Góp ý của VCCI

Thứ Năm 17:26 24-07-2008


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
-----------------------------
Số:                     /PTM-PC
 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
 
Hà Nội,  ngày      tháng 07 năm 2008


 
Kính gửi:      BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHÊ
V/v: Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật CLSPHH


 
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được Công văn số 1067/BKHCN-PC của Quý Bộ đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (sau đây gọi là Dự thảo). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số góp ý đối với Dự thảo ngày 15/05/2008 như sau:

I. Quan điểm tiếp cận

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (sau đây gọi là Luật) cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

(i) Có tính chất hướng dẫn chi tiết đối với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá  và đảm bảo tính khả thi của văn bản khi áp dụng;

(ii) Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, chính xác và hợp lý của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá;

Đối chiếu Dự thảo hiện hành (bản ngày 15/5/2008) với các nguyên tắc nêu trên cho thấy mặc dù có một số quy định đáp ứng được những yêu cầu, Dự thảo còn một số nội dung chưa đáp ứng được các nguyên tắc này và cần được xem xét điều chỉnh kịp thời.

II. Góp ý cụ thể

1. Tính thống nhất và pháp lý của Dự thảo

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá đã giao cho Chính phủ quy định một số nội dung tại các điều sau: khoản 1 Điều 5 về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn; khoản 2 Điều 7 về điều kiện, thủ tục xét tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia; Điều 50 về kiểm soát viên chất lượng; Điều 66 về xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; khoản 4 và khoản 5 Điều 68 về trách nhiệm của quản lý nhà nước về chất lượng, sản phẩm hàng hoá. Nhưng trong Dự thảo Nghị định, bên cạnh việc quy định chi tiết các điều được xác định trong Luật, còn quy định chi tiết một số nội dung khác của Luật. Liệu những quy định đó có phù hợp không? Có mâu thuẫn với những quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật[1]?

Mặt khác, một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc đảm bảo tính thống nhất và pháp lý là đối với những nội dung đã được quy định trong luật thì không nên quy định lại trong Dự thảo. Dự thảo Nghị định chưa đáp ứng được tiêu chí này vì nhiều quy định được lấy trực tiếp từ luật mà không có thêm hướng dẫn thi hành, Ví dụ:

- Khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Dự thảo đã quy định rất rõ trong Điều 28, 29 của Luật;

- Khoản 1, 2, 3 Điều 6 của Dự thảo đã được quy định trong Điều 34 của Luật;

- Điều 8 của Dự thảo đã được quy định cụ thể trong Điều 32 của Luật.

Để hạn chế sự chồng chéo không cần thiết với Luật, đề nghị không đưa các quy định này vào trong Dự thảo.

2. Tính minh bạch, khả thi của Dự thảo

Để các quy định của luật được khả thi, Dự thảo phải đưa ra những quy định chi tiết, dễ hiểu và các đối tượng có thể thực hiện ngay mà không gặp phải vướng mắc gì. Tuy nhiên, các nội dung về quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm hàng hoá từ khâu sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, đến khâu lưu thông trên thị trường, biện pháp để kiểm soát chất lượng đó là việc cơ quan nhà nước thực hiện các hoạt động kiểm tra chất lượng vẫn chưa được quy định rõ ràng. Ví dụ, Dự thảo chưa đưa ra căn cứ để thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn: khiếu nại của khách hàng, sự phản ánh của đối tác, hoặc là những kiểm nghiệm của cơ quan nhà nước đối với các sản phẩm và cho thấy kết quả là sản phẩm kém chất lượng, gây hại đến người tiêu dùng…

Các căn cứ trong Dự thảo đưa ra còn chung chung.

Ví dụ:

- Khoản 2 Điều 5 quy định: căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất: a) hàng hoá xuất khẩu không phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia; b) Hàng hoá lưu thông trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Câu hỏi đặt ra: căn cứ nào để biết được một sản phẩm, hàng hoá không phù hợp với quy định của nước nhập khẩu? Căn cứ đâu để biết một hàng hoá không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng? Cần phải quy định rõ để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng thực hiện và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

-  Khoản 2 Điều 9 quy định: “trường hợp hàng hoá xuất khẩu không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này”. Làm thế nào để biết được hàng hoá xuất khẩu không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia? Nếu không có căn cứ chứng minh điều đó thì cơ sở nào để cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra chất lượng? Quy định trên của Dự thảo là chưa rõ ràng và khó áp dụng được trên thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ để nâng cao tính khả thi của Dự thảo;

- Điểm a khoản 2 Điều 11 quy định: “sau khi xem xét các yêu cầu quy định tại điểm a của khoản này (kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn hàng hoá, việc thể hiện dấu hợp chuẩn, hợp quy và các tài liệu đi kèm hàng hoá cần kiểm tra) hoặc xét thấy có nguy cơ không bảo đảm chất lượng thì tiến hành kiểm tra sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng …”. Đây là một căn cứ mang tính chất suy đoán, không rõ ràng, không thể là căn cứ để tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm được;

- Đoạn 2 khoản 3 Điều 11 Dự thảo quy định, “trong trường hợp phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 40 Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá thìtuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, mức độ và quy mô ảnh hưởng, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá quyết định thông báo trên đài phát thanh hoặc truyền hình địa phương hoặc trung ương, phương tiện thông tin đại chúng khác nếu cần”. Quy định trên trao nhiều quyền cho cơ quan kiểm tra trong khi tiêu chí xử phạt lại chưa rõ ràng, có thể gây ra tình trạng phân biệt đối xử khi đưa ra hình thức xử phạt. Đề nghị, Dự thảo cần phải đưa ra các tiêu chí rõ ràng (mức độ vi phạm nào thì áp dụng hình thức thông báo trên đài phát thanh, truyền hình địa phương, mức độ vi phạm nào thì áp dụng hình thức thông báo trên đài phát thanh, truyền hình trung ương, …) để xác định hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp có sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng;

-  Khoản 3 Điều 11, đề nghị Dự thảo quy định về thời gian thẩm tra lại hoặc trách nhiệm thông báo thời gian thẩm tra lại của đoàn kiểm tra cho doanh nghiệp để tránh tình trạng, thời gian thẩm tra kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Một số góp ý khác

-  Đề nghị Dự thảo bổ sung biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá tiếp tục vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hoá là: bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi phải sử dụng những hàng kém chất lượng;

-  Lỗi đánh máy, tại khoản 1 Điều 15 : “… khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4” của Điều nào trong Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá?

Trên đây là một số ý kiến góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá rất mong được Quý cơ quan xem xét và tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
Nơi nhận:
-          Như trên
-         Lưu VT, PC


T/L. CHỦ TỊCH
TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ
 
 
 
     TRẦN HỮU HUỲNH


 
 
 
 

[1] (Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định: “Trong trường hợp luật, pháp lệnh có điều, khoản cần phải được quy định chi tiết bằng văn bản khác, thì ngay tại điều, khoản đó, phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền quy định và thời hạn ban hành”. Điều này có nghĩa, những văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chỉ được quy định những trường hợp mà luật hay pháp lệnh xác định trong các điều luật).

Các văn bản liên quan