Góp ý của VCCI
|
|
Kính gửi: VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Phúc công văn số 5894/VPCP-CCHC của Văn phòng Chính phủ ngày 15/10/2007 về việc xin ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
I. NHẬN XÉT CHUNG
Dự thảo cần đáp ứng các tiêu chí sau:
1. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác; Đảm bảo phù hợp với các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;
2. Các nội dung trong Dự thảo phải đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch; Ngôn ngữ soạn thảo phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt dễ dàng, rõ hiểu;
3. Đảm bảo tính hợp lý và khả thi;
4. Đảm bảo quyền tự do của tổ chức cá nhân trong việc phản ánh, kiến nghị tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
II. CÁC GÓP Ý CỤ THỂ
1. Điều 3: Một số khái niệm không rõ:
- “Cơ chế chính sách và thủ tục hành chính” là cụm khái niệm không rõ. Cơ chế chính sách không phải là khái niệm pháp lý, cơ chế chính sách hiểu theo một nghĩa nào đó cũng bao gồm thủ tục hành chính. Đề nghị Ban soạn thảo đưa giải thích khái niệm về cơ chế và thủ tục hành chính vào Dự thảo này.
- Đề nghị cân nhắc thêm khái niệm tổ chức tại Điều 2, khoản 3 cho tương thích với quy định của Bộ luật dân sự. Theo quy định tại Luật này, thì trong các loại pháp nhân ngoài cơ quan nhà nước và đơn vị vũ trang nhân dân còn có 1) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; 2) Tổ chức kinh tế. 3) Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; 4) Quỹ xã hội, quỹ từ thiện; 6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự.
2. Điều 5. Nội dung phản ánh, kiến nghị
- Trong thực tiễn, nội dung phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân khá đa dạng và phong phú. Nếu chỉ bó gọn trong 5 nội dung trên, Dự thảo sẽ hạn chế nội dung phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa vào các nội dung phản ánh khác, ví dụ “Đề nghị sửa đổi, bãi bỏ, huỷ bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật”. v.v.
3. Điều 6. Cách thức phản ánh, kiến nghị
- Trên thực tiễn có nhiều cách thức, theo đó cá nhân, tổ chức có thể phản ánh, kiến nghị tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đề nghị Ban soạn thảo đưa vào các cách thức phản ánh, kiến nghị khác như qua các phản ánh trực tiếp, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại.v.v...
4. Điều 7, khoản 1, 2: phản ánh kiến nghị. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ hai khoản này. Nếu như áp dụng các cách thức phản ánh, kiến nghị trực tiếp hay gián tiếp, bằng lời nói hay văn bản thì nội dung của khoản này là không hợp lý và không phản ánh đầy đủ nội dung phản ánh, kiến nghị.
5. Điều 9 Quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
- Đối với điểm b, khoản 2 Điều 9: “Nội dung phản ánh không trung thực” là một cụm từ có nghĩa không rõ ràng. Rất khó có thể xác định được tính trung thực của một yêu cầu kiến nghị, chỉ có thể xác định được tính trung thực của nội dung phản ánh khi đã qua nghiên cứu. Nếu để quy định này trong Dự thảo, rất dễ sẽ xảy ra trường hợp tuỳ tiện trong khâu tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các tiêu chí của quy định này.
- Đối với điểm d, khoản 2 Điều 9: Quy định tại điểm này cũng chưa được rõ ràng. Thứ nhất, khó có thể xác định được việc các yêu cầu, phản ánh của người dân đã được xử lý chưa. Thứ hai, việc xử lý các phản ánh, kiến nghị có thể qua nhiều cấp khác nhau, người tiếp nhận đơn sẽ khó xác định được cấp nào đã giải quyết và có phải đó là cấp cuối cùng hay chưa.
6. Về quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị (Điều 8,13)
- Cả hai điều 08, và 13 của Dự thảo đều đề cập tới quy trình tiếp nhận phản ánh kiến nghị. Đề nghị chỉ quy định quy trình tiếp nhận tại Điều 8 của Dự thảo, Điều 13 sẽ quy định về quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị.
- Thêm vào đó, dự thảo không đưa ra được quy định cụ thể về khoảng thời gian mà người có thẩm quyền phải xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân tổ chức. Nếu quy định như Dự thảo thì tính khả thi và hiệu quả trên thực tế sẽ bị hạn chế.
7. Công khai kết quả phản ánh, kiến nghị: Đề nghị Ban soạn thảo đưa vào nội dung thông báo tới người phản ánh, kiến nghị về kết quả phản ánh, kiến nghị.
Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.
Xin trân trọng cảm ơn./.
- Lưu VT, |
|