Góp ý của TS.Phạm Liêm Chính – VPLS Chính&Cộng sự

Thứ Sáu 10:29 26-05-2006
Một vài suy nghĩ về Dự thảo luật doanh nghiệp thống nhất (dự thảo 1)


Tại thời điểm ngày hôm nay – ngày 4/3/2005 chúng ta có Dự thảo Luật doanh nghiệp (thống nhất), một đề án quan trọng nhằm hợp nhất hai luật: Luật Doanh nghiệp Nhà nuớc và Luật Doanh nghiệp (tư nhân).

Việc xây dưng một mặt bằng pháp lý chung cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau là điều cần thiết nhằm bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bài phát biểu của tôi giới hạn ở một vài nhận xét ban đầu về Tổng quan một luật doanh nghiệp thống nhất. Tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị đóng góp các nhận xét khác và xin được trình bầy trong những lần hội thảo sau.

Tổng quan về một luật doanh nghiệp thống nhất

1. - Tên gọi của luật hợp nhất nên là Luật Công ty, không nên gọi là Luật Doanh nghiệp vì doanh nghiệp là một khái niệm kinh tế còn từ công ty mới là tên gọi chuẩn về mặt luật pháp. Thế giới đều dùng từ Luật Công ty.

2. - Các loại hình công ty: quy định 4 loại hình công ty như theo Luật Doanh nghiệp (tư nhân) hiện nay là đủ, không cần thiết phải đưa ra các loại hình công ty mới như trong Luật doanh nghiệp Nhà nước hiện hành, làm nhiễu sự phân loại chung.

3. - Luật Doanh nghiệp Nhà nước hiện nay rất phức tạp, đọc rất khó hiểu. Nên từng bước xóa dần Luật này bằng đưa các doanh nghiệp Nhà nước về mô hình chung của Luật công ty (hợp nhất).

Một doanh nghiệp Nhà nước về bản chất cần phải được tổ chức theo mô hình một công ty như mọi công ty khác. Tính chất Nhà nước thể hiện ở việc vốn của các doanh nghiệp này do Nhà nước nắm giữ.

Nếu Nhà nước nắm toàn bộ 100% vốn của một công ty thì công ty đó thuộc sở hữu của Nhà nước, nó là công ty nhà nước. Người đứng đầu công ty này do Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND bổ nhiệm theo thẩm quyền.

Nếu Nhà nước nắm trên 50% vốn thì công ty đó chịu sự chi phối của Nhà nước.

4. - Còn vấn đề công ty mẹ, công ty con trong Luật doanh nghiệp Nhà nước hiện hành chỉ nên xếp vào một chương trong Luật hợp nhất về mô hình tổ chức của một công ty lớn, một tổng công ty hoặc của một tập đoàn. Không nên đặt ra nhiều tên gọi làm loãng việc phân loại công ty thành 4 loại cơ bản như Luật Doanh nghiệp hiện hành.

5. - Nên giữ sự trong sáng của Luật Doanh nghiệp hiện hành, nhưng bổ sung thêm một số quy định, điều khoản cần thiết để có thể cải biến thành luật công ty hợp nhất.

6. - Đối với mỗi loại hình công ty cơ bản, nên đưa thêm một số điều khoản chi tiết thêm cho từng thể loại công ty để dễ sử dụng.

7. - Không nên đưa ra nhiều khái niệm phức tạp, không cần thiết như khái niệm kinh doanh, cấp phép, … .

Nên dùng khái niệm “thương mại” thay cho khái niệm “kinh doanh” để trùng với các thuật ngữ mà quốc tế vẫn dùng.

8. - Tỷ lệ tham gia vốn góp của công ty mẹ vào công ty con không nên quy định cứng nhắc, hãy để tự do cho doanh nhân tự quyết định.

9. - Vai trò của Nhà nước là tăng cường quản lý khâu hậu kiểm, tránh tình trạng công ty ma, công ty thành lập ra cốt để đi lừa, buôn bán hóa đơn …

10. - Phòng Thương mại và Công nghiệp đã tổng kết thành một bảng thống kê các lĩnh vực cần phải có giấy phép con khi thành lập doanh nghiệp. Vậy nên rà soát lại danh mục này và đưa thành phụ lục của Dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất.


Luật sư TS Phạm Liêm Chính

Các văn bản liên quan