Góp ý của TS. Nguyễn Văn Tuyến – Trường Đại học Luật Hà Nội

Thứ Hai 14:42 24-03-2008
Ở các nước trên thế giới, đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện như là một giải pháp phòng ngừa các rủi ro pháp lý cho các bên trong quan hệ bảo đảm nghĩa vụ, đặc biệt là nhằm bảo vệ một cách hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm cũng như quyền lợi của người thứ ba. Vì thế, việc xây dựng Luật đăng ký giao dịch bảo đảm là cần thiết, góp phần minh bạch hóa tình trạng pháp lý của tài sản và thúc đẩy sự hỗ trợ của chính quyền đối với quá trình thực thi các quyền dân sự của tổ chức, cá nhân.

1. Về cách tiếp cận


Với mục tiêu thiết lập cơ chế minh bạch hóa tình trạng pháp lý của tài sản, trên cơ sở đó góp phần bảo vệ quyền dân sự chính đáng của mọi người dân và tổ chức, chúng tôi cho rằng việc xây dựng Luật đăng ký giao dịch bảo đảm phải xuất phát từ cách tiếp cận sau đây:

Thứ nhất
, cần coi việc đăng ký giao dịch bảo đảm là một dịch vụ hành chính công do Nhà nước cung cấp cho khách hàng là tổ chức, cá nhân để giúp họ tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình trước các rủi ro pháp lý trong quá trình thiết lập các giao dịch bảo đảm. Dịch vụ này không có tính chất của một hoạt động thương mại nên không nhằm mục tiêu thu lợi nhuận mà Nhà nước chỉ thu một khoản lệ phí vừa đủ để thực hiện tốt nhất dịch vụ này cho người sử dụng dịch vụ, thậm chí là Nhà nước phải thiết kế dịch vụ này sao cho đơn giản nhất, chi phí ít nhất để khiến cho người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng, thuận lợi đối với dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm cũng như tìm kiếm các thông tin về những giao dịch bảo đảm đã được đăng ký.

Thứ hai, cần lấy mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân làm mục tiêu căn bản khi soạn thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm. Để thực hiện mục tiêu này, Luật cần quy định theo hướng không giới hạn các giao dịch bảo đảm có thể được đăng ký và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký, tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận dễ dàng nhất với các thông tin về những giao dịch bảo đảm đã được đăng ký.

Thứ ba, cần quan niệm một cách chính xác về bản chất pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm và giá trị pháp lý của hành vi đăng ký giao dịch bảo đảm. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, đăng ký giao dịch bảo đảm là việc Nhà nước (hoặc các chủ thể khác được Nhà nước ủy quyền) công nhận tình trạng một tài sản đã được bảo đảm cho một nghĩa vụ hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự nhất định. Giá trị pháp lý thực sự của hành vi đăng ký giao dịch bảo đảm không phải ở chỗ nó nhằm chứng minh sự tồn tại trên thực tế cũng như về mặt pháp lý của giao dịch bảo đảm đã đăng ký, mà chính là ở chỗ nó thừa nhận một tài sản đã được chủ sở hữu đem bảo đảm cho việc thực hiện một hay nhiều nghĩa vụ dân sự của chính họ hoặc của người khác đối với bên có quyền. Hành vi này sẽ là sự kiện pháp lý để làm phát sinh quyền được ưu tiên thanh toán của Bên nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm đã đăng ký, so với các Bên nhận bảo đảm khác trong các giao dịch bảo đảm chưa được đăng ký[1]. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc coi hành vi đăng ký giao dịch bảo đảm là sự kiện pháp lý để “đánh dấu” thứ tự hình thành các giao dịch bảo đảm đã được xác lập đối với một tài sản và từ đó xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm đối với các chủ nợ có bảo đảm bằng một tài sản.

2. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm

Từ cách tiếp cận trên đây, chúng tôi cho rằng về cơ bản nội dung của Dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm đã thể hiện được quan điểm tiếp cận khá hợp lý khi cho rằng cần điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản, bao gồm đăng ký giao dịch bảo đảm nói chung và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Quy định theo hướng như vậy không chỉ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hóa pháp luật trong lĩnh vực này, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, viện dẫn và áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm đối với các tổ chức, cá nhân và các cơ quan, nhân viên Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ liên quan đến giao dịch bảo đảm.

Tuy nhiên, Dự thảo luật vẫn chưa thể hiện rõ ràng quan điểm về việc Nhà nước có nên “ủy quyền” cho các chủ thể khác (không phải là cơ quan nhà nước) được thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký cho khách hàng là tổ chức, cá nhân hay không. Theo chúng tôi, đây là vấn đề Ban soạn thảo có thể cân nhắc để thể hiện trong Dự thảo, nhằm góp phần thúc đẩy việc xã hội hóa hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm và cung cấp thông tin về các giao dịch bảo đảm đã được đăng ký.

Ngoài ra, nếu có thể, nên chăng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này đối với cả vấn đề xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm (vấn đề này hiện đang được quy định bởi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ) và lấy tên gọi của Luật là “Luật giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm”. Đây chỉ là một sự g ợ i ý nhỏ, mong rằng Ban soạn thảo có thể xem xét, cân nhắc và quyết định nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm, vì nếu xét về thực chất thì các quy định về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm vốn dĩ có mối liên hệ mật thiết với nhau, theo một quy trình mang tính logic, nếu tách ra để quy định trong hai văn bản có mức độ hiệu lực khác nhau thì đôi khi có thể làm khó cho quá trình áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm.

3. Về cơ cấu của dự thảo

Từ đối tượng và phạm vi điều chỉnh như trên của dự thảo Luật, về cơ bản chúng tôi nhất trí với cách thiết kế cơ cấu của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp lý hơn nữa, Ban soạn thảo cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần xác định xem những vấn đề gì là chung cho tất cả các hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm thì đưa vào chương I (Những quy định chung). Còn những vấn đề gì thật sự là đặc thù riêng có của mỗi loại hình đăng ký giao dịch bảo đảm thì mới đưa vào quy định trong các Chương tương ứng với đối tượng điều chỉnh của Chương đó (ví dụ: phải xác định xem việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản có đặc thù gì khác biệt về bản chất so với việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng bất động sản hay không). Theo chúng tôi, điều này là rất quan trọng, bởi vì nếu không xác định rõ sự khác biệt đó thì có thể việc thiết kế các điều luật như bố cục hiện tại sẽ là không hợp lý và không cần thiết, chỉ mang tính chủ quan duy ý chí của những người chắp bút để xây dựng Dự thảo chứ hoàn toàn không dựa trên các tiêu chí và căn cứ mang tính khoa học.

Thứ hai, về chi tiết, cần có sự thống nhất trong thiết kế trình tự về nội dung các điều luật giữa các chương. Cụ thể, cần có sự thống nhất giữa các Chương về việc đưa điều luật nào lên trước, điều luật nào sau, tránh tình trạng đảo lộn trình tự về nội dung như đang được thể hiện trong Dự thảo[2].

4. Về đối tượng đăng ký

Về vấn đề này, chúng tôi chia sẻ quan điểm chung của Dự thảo Luật là cần mở rộng tối đa đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tế của người dân về quyền được đăng ký và được biết thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản của chính họ, hoặc của người khác để từ đó xem xét, quyết định về việc xác lập giao dịch hoặc đầu tư.
Tuy nhiên, theo ý kiến chúng tôi, cách thức mở rộng đối tượng đăng ký như đang thể hiện trong Dự thảo Luật là không thỏa đáng và không phù hợp với tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của Dự luật, vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, chúng tôi cho rằng các trường hợp đăng ký đối với giao dịch cho thuê động sản từ 1 năm trở lên; cho thuê tài chính; mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu; bán có thỏa thuận chuộc lại tài sản; bán hàng thông qua đại lý; hợp đồng khác nhằm chuyển giao quyền chiếm giữ động sản như cho mượn, gửi giữ... thực chất không phải là đăng ký giao dịch bảo đảm, vì bản chất của những giao dịch này không phải là giao dịch bảo đảm.

Thứ hai, ngoài các giao dịch bảo đảm thuộc diện bắt buộc phải đăng ký theo Luật (khoản 1 Điều 3), Dự thảo không quy định theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, nghĩa là theo đó mọi giao dịch nhằm xác lập một “lợi ích bảo đảm” bằng tài sản đều có thể được đăng ký theo thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, không phụ thuộc vào tên gọi hay hình thức thể hiện giao dịch đó.

5. Về vấn đề tổ chức các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm

Xuất phát từ nhận thức rằng việc đăng ký giao dịch bảo đảm phải được thực hiện một cách nhanh chóng, thuận lợi cho người có yêu cầu đăng ký, chúng tôi chia sẻ quan điểm cho rằng cần thiết kế nhiều cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm, sao cho mỗi cơ quan này đều có khả năng thực hiện tốt nhất công việc của mình. Thậm chí, Ban soạn thảo có thể cân nhắc ý tưởng về việc cho phép các cơ quan này ủy quyền cho một số tổ chức khác có năng lực thực hiện hành vi đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, ví dụ như các Văn phòng luật sư, Công ty Luật hay các Phòng công chứng nhà nước... Điều quan trọng là các quy định này không tạo ra sự chồng chéo hoặc mâu thuẫn về thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm giữa các chủ thể, nhằm tránh gây thiệt hại cho khách hàng có yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm. 6. Về thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực.

Ý thức rằng việc đăng ký giao dịch bảo đảm là một hành vi pháp lý của các chủ thể có thẩm quyền, nhằm tạo ra các hậu quả pháp lý nhất định cho các Bên tham gia vào giao dịch bảo đảm cũng như đối với người thứ ba. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần quy định theo hướng, việc đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực kể từ thời điểm cơ quan đăng ký nhập thông tin yêu cầu đăng ký vào Hệ thống cơ sở dữ liệu hoặc ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm. Kể từ thời điểm này, giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.

7. Về thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm

Về vấn đề này, chúng tôi chia sẻ quan điểm cho rằng cần quy định thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản được xác định theo nội dung kê khai của người yêu cầu đăng ký, nhằm tạo ra sự thống nhất và phù hợp hơn với thực tiễn thỏa thuận của các bên khi giao kết giao dịch bảo đảm.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp, bình luận cho Dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm. Hy vọng rằng việc ban hành đạo luật này sẽ là một bước tiến trong tiến trình công khai hóa và minh bạch hóa các giao dịch bảo đảm, góp phần bảo vệ hiệu quả các quyền dân sự và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân trong giao lưu dân sự và thương mại. 
  
 [1] Có thể xem thêm quy định tại Điều 325 Bộ luật dân sự năm 2005 về thứ tự ưu tiên thanh toán.

[2] Có thể thấy rõ sự đảo lộn trình tự  này tại các Điều luật được thiết kế trong Chương II và Chương III của Dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm.

Các văn bản liên quan