Góp ý của VCCI

Thứ Ba 14:13 13-05-2008


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
................................................
Số:    049  5  /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...................................................
Hà Nội, ngày    tháng 04 năm 2008


 
Kính gửi:  BỘ TƯ PHÁP
V/v: Góp ý Dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm 
  
        

      Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn đề nghị góp ý kiến về Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm. Trước đây, VCCI đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức 03 Hội thảo lấy ý kiến của các Doanh nghiệp, Hiệp hội về Dự luật này tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng và sẽ gửi kèm Công văn này Biên bản tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội trong các hội thảo trên. 
      Sau đây là một số ý kiến của các chuyên gia của VCCI góp ý Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm:  

      1.      Về phạm vi điều chỉnh

      Nên xây dựng Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm như một đạo luật khung, điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản. Áp dụng theo nguyên tắc, các đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản chuyên ngành thì áp dụng các Luật chuyên ngành như hiện hành (Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật hàng hải …), nếu pháp luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng quy định của Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm;

      2.      Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực 
      

      Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực nên xác định là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào cơ sở Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm hoặc đã được ghi nhận vào Sổ đăng ký để đảm bảo tính minh bạch, công khai hoá mọi thông tin, giảm thiểu những tranh chấp phát sinh vì sự xung đột quyền lợi giữa các bên. Tuy nhiên, khi quy định theo hướng này, Dự thảo cũng phải quy định trách nhiệm rõ ràng của cơ quan đăng ký khi nhập dữ liệu tránh tình trạng dữ liệu bị nhập vào chậm để đảm bảo quyền lợi của người yêu cầu đăng ký. Dự luật có thể đặt ra hạn định cán bộ đăng ký phải nhập dữ liệu kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ (bên yêu cầu đăng ký phải đảm bảo mọi thông tin đăng ký là hợp pháp, hợp lệ và chịu hoàn toàn trách nhiệm với những thông tin cung cấp; bên đăng ký không phải xác minh).

      3.      Về tổ chức các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm 
      

      Nên giữ nguyên hiện trạng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như hiện nay. Việc bổ sung thẩm quyền đăng ký các trường hợp thuộc thẩm quyền của những cơ quan như văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan đăng ký tàu biển khu vực cho Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm và thực hiện đăng ký theo nguyên tắc thông báo, tự nguyện cần phải quy định rõ ràng hơn. Vì việc đăng ký tại Trung tâm đăng ký chỉ làm căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán mà không thay thế cho việc đăng ký tại các cơ quan khác nên sẽ dễ xảy ra tình trạng phát sinh hai thời điểm đăng ký khi Trung tâm đăng ký không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền đăng ký theo mỗi loại tài sản và kéo theo đó là nhiều hệ luỵ khi thực hiện hợp đồng của các bên. 
      Nhất thiết phải có một trung tâm cơ sở dữ liệu thống nhất trong cả nước để đảm bảo tính minh bạch thông tin về các tài sản đăng ký giao dịch bảo đảm, thuận lợi cho mọi người khi tra cứu. Điều này đòi hỏi phải có sự liên thông về dữ liệu giữa các cơ quan bằng cách quy trách nhiệm của các cơ quan đăng ký về việc chuyển thông tin cho trung tâm dữ liệu quốc gia.

      Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo. 
      Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
 
 
Nơi nhận:
-          Như  trên
-         Lưu VT, PC


T/L. CHỦ TỊCH
TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ
 
 
 
 
Trần Hữu Huỳnh


Các văn bản liên quan