VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư – phiên bản thẩm định ngày 27/4/2021
VCCI_Góp ý về nội dung thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống thiên tai
Kính gửi: Tổng cục Phòng, chống thiên tai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 246/PCTT-KHCN ngày 19/03/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý về nội dung thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống thiên tai tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Hỗ trợ với các công trình lưỡng dụng có khả năng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai
Dự thảo đã có quy định hỗ trợ kinh phí sau đầu tư với các công trình phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, ngoài trường hợp trên, trên thực tế, doanh nghiệp còn có thể đầu tư một số công trình có tính chất lưỡng dụng có khả năng phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. Doanh nghiệp vẫn sử dụng các công trình này cho hoạt động sản xuất kinh doanh như bình thường, và khi cần thiết có thể được sử dụng cho mục đích phòng, chống thiên tai. Khi đó, doanh nghiệp thường cần bỏ thêm một phần kinh phí nhất định để đáp ứng thêm các yêu cầu cho công tác phòng, chống thiên tai (chẳng hạn như yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế của công trình…). Nếu hỗ trợ trong trường hợp này, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ phần kinh phí vượt so với thiết kế thông thường, mà không phải hỗ trợ theo định mức của toàn bộ công trình. Việc này có thể giúp thu hút nhiều hơn các công trình hạ tầng do tư nhân đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, trong khi có thể tạo động lực hơn để đảm bảo chất lượng hạ tầng do doanh nghiệp vẫn đồng thời sử dụng cho mục đích của mình. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung trường hợp này vào Dự thảo. Việc xét duyệt hỗ trợ nên được thiết kế đơn giản, theo hướng doanh nghiệp chỉ cần chứng minh được khả năng lưỡng dụng của công trình và có cam kết cho phép sử dụng cho công tác phòng, chống thiên tai thì được xem xét hỗ trợ.
- Hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển công nghệ
Dự thảo quy định việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cho doanh nghiệp để nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Đây có thể là một quy định tốt góp phần thúc đẩy, thu hút nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng về cách thức, trình tự, thủ tục nộp hồ sơ đề nghị hồ sơ kinh phí và cơ chế, tiêu chí xét duyệt. Do vậy, để tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định làm rõ vấn đề trên. Việc xây dựng các quy định dạng này có thể tham khảo các quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo tinh thần giảm thủ tục hành chính như nguyên tắc tại Dự thảo.
Góp ý tương tự với quy định về cơ chế hỗ trợ sau đầu tư với các hạng mục, công trình phòng chống thiên tai. Cơ chế hỗ trợ này có thể tham khảo nguyên tắc dự án nộp trước được hỗ trợ trước như cơ chế hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại tại Thông tư 11/2019/TT-BCT.
- Công khai thông tin ưu đãi và hỗ trợ đầu tư
Dự thảo chưa có các quy định về việc công khai các thông tin liên quan đến hoạt động ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Theo kinh nghiệm từ việc xã hội hóa các dịch vụ khác, công tác xã hội hóa thường đi kèm với trách nhiệm minh bạch các thông tin liên quan. Việc này góp phần loại bỏ tình trạng xin – cho và tình trạng doanh nghiệp thân hữu khi xin hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các yêu cầu về minh bạch thông tin trong ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, chẳng hạn (i) các thông tin về cơ chế ưu đãi và hỗ trợ: trình tự, thủ tục, mức vốn hỗ trợ, mức vốn hỗ trợ còn lại trong giai đoạn và năm tài chính…; hoặc (ii) các thông tin về dự án nhận hỗ trợ: danh sách các dự án được hưởng; tình trạng và hiệu quả của các dự án…
- Tài trợ cho công tác phòng, chống thiên tai
Dự thảo quy định việc tiếp nhận các công nghệ mới, vật tư, trang thiết bị vật tư chuyên dùng do doanh nghiệp chuyển giao để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, Dự thảo chưa đưa ra biện pháp nào để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động này theo định hướng về nội dung quy định. Hiện nay, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa có quy định cho phép doanh nghiệp được khấu trừ các khoản hỗ trợ phòng, chống thiên tai. Điều 6.2.24 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) chỉ cho phép trừ với các khoản tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng cho phép các khoản tài trợ cho hoạt động phòng, chống thiên tại được coi là khoản chi phí hợp lý được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc sửa đổi các quy định liên quan.
- Đơn vị đầu mối tiếp nhận đề xuất về dự án phòng, chống thiên tai
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có các ý tưởng, đề xuất có tính mới liên quan đến các hoạt động phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xúc tiến, trao đổi các ý tưởng với các cơ quan nhà nước, và nhiều khi bế tắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan để thực hiện dự án, trong đó có một phần do liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước khác và không có đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chính. Do vậy, để tạo thuận lợi cho việc tham gia của doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về đơn vị đầu mối tiếp nhận các đề xuất như vậy, và đơn vị này có trách nhiệm liên lạc, trao đổi với các cơ quan nhà nước khác trong việc giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về nội dung thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống thiên tai tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.