Cơ chế quản lý doanh nghiệp nên “Tiền kiểm” hay “Hậu kiểm”. Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ths.Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam; Trọng tài viên VIAC – Hội thảo VCCI (Tp. Hồ Chí Minh ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 09:44 17-03-2014

Từ khi Luật doanh nghiệp 2005 được ban hành cho đến nay, việc cấp phép đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp thật sự là một đột phá về cải cách thủ tục hành chính, đã đơn giản hóa thủ tục rất nhiều. Doanh nhân không phải mất nhiều thời gian đi đi lại lại cho việc đăng ký kinh doanh, quy trình một cửa liên thông đã thật sự phát huy hiệu quả trong hoạt động đăng ký kinh doanh.

            Theo Số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê và Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2013:

            Giai đoạn 2000 – 2005: 160.752 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, gấp 3,3 lần so với tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập giai đoạn 1991-1999.

Số doanh nghiệp đăng ký trung bình hàng năm giai đoạn này bằng khoảng gần 6 lần so với số trung bình hàng năm giai đoạn 1991-1999.

            Giai đoạn 2002-2010, tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp đạt 21,09%/năm.

            Giai đoạn 2002-2011: Tổng tài sản của doanh nghiệp Việt Nam tăng từ 1,4 triệu tỷ đồng vào năm 2002 lên 12,9 triệu tỷ đồng vào năm 2011.

            Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 31,5%/năm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Bảng 1: Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp giai đoạn 2006-2013

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

(1000)

Năm

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

1

Số doanh nghiệp thành lập mới

DN

46,7

58,8

65,3

84,3

83,6

77,5

69,8

76,9

2

Số vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập

Tỷ đồng

146,3

473,8

569,5

517

489,6

513,7

467,2

398,6

3

Quy mô vốn

Tỷ VND/DN

3,13

8,06

8,72

6,13

5,86

6,63

6,69

5,07

Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2013

            Với các số liệu trên thì chúng ta nên "mừng" hay là "lo". Theo chúng tôi nên lo hơn là mừng bởi hai lý do :

            (i) Số doanh nghiệp tuy có phát triển nhưng không được hoạt động một cách lành mạnh, bình thường theo số liệu thống kê đến ngày 01/01/2013 có khoảng 30% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh rơi vào các diện chưa hoạt động, ngừng hoạt động và không biết có tồn tại hay không ?

            (ii) Số vốn đăng ký trong hệ thống đăng ký kinh doanh rất lớn nhưng trên thực tế số vốn này là số vốn ảo, cơ quan quản lý việc đăng ký kinh doanh không thể xác định nguồn vốn thật đưa vào hoạt động trong nền kinh tế quốc dân là bao nhiêu ?

            Với cơ chế thông thoáng, dễ dàng và thuận lợi như trên đã dẫn đến hiện trạng hết sức nguy hiểm là có doanh nghiệp không có đồng bạc vốn nào ? mà họ dám đăng ký và tự chịu trách nhiệm lên đến hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ thậm chí đến hàng chục ngàn tỷ như trường hợp của Tập đoàn Rừng Toàn Cầu vốn tự đăng ký khoảng 80.000 tỷ (ở Hà nội, TPHCM,Khánh Hòa,KonTum) là một minh chứng điễn hình nhất.

            Đây là những biểu hiện phát sinh không bình thường trong quy trình đăng ký kinh doanh quá "dễ dãi" như hiện nay mà một số ít doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để tiến hành các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt. Đã đến lúc nhà nước cần cần phải vào cuộc, xem lại họ sẽ tự chịu trách nhiệm trên cái gì ? nếu họ không có gì chịu trách nhiệm để bồi thường thì ai sẽ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại từ hậu quả của "cơ chế hậu kiểm" do nhà nước đã đặt ra ? trách nhiệm của nhà nước trong trường hợp này có cần hoặc nên truy cứu hay không khi cơ chế quản lý gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp do việc ban hành pháp luật gây ra thiệt hại cho người dân, ở các nước thì cơ quan ban hành luật sẽ bị truy cứu bồi thường cho những người bị thiệt hại nhưng Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước của Việt Nam thì không quy định việc truy cứu. Do đó trong lần sửa đổi Luật doanh Nghiệp lần này chúng tôi mong mỏi Quốc hội cần hết sức cân nhắc đưa lên đặt xuống về "cơ chế quản lý doanh nghiệp" hiện nay.

            Để có thể làm rõ các vấn đề liên quan đến "cơ chế quản lý doanh nghiệp".Theo chúng tôi cần làm sáng tỏ các vấn đề dưới đây :

1-Mục tiêu quản lý hoạt động kinh doanh của nhà nước

            Với vai trò quản lý. Nhà nước luôn mong muốn trật tự kinh doanh của đất nước phải được diễn ra trong quỹ đạo quản lý, từ đó các cơ quan quản lý nhà nước thường phải đặt ra các giấy phép con dưới hình thức "giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh" để có thể quản lý được, việc đấu tranh ngày càng giảm bớt các rào cản kinh doanh từ Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương dẹp bỏ bớt các giấy phép con là điều cần được ủng hộ và phát huy.

2-Mong muốn của doanh nghiệp

            Đối với doanh nghiệp thì họ luôn luôn mong mỏi các thủ tục kinh doanh được ngày càng đơn giản để họ thành lập được công ty nhanh hơn, hoạt động kinh doanh được nhanh chóng thực hiện, các dự án đầu tư được xúc tiến thuận lợi, dễ dàng hơn, đỡ mất thời gian, ít tốn kém các chi phí cho các thủ tục xin phép....

3-Cơ chế hậu kiểm được hình thành

            Để đáp ứng mong mỏi của các doanh nghiệp, nhà nước đã hình thành "cơ chế hậu kiểm" để quản lý doanh nghiệp, những quy định ràng buộc trước đây bị dỡ bỏ như phải chứng minh vốn khi thành lập công ty (ngoại trừ trường hợp kinh doanh ngành nghề có vốn pháp định thì vẫn phải chứng minh), hợp đồng thuê trụ sở, các giấy tờ tùy thân đều cần phải sao y chứng thực....Việc tuân thủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được cơ quan nhà nước kiểm tra sau như việc sau 90 ngày Công ty cổ phần phải góp vốn, 360 ngày thì Công ty TNHH phải hoàn tất việc góp vốn.....nhưng việc "hậu kiểm" này thì gần như không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện, chỉ tổ chức kiểm tra trong những trường hợp có vấn đề. Nguyên nhân có thể là do quá tải hay do các nguyên nhân khác       

4-Cơ chế hậu kiểm được gì ?

            Một câu hỏi lớn cho Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phải quan tâm ? "cơ chế hậu kiểm" từ năm 2005 cho đến nay đã đem được gì và đã làm mất gì đối với nhà nước, đối với doanh nghiệp ?

            Theo chúng tôi được thì ít nhưng mất thì nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh được rảnh rang hơn, không phải làm các thủ tục tiền kiểm đối với doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Còn đối với doanh nghiệp thì được gì ? chỉ được một vấn đề duy nhất là thời gian tham gia vào thị trường nhanh hơn nhưng đây có phải là cái muốn thật sự của các doanh nghiệp làm ăn chân chính không khi họ phải đánh đổi quá nhiều cái mất. 

5-Cơ chế hậu kiểm mất gì ?

            Theo chúng tôi thì "cơ chế hậu kiểm" đã làm mất khá nhiều. Trong đó có ba cái mất lớn phổ biến có thể nhận thấy được mà nguyên nhân xuất phát chính là số vốn đăng ký kinh doanh và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp mà nhà nước không quản lý được đó là :

            Một là sự mất lòng tin từ các doanh nghiệp đối với nhà nước do "cơ chế hậu kiểm" nên khi các doanh nghiệp khác thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản thì không có đủ số tiền mà họ đã đăng ký chịu trách nhiệm khi đăng ký kinh doanh để bồi thường thiệt hại cho đối tác, vốn đăng ký kinh doanh là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp dựa vào đó để xem xét cùng giao dịch kinh doanh nhưng các bên chẳng có gì để chịu trách nhiệm với nhau.

            Hai là sự ảnh hưởng về số liệu nguồn lực tài chính nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tài chính của nhà nước, thực tế doanh nghiệp Việt Nam có bao nhiêu vốn thì không biết sẽ xác định như thế nào ? trước mắt thì các quốc gia muốn rót vốn ODA vào cho Việt Nam thì sẽ phân vân tại sao nội lực Việt Nam mạnh mẻ (theo số ảo đăng ký trên mạng đăng ký doanh nghiệp quá lớn) mà Việt Nam không huy động nguồn vốn nội lực đầu tư cho các công trình mà lại còn đi huy động vốn ngoại lực (ODA),

            Ba là số liệu vốn đăng ký kinh doanh không chính xác (do đăng ký ảo) thì sẽ làm mất đi tính hiệu quả xác định lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các doanh nghiệp của các quốc gia khác trên thế giới.

qUAN ĐIỂM ChuyỂn hoàn toàn "TiỀn KiỂm" sang "HẬu KiỂm" là mỘt trong nhỮng đỊnh hưỚng chỦ đẠo trong sỬa đỔi LuẬt Doanh NghiỆp 2005. Đây là một vấn đề lớn cần được đặt ra để xem xét cân nhắc giữa cái "được" và "mất "và có nên bảo thủ gìn giữ các thành trì đã gây quá nhiều tai hại cho các doanh nghiệp và cho cả nhà nước hay không ?

6-Có nên duy trì nguyên tắc “tiền đăng hậu kiểm” trong quản lý hoạt động DN hay không ?

            Như đã phân tích nêu trên, "cơ chế hậu kiểm" đem lại cho doanh nghiệp không bao nhiêu mà ngược lại doanh nghiệp lại bị mất quá nhiều, nhất là sự mất mát tổn hại về niềm tin đối với nhà nước khi xảy ra trường hợp cần bồi thường thiệt hại thì cơ chế quản lý doanh nghiệp lại không hỗ trợ hữu hiệu được cho doanh nghiệp nhất là việc bồi thường tài chính, việc phá sản doanh nghiệp, việc thi hành án đối với một bản án không được thực thi khi bên thi hành án không có tài sản để thi hành án cho dù nghĩa vụ thi hành án đó phải được thi hành trên trách nhiệm góp vốn vào doanh nghiệp để kinh doanh.

            Sự mất mát của "cơ chế hậu kiểm" không chỉ dừng lại là doanh nghiệp ma, là việc in hóa đơn tài chính ra bán, thiệt hại thất thu ngân sách đối với các khoản thuế GTGT, tổn thất cho các doanh nghiệp mua phải các hóa đơn GTGT không khai báo không chỉ là không được hoàn các khoản thuế GTGT mà là sự phiền toái khi các cơ quan tiến hành tố tụng vào cuộc điều tra vụ án, làm mất mát thời gian và có khi lại vướng vào vòng lao lý. 

            Sự cả tin của một doanh nghiệp nước ngoài đối với một doanh nghiệp Việt Nam có  số vốn đăng ký kinh doanh lên đến ngàn tỷ đồng tiến đến ký kết một hợp đồng không khả thi, thậm chí gây thiệt hại cho doanh nghiệp nước ngoài làm cho các doanh nghiệp nước ngoài ngao ngán với luật doanh nghiệp Việt Nam vì họ không biết hành lang vốn, chuần pháp lý kinh doanh được xác định như thế nào nếu họ không có sự tư vấn pháp luật từ luật sư.

            Sự nhầm tưởng của những người đứng tên trên GCNĐKDN về quyền đối với số vốn chưa góp nhưng đã được xác lập trên GCNĐKDN, cho rằng đã có quyền kể cả khi chưa góp vốn, đòi hỏi những thành viên khác phải mua lại phần vốn góp trên giấy của mình để rút tên ra khỏi GCNĐKDN...đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan tài phán khi giải quyết tranh chấp thành viên công ty...

7-"Tiền kiểm" nhưng đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh được hay không?

            Có quan điểm cho rằng nếu "tiền kiểm" thì không thể đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh được, thậm chí họ cho rằng việc tiền kiểm và việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh là đối lập không thể kết hợp được.Chúng tôi lại có một góc độ tiếp cận hơi khác và cho rằng : tiền kiểm và đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh là hai công việc độc lập nhưng hoàn toàn có thể kết hợp với nhau được.

            Như đã phân tích phần trên tôi cho rằng cơ chế hậu kiểm đã để lại cho các doanh nghiệp "mất nhiều hơn là được", đã làm cho cho nhà nước "buông lỏng quản lý" nên cần phải cân nhắc bỏ nó đi và nên giữ lại cơ chế "tiền kiểm". Vấn đề được đặt ra là hoạt động "tiền kiểm" sẽ được thực hiện như thế nào trên nền thủ tục hành chính của nhà nước hiện nay, nếu nó được thực thực hiện một cách "công khai - minh bạch " và các thủ tục đăng ký kinh doanh hết sức đơn giản nhưng đảm bảo tính chặt chẻ của hoạt động quản lý nhà nước thì cơ chế "tiền kiểm" sẽ có hiệu quả hơn là duy trì cơ chế "hậu kiểm" đang gây khó cho doanh nghiệp, khó cho nhà nước hiện nay./.

Phần II-Một số ý kiến góp ý các nội dung theo yêu cầu của Ban tổ chức hội thảo

1-Về Đăng ký thành lập doanh nghiệp

            1.1-Có nên tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh?

            Theo chúng tôi là nên tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhưng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh được hiểu như thế nào mới là vấn đề quan trọng được đặt ra.Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nên hiểu theo hướng đơn giản nhưng phải chặt chẻ, không phải do đơn giản rồi buông lỏng quản lý thực tế các bước đơn giản trước đây "đã buông lỏng quản lý"nên đã dẫn đến tình trạng nhà nước không quản lý được các doanh nghiệp và khi có vấn đề xảy ra không biết sẽ xử lý như thế nào ? nhất là tình trạng đăng ký vốn ảo khi một doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm tài chính hữu hạn thì không biết lấy cái gì và có cái gì để chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

            1.2-Cơ chế quản lý nào hiệu quả để vừa giảm thiểu tình trạng “thủ tục đơn giản dẫn tới một số doanh nghiệp dễ dàng thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn …” vừa tránh tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp từ việc phải chịu hậu kiểm của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau cho những vấn đề tương tự nhau.

            Chúng tôi cho rằng phải đến lúc nhà nước Việt Nam cần cân nhắc xem xét lại nên áp dụng cơ chế "tiền kiểm" hay tiếp tục duy trì cơ chế "hậu kiểm" và tại sao Việt Nam không cho doanh nhân được đăng ký số vốn góp là " một đồng" giống như các nước vẫn thừa nhận đăng ký doanh nghiệp với vốn là "1 USD".

            + Nếu sử dụng cơ chế "tiền kiểm" đối với các điều kiện kinh doanh khi đăng ký kinh doanh một cách công khai, minh bạch, thông thoáng nhưng chặt chẻ thì chắc chắn sẽ hạn chế bớt được việc không có vốn mà dám đăng ký vốn ảo vì họ phải vay tiền ngân hàng để thành lập công ty sau đó họ rút ra thì họ cũng sẽ mất một số tiền lãi nóng nhất định, đối với những số vốn khống lớn thì tỷ lệ thuận số tiền phải bỏ ra cũng không nhỏ.   

2-Về việc ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh

Có 3 phương án: Phương án 1: Không ghi ; Phương án 2: Chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện ; Phương án 3: Ghi tất cả ngành, nghề kinh doanh và mã hóa theo phân ngành kinh tế quốc dân. Phương án nào là hợp lý? Hoặc có thể đề xuất phương án khác.

            Để có thể thỏa mãn được các tiêu chí thuận lợi, dễ dàng cho các nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo các quy định quản lý tối thiểu của các cơ quan nhà nước nên tôi không thể chọn bất kỳ phương án nào của dự thảo đặt ra nên đề xuất một phương án mới trên cơ sở hợp nhất phương án (1) và (2) là phương án

            + Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ ghi doanh nghiệp được quyền kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm và phải thỏa mãn các điều kiện đối với các ngành nghề pháp luật quy định có điều kiện; người thành lập doanh nghiệp chỉ phải ghi những ngành nghề có điều kiện kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu họ dự kiến kinh doanh ngành nghề kinh doanh đó.

3-Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

            + Xác định rõ khái niệm về “nhà đầu tư nước ngoài”?

            Tán thành nội dung dự thảo quy định khái niệm về “nhà đầu tư nước ngoài”

            + Kiến nghị “Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp có ít nhất 51% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài” có hợp lý không?

            Hoàn toàn hợp lý

            + Giải quyết khái niệm nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp chủ thể có vốn đầu tư nước ngoài từ thế hệ thứ 2 trở đi? : Không có ý kiến

            + Chính sách áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài:

            Tán thành quan điểm : cần phải xóa bỏ toàn bộ các phân biệt đối xử về thủ tục giữa các nhà đầu tư; chỉ duy trì các cơ chế đối xử khác biệt liên quan tới quyền kinh doanh

4-Doanh nghiệp nhà nước

            + Có nên có chương riêng về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp không? Nếu có thì nội dung chủ yếu của chương này nên quy định điều gì (quy định các vấn đề quản trị đặc thù, bổ sung hoặc thay thế cho các nội dung tương ứng về quản trị đã quy định tại các chương tương ứng về công ty TNHH, công ty cổ phần)? Nếu không thì vì sao?

            Tán thành theo dự thảo có chương riêng về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp trong đó nên quy định các vấn đề quản trị đặc thù, bổ sung hoặc thay thế cho các nội dung tương ứng về quản trị đã quy định tại các chương tương ứng về công ty TNHH, công ty cổ phần (lưu ý nhất là quyền tuyệt đối của Hội đồng quản trị Công ty mẹ đối với các quyết định của các thành viên đại diện vốn tại các công ty con phải tuân thủ thực hiện nay chỉ được quy định trong một văn bản dưới luật)

            Những vấn đề nào cần lưu ý khi quy định về doanh nghiệp nhà nước?

-                      Tách biệt chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của nhà nước:

            Tán thành dự thảo : cơ quan đại diện trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp không được trực tiếp thực hiện các chức năng khác của nhà nước như hoạch định và thực thi chính sách, quản lý và giám sát thị trường và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác.

5-Những vấn đề khác

5.1-Mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp :

            Nên quy định bổ sung xác định trong một doanh nghiệp có ba cơ quan độc lập là

            Cơ quan quyền lực cao nhất : Đại hội đồng cổ đông

            Cơ quan lãnh đạo cao nhất   : Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên

            Cơ quan điều hành cao nhất : Ban giám đốc

            Để tránh đi sự giẩm chân lên nhau trong quá trình điều hành hoạt động công ty của Chủ tịch Hội đồng Quản trị đối với Giám đốc khi vai trò của  Chủ tịch Hội đồng Quản trị là lãnh đạo chứ không điều hành.

5.2-Trình tự, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp

            a)-Nên xem lại phạm vi chịu trách nhiệm của Giám đốc

            + Công ty TNHH hai thành viên trở lên : Khoản 1 điều 65 chỉ chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên

            + Công ty TNHH một thành viên           : Khoản 1 điều 82  chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên

            + Công ty cổ phần : Khoản 2 điều 137 chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật

            Kiến nghị bổ sung : Công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

b)-Thẩm quyền của Giám đốc

+ Công ty TNHH hai thành viên trở lên : điểm  e Khoản 2 điều 65:

e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

+ Công ty TNHH một thành viên : điểm  e Khoản 2 điều 82:

-          e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

+ Công ty cổ phần : không quy định nội dung

Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

mà tại Khoản 2 điều 137 chỉ quy định

a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

            Kiến nghị bổ sung :bổ sung cho Giám đốc Công ty cổ phần có thẩm quyền

Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty;

5.3.Về vốn doanh nghiệp, góp vốn, tăng vốn          :

            Việc giảm vốn

            + Công ty TNHH hai thành viên trở lên : điểm c Khoản 4 điều 49:

3. Sau thời hạn 90 ngày quy định tại khoản 2 Điều này  mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được xử lý như sau:

            c) Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ và điều chỉnh phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn thực góp và các nội dung khác trong đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này

            + Công ty TNHH một thành viên : Khoản 3 Điều 75.

3. Trường hợp Chủ sở hữu không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày quy định tại khoản 2 Điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp.

            + Công ty cổ phần : Khoản 4 Điều 91.

Điều 91.  Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp

1. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Hội đồng quản trị phải thông báo thời hạn thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua cho các cổ đông.

2. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cổ đông nhận được yêu cầu thanh toán, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

4. Nếu sau thời hạn quy định tại khoản 1 và 2 điều này có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì  thì thực hiện theo quy định sau đây:

  d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn năm 5 kể từ ngày cuối cùng mà cổ đông cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.

Bình luận :

            Dự thảo luật doanh nghiệp cho phép hết thời hạn phải góp phần vốn đăng ký góp là 90 ngày thì các loại hình Công ty TNHH MTV , từ 2 TV trở lên và Công ty cổ phần đều được quyền đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, điều đó có nghĩa là nếu quá thời hạn 90 ngày mà doanh nghiệp không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ được hiểu là sẽ chịu TNHH trên số vốn điều lệ.

            Kiến nghị bổ sung : nên quy định rõ hơn là Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp không được đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ

5.4.Về bảo vệ cổ đông                                               : Không có ý kiến

5.5.Tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp                     : Không có ý kiến

5.5.Về công khai và minh bạch hóa thông tin        : Không có ý kiến

5.6.Về doanh nghiệp xã hội                          : Không có ý kiến

5.7.Những vấn đề bất cập, vướng mắc khác trong quy định của Luật Doanh nghiệp cần kiến nghị sửa đổi                         : Không có ý kiến./.

Các văn bản liên quan