữ học và không phù hợp với thực tiễn ghi hạn sử dụng trong nhiều loại hàng hóa. Chữ “hạn” trong cụm từ “hạn sử dụng”, “hạn bảo quản” chính là cách nói tắt của chữ “thời hạn”. Theo cách hiểu thông thường cũng như trong quy định của pháp luật (Điều 149 khoản 1 Bộ luật dân sự năm 2005), thời hạn là “khoảng thời gian” được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Chính vì thế, “hạn sử dụng” hoặc “hạn bảo quản” không thể là “mốc thời gian” (thời điểm) được. Thực tiễn ghi hạn sử dụng của nhiều hàng hóa cũng thường chỉ ghi ngày sản xuất, sau đó ghi hạn sử dụng là một số tháng, năm (hoặc ngày) kể từ ngày sản xuất. Vì thế, chúng tôi cho rằng, cần phân biệt khái niệm “thời điểm hết hạn sử dụng/bảo quản” với khái niệm “hạn sử dụng/bảo quản”. Nói cách khác, khái niệm “hạn sử dụng/bảo quản” cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp.
Ngoài ra, theo trong một số văn bản quy phạm pháp luật có tầm hiệu lực pháp lý cao hơn, chẳng hạn trong Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003 (Điều 35), các nhà làm luật sử dụng cụm từ “thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản”, chứ không viết tắt là “hạn sử dụng” hoặc “hạn bảo quản”. Vậy nên chăng, để đảm bảo tính nhất quán trong việc sử dụng thuật ngữ, Dự thảo Nghị định nên sử dụng cụm từ “thời hạn sử dụng”, “thời hạn bảo quản” thay cho cụm từ “hạn sử dụng”, “hạn bảo quản”.

- Chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa 2 khái niệm “hạn sử dụng” và “hạn bảo quản” nêu tại khoản 10 và 11 Điều 5 Dự thảo Nghị định. Theo quy định tại khoản 10 thì “hạn sử dụng” là “mốc thời gian mà quá thời gian đó, hàng hóa không được phép lưu thông hoặc không còn đảm bảo nguyên giá trị sử dụng ban đầu”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 11 thì “hạn bảo quản” là “mốc thời gian mà quá thời gian đó hàng hóa không còn đảm bảo giữ nguyên chất lượng và giá trị sử dụng ban đầu”. Vậy chẳng lẽ, khái niệm “hạn sử dụng” chỉ khác khái niệm “hạn bảo quản” ở điểm “… không được phép lưu thông”? còn lại trường hợp “… không còn đảm bảo giá trị sử dụng ban đầu” thì có thể gọi là “hạn sử dụng” hoặc “hạn bảo quản” đều được? Nếu vậy thì việc phân biệt 2 khái niệm này có còn ý nghĩa không và liệu trong cùng một văn bản có nên sử dụng 2 khái niệm khác nhau để chỉ cùng sự vật, hiện tượng không? Chắc chắn, câu trả lời là “không nên”. Chính vì thế, tôi cho rằng Ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung quy định này trong Dự thảo Nghị định.

- Việc không phân biệt khái niệm “hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hóa” (Khoản 13 Điều 5) là điều không nên. Sử dụng và bảo quản là 2 khái niệm khác nhau, có chức năng và ý nghĩa khác nhau. Việc đồng nhất 2 khái niệm này có thể dẫn tới sự hiểu lầm không đáng có khi áp dụng Nghị định trong thực tiễn. Tôi đề nghị tách riêng 2 khái niệm “hướng dẫn sử dụng” và “hướng dẫn bảo quản”.
         
- Để đảm bảo Dự thảo Nghị định gọn hơn, các khoản 11 và 12 của Điều 12 có thể sáp nhập lại thành một khoản. Tương tự, khoản 14 và 15 của Điều 12 cũng có thể sáp nhập lại được. Khoản 17 và 18 của Điều 12 cũng có thể sáp nhập lại.
         
- Cần bổ sung trong khoản 41 và 42 của Điều 12 nội dung về “hướng dẫn sử dụng”.
         
- Cần sửa lại các lỗi chính tả tại trang 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25 của bản Dự thảo Nghị định.
      
Trên đây là một số ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định về nhãn hàng hóa. Xin gửi Ban Soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc và tiếp thu.
 

Các văn bản liên quan