Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Hiệp hội Vận tải Hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh tại Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 09:39 17-03-2014

         Kính gửi: Vụ pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu Tư

Đồng kính gửi:Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam

                             

Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh có nhận được bản Dự thảo Luật Doanh nghiệp do Bộ Kế Hoạch và Đầu tư ban hành. Tại cuộc hội thảo hôm nay do VCCI tổ chức, chúng tôi đồng thuận và ủng hộ hầu hết các nội dung trong bản Dự thảo. Tuy nhiên, còn một số nội dung trong Dự thảo chưa phù hợp, Hiệp hội vận tải xin tổng họp góp ý sửa đổi, bổ sung như sau:

1.     Góp ý sửa đổi khoản 1 điều 3. Áp dụng Luật doanh nghiệp, điều ước quốc tế và các luật có liên quan, cụ thể: thêm chữ “các loại hình” vào khoản này. Khoản 1 điều 3 được sửa lại thành:

“Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của “các loại hình doanh nghiệp” áp dụng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.     Góp ý sửa đổi khoản 1 điều 4. Giải thích từ ngữ. Cụ thể: bỏ chữ “ổn định” được quy định trong khoản này. Khoản 1 điều 4 được sửa lại thành:

“Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.

3.     Góp ý sửa đổi khoản 5 điều 30. Về Điều kiện  cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể:

Bỏ các từ “ Thuế môn bài và ” được quy định tại khoản 5 điều 30 của Dự thảo: Từ “Nộp đủ thuế môn bài và lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ”. Sửa lại thành: “Nộp đủ lệ phí lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ”. Vì thực tế sau khi Doanh nghiệp đã được Sở KH & Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì mới tiến hành nộp thuế môn bài. Dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động ít hay nhiều sẽ có mức đóng thuế khác nhau. Ví dụ: Theo quy định tại Thông tư số 42/2003/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 07/5/2003, căn cứ vào vốn điều lệ mà Doanh nghiệp đăng ký, hiện có  4 mức nộp thuế môn bài như sau:

Bậc 1

Trên 10 tỷ

3.000.000

Bậc 2

Từ 5 tỷ đến 10 tỷ

2.000.000

Bậc 3

Từ 2 tỷ đến dưới 5 tỷ

1.500.000

Bậc 4

Dưới 2 tỷ

1.000.000

Do vậy, Dự thảo luật Doanh nghiệp quy định DN phải nộp thuế môn bài trước mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là không cần thiết, cần phải bỏ.

4.     Góp ý sửa đổi bổ sung khoản 4 điều 14 dự thảo quy định về Các hành vi bị cấm.

 Cụ thể, khoản 4 điều 14 quy định cấm: “ 4. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ và đúng hạn số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế”.

Từ quy định này, tôi có hai vấn đề đặt ra là:

-            Vốn điều lệ

-            Không góp đủ và đúng hạn số vốn điều lệ như đã đăng ký.

Vấn đề thứ nhất: Vốn điều lệ là số vốn theo mệnh giá do các thành viên, chủ doanh nghiệp tư nhân đã góp vào doanh nghiệp đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã phát hành đối với công ty cổ phần. ( Khoản 6 điều 4 Dự thảo ).

Hiện nay tùy vào nhu cầu hoạt động thực tế để DN đăng ký vốn điều lệ, vốn này được hợp thức hóa trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Sau khi DN được Sở KH & ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, trong đó có ghi vốn điều lệ bao nhiêu thì được hiểu DN đăng ký bấy nhiêu. Vấn đề còn lại là các thành viên sáng lập phải góp đủ và đúng số vốn đã đăng ký vào doanh nghiệp. Do vậy làm gì có trường hợp nào là “khai khống vốn điều lệ” như quy định tại khoản 4 điều 4 của Dự thảo nói trên?

 Do vậy, tôi đề nghị bỏ chữ “khai khống vốn điều lệ” tại khoản này. Khoản này được sửa lại là: “không góp đủ và đúng hạn số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế”.

Vấn đề thứ hai: Không góp đủ và đúng hạn số vốn điều lệ như đã đăng ký.

+   Theo Dự thảo, trách nhiệm góp vốn của các thành viên sáng lập là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (khoản 2 điều điều 49, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên ) và (khoản 2 điều 75, đối với công ty TNHH MTV) hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cổ đông nhận được yêu cầu thanh toán của hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần ( khoản 2 điều 91 ) và thực hiện theo cam kết góp vốn đối với thành viên góp vốn công ty hợp danh ( khoản 1 điều 153).

+    Hậu quả của việc không góp đủ và đúng hạn số vốn điều lệ như đã cam kết và đăng ký thì được quy định Hậu quả của việc chủ sở hữu, cá nhân, tổ chức sáng lập, góp vốn không góp đủ vốn điều lệ cũng đã được quy định tại khoản 3 điều 49 ( đối với công ty TNHH Hai thành viên ), khoản 3 điều 75 đối với công ty TNHH MTV; khoản 4 điều 91 ( đối với công ty cổ phần ) và khoản 2, khoản 3 điều 153 Dự thảo Luật Doanh nghiệp.

Để kiểm tra việc góp vốn của doanh nghiệp và các thành viên sáng lậ doanh nghiệp. Luật DN 2005 và NĐ 102/2010/NĐ-CP có một số quy định sau:

+ Điều 39 Luật DN 2005 lại quy định một điều về:  Thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp:  Khoản 1 điều 39 Luật DN 2005 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại cho công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không chính xác, không trung thực, không đầy đủ.

+ Điều 18 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010. Thực hiện góp vốn và các quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

1. Thành viên phải góp vốn đầy đủ, đúng tiến độ đã cam kết trong Danh sách thành viên. Nếu việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần, thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên và mỗi lần góp vốn thành viên được cấp một giấy xác nhận số vốn đã góp của lần góp vốn đó.

2. Trong thời hạn 15 ngày sau mỗi đợt góp vốn theo cam kết, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả tiến độ góp vốn đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Như vậy, về lý thuyết, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ biết được về tiến độ góp vốn của các thành viên sáng lập công ty thông qua các thông báo của người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, nếu người đại diện pháp luật cứ “cấp giấy chứng nhận góp vốn” rồi cứ thống báo về thủ tục hình th ức cho cơ quan đăng ký kinh doanh chứ thật ra các thành viên không góp vốn trên thực tế thì xử lý ra sao. Hiện chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 32 Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04/04/2007 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là Doanh nghiệp hoạt động cần phải có vốn. Một doanh nghiệp không có vốn thì không thể hoạt động kinh doanh theo đúng nghĩa được. Trước đây, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rất thông thoáng về các điều kiện để thành lập doanh nghiệp. Chi phí để thành lập doanh nghiệp cũng không cao, cá nhân, tổ chức chỉ cần bỏ ra một khoản tiền khoảng từ 01 đến 02 triệu là có thể đăng ký  thành lập được một doanh nghiệp . Trừ một số ngành nghề thuộc  loại “nhạy cảm” hoặc có tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội nên pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh và duy trì vốn pháp định (mức vốn điều lệ tối thiểu mà doanh nghiệp, phải có nghĩa vụ duy trì trong quá trình hoạt động kinh doanh). Còn lại, hầu hết các ngành nghề khác, doanh nghiệp tự đang ký vốn điều lệ trên cơ sở  yêu cầu và thỏa thuận của các thành viên góp vốn. Luật Doanh nghiệp năm 2005 không hạn chế về số vốn điều lệ mà doanh nghiệp đăng ký. Các thành viên góp vốn phải có trách nhiệm góp đúng và đủ số vốn đã cam kết theo quy định. Quy định này có ý nghĩa tích cực là nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động tham gia hoạt động kinh doanh ngay từ khi doanh nghiệp mới được thành lập, chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, vấn đề góp vốn điều lệ của các thành viên sáng lập cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn theo hướng thực chất: sau khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động,  trong thời hạn luật định, các thành viên sáng lập bắt buộc phải góp đủ, đúng loại tài sản góp vốn.

Tại điểm c khoản 1 điều 37 Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn, Dự thảo quy định c) Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty”. Quy định này là hợp lý để chứng minh việc góp vốn vào công ty là thực chất khi quyền sở hữu tài sản đã chuyển từ sở hữu của các nhân, tổ chức sang tài sản thuộc quyền sở hữu doanh nghiệp. Riêng đối với tài sản góp vốn là tiền, ngoại tệ tự do chuyển đổ, vàng việc chứng nhận góp vốn được thực hiện thông qua biên bản giao nhận góp vốn có chữ ký của hai bên và giấy chứng nhận góp vốn mà doanh nghiệp cấp cho người góp vốn. Nhưng việc góp thật thay không? Hay chỉ thông báo để đối phó là vấn đề cần đặt ra để kiểm soát.

 Từ những phân tích trên chúng tôi kiến nghị bổ sung thêm một điều khoản mới về. Thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp với nội dung:

1. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại cho công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không chính xác, không trung thực, không đầy đủ.

2. Trong thời hạn 15 ngày sau mỗi đợt góp vốn theo cam kết, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả tiến độ góp vốn đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Kèm theo thông báo là các chứng từ hợp pháp để chứng minh số vốn mà các thành viên sáng lập góp vào doanh nghiệp đã thuộc quyền sở hữu của công ty.

Trên đây là một số nội dung góp ý của Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh đối với Dự thảo Luật Doanh nghiệp. Kính đề nghị Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam ng xem xét./.

Các văn bản liên quan