Góp ý của TS. Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội

Thứ Ba 14:38 07-06-2011

        MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁ 2011

                                                                  

                                                                              TS.Nguyễn Minh Phong

                                                                               Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

  Thực hiện kế hoạch công tác của Quốc hội và phân công của Chính phủ năm 2010, Bộ Tài chính đã hoàn thành  Dự thảo Luật Giá (dưới đây gọi tắt là Dự thảo) và tổ chức xin ý kiến rộng rãi để hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thông qua...

    Nhìn tổng thể, Dự thảo Luật Giá được soạn thảo công phu và có chất lượng khá tốt, đã bám sát mục tiêu và yêu cầu đặt ra. Nếu Dự thảo được thông qua sẽ góp phần khắc phục một số bất cập hiện hành, tạo sự đồng bộ, thống nhất và nâng cao hơn về chất cơ sở pháp lý cho công tác quản lý giá, nhất là góp phần luật hóa chủ trương của nhà nước về thực hiện ngày càng đầy đủ  hơn các hoạt động cạnh tranh về giá theo nguyên tắc thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế trong quản lý giá.

Bên cạnh đó, để có chất lượng tốt hơn, Dự thảo cần được chỉnh sửa ở một số điểm sau:

1.                  Về hình thức văn bản

Thứ nhất , cần khắc phục triệt để những lỗi đã mắc và thống nhất toàn Dự thảo về nguyên tắc dùng dấu ngắt câu, nhất là dấu phẩy và dấu chấm phẩy khi xuống dòng. Điều này thể hiện ở các trang: 1, 8, 9, 11,14, 15, 16, 17, 21(tức chiếm 1/3 tổng số trang của Dự thảo).

Thứ hai, cần điều chỉnh kết cấu và tên một số chương, mục nội dung của Dự thảo cho hợp lý  hơn theo hướng bảo đảm lôgich nội hàm của hoạt động quản lý nhà nước, cũng như thuận lợi cho việc theo dõi, thực thi Luật Giá trong thực tế khi đã được thông qua.

  Chẳng hạn: nên ghép chung 4 điều:

1.                   Điều 10, chương II. Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (trang 6);

2.                  Điều 34, chương IV. Những hành vi bị cấm trong hoạt động thẩm định giá (trang 13-14);

3.                  Điều 60, chương V. Các hành vi vi phạm pháp luật về giá (trang 22-23-24);

4.                  Điều 61, chương V.Các hành vi vi phạm pháp luật về thẩm định giá (trang 24-25)

Đây là các điều đề cập đến các hành vi bị cấm hoặc các vi phạm cần xử lý trong hoạt động về giá, nên có thể ghép các nội dung 4 điều trên thành 1 điều chung duy nhất, chẳng hạn: Điều 58. Những hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật về giá, với nhiều mục phù hợp về hành vi bị cấm và về hành vi vi phạm…Khi đó, Dự thảo sẽ bớt được ít nhất 3 Điều (do 4 ghép thành 1); đồng thời, các lỗi cần cấm và bị trừng phạt trong quản lý giá dễ theo dõi, tránh trùng lặp hơn, cũng như tập trung xếp chúng vào chương V là phù hợp hơn cả.

Đặc biệt, nên đổi tên Chương V. Quản lý Nhà nước về giá thành  Chương V. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về giá, với mở đầu của chương này sẽ là Điều 58. Những hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật về giá đã ghép chung cả 4 Điều 10, 34, 60 và 61 như nêu trên;

 Đồng thời, cắt chuyển toàn bộ Mục I. Nội dung và thẩm quyền quản lý nhà nước về giá và Mục II. Thanh tra về giá lên ghép vào Chương III. Điều hành giá của Nhà nước. Khi đó,có thể đổi tên chương này thành tên mới là Chương III. Quản lý Nhà nước  về giá, trong đó vẫn giữ nguyên các hạng mục nội dung đã có, chỉ đưa vào đầu chương này MụcI. Nội dung và thẩm quyền quản lý nhà nước về giá và đưa vào cuối chương này Mục II.Thanh tra giá của chương V cũ.

Ngoài ra, tên Chương II.Quyền, nghĩa vụ, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất , kinh doanh sẽ được lược bỏ cụm “các hành vi bị cấm”, đồng thời bổ sung “”và của người tiêu dùng”vào cuối, tức tên mới sẽ thành Chương II. Quyền, nghĩa vụ trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng (điều này cũng có nghĩa là cần có bổ sung them nội dung quyền  và nghĩa vụ của cả người  tiêu dùng trong lĩnh vực giá).

Cần nhấn mạnh rằng, sự điều chỉnh nêu trên cả về kết cấu và tên gọi chương, mục còn cho phép tránh gây trúc trắc, thiếu sót hoặc ngộ nhận trong phân định giữa tên 2 chương III. Điều hành giá của Nhà nước và Chương V.Quản lý giá của Nhà nước, cũng như giúp định vị hoạt động quản lý nhà nước về giá thêm minh bạch, đồng bộ , đầy đủ và lôgich hơn (trong hoạt động quản lý Nhà nước về giá là đã và phải bao gồm hoạt động Điều hành của nhà nước về giá…).

Hơn nữa, tên chương V mới còn cho phép tạo dư địa khách quan để bổ sung những quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong việc khiếu nại, xử lý các vi phạm về giá, bao gồm cả doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, và ngay cả các cơ quan nhà nước.

 Nói cách khác, khi đó, nội dung chương V sẽ bao gồm và cần bổ sung những quy định về những hành vi bị cấm và những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá sẽ bị trừng phạt, cùng các công cụ và quy trình thực hiện chúng và mở rộng cho tất cả các bên có liên quan, gồm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và cả các cơ quan quản lý Nhà nước cũng bình đẳng như các bên có liên quan khác, cũng chịu sự tuân thủ và giám sát của xã hội trong thực thi các quy định của Luật giá. Đây sẽ là một biểu hiện tích cực của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong thời gian tới theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XI.

2.                  Về nội dung Dự thảo

Nghiên cứu nội dung của Dự thảo, người ta vẫn thấy có nhiều vấn đề bị bỏ lửng hoặc có nhiều câu hỏi thậm chí bị bỏ qua, hoặc câu trả lời mờ nhạt, chẳng hạn:

Thứ nhất , cần bổ sung đối tượng áp dụng Luật giá (Điều 2.Đối tượng áp dụng) phải bao gồm cả người tiêu dùng, vì nhẽ:

-                     Người tiêu dùng xét đến cùng thì họ là người có liên quan quyền lợi quan trong nhất và cuối cùng trong các hoạt động về giá.

-                     Hơn nữa, trong nội dung Dự thảo của Điều 5. Nguyên tắc quản lý, điều hành giá cũng đã khẳng định rõ mục tiêu của quản lý nhà nước về giá là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Vì vậy, trong Chương II.Quyền, nghĩa vụ trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng (mới) cần bổ sung những quy định cần thiết có liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo, cũng như quyền tiếp cận thông tin và đòi hỏi giải trình về giá của người tiêu dùng đối với  các hoạt động hình thành, thẩm định và quản lý giá của những đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan, trước hết đối với những giá hàng hóa và dịch vụ thuộc diện nhà nước định giá, bình ổn hoặc có tính độc quyền.

Thứ hai , ở Điều 4.Giải thích từ ngữ của Chương 1.Những quy định chung cần xếp thứ tự các thuật ngữ theo logich nhất định (theo trật tự chữ cái a, b, c..hay theo nội dung khái niệm, hoặc nội dung quản lý nhà nước về giá), tránh tùy tiện; Đặc biệt, nên giải thích rõ hơn và lượng hóa khái niệm Giá thị trường và khái niệm Giá biến động thất thường, nhất là đối với một số hàng hóa đặc biệt, như bất động sản và quyền sử dụng đất trong các dự án giải phóng mặt bằng phục vụ mục tiêu kinh doanh thương mại, và do chủ đầu tư thỏa thuận với người dân; hoặc các hàng hóa khác trong diện bình ổn giá….

Cần nhấn mạnh rằng, làm rõ các khái niệm này không chỉ góp phần giảm thiểu nhiều hiện tượng lạm dụng, áp dụng tùy tiện gây bức xúc xã hội và là nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng 70-80% số đơn khiếu kiện và vượt cấp trong hoạt động tố tụng của nước ta hiện nay; mà còn giúp ngăn chặn  và “xử lý đúng người, đúng tội” các  hành vi vi phạm quản lý giá.

Thứ ba , cần làm rõ nguyên tắc tính giá cho từng nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc biệt là nhóm bất động sản (bao  gồm cả quyền sử dụng đất cho các loại dự án công ích và thương mại), cũng như hàng hóa có tính độc quyền, để làm căn cứ pháp lý cho Chính phủ quy định hướng dẫn cụ thể các phương pháp tính giá cụ thể trong Điều 7.Phương pháp tính giá, chứ không nên “khoán trắng” dễ gây lạm dụng  và “làm khó” cho Chính phủ trong hoạt động rất quan trọng và có tính nhậy cảm xã hội cao này.

Thứ tư , tương tự, không nên chỉ liệt kê một cách “đơn giản hóa” và “tù mù”, mà cần làm rõ nguyên tắc và cơ chế sử dụng từng biện pháp bình ổn giá, nhất là việc hình thành và sử dụng các Quỹ bình ổn giá trong Điều 13.Biện pháp bình ổn giá , để đảm bảo thống nhất về nhận thức, cũng như về hoạt động và khắc phục tình trạng thiếu minh bạch và kém hiệu quả, gây nhiều bức xúc xã hội trong thực tế sử dụng một số biện pháp bình ổn giá hiện hành.

Thứ năm , ngoài ra, trong các mục tương ứng của Chương III và Chương V cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm, bị trừng phạt và cơ chế kiểm soát giá đấu thầu, giá hiệp thương và kê khai giá nội bộ nhằm phòng tránh hữu hiệu, giảm thiểu tình trạng bỏ giá thầu thấp, sau đó gây phát sinh, đội giá thực tế quyết toán cao; lạm dụng hiệp thương để giữ giá độc quyền cao và đặc biệt là tiến hành các thủ thuật chuyển giá nội bộ nhằm trốn thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp đang trở thành vấn nạn ngày càng phổ biến và gây tổn hại lợi ích quốc gia to  lớn của Việt Nam…

Tóm lại , Dự thảo Luật giá là một bước tiến tích cực đáng ghi nhận trong công tác xây dựng luật của nước ta thời kỳ hội nhập toàn diện cả bề rộng và bề sâu. Song, Dự thảo này có thể được làm tốt hơn cả về hình thức và nội dung; đặc biệt, Dự thảo cần định rõ hơn và cụ thể hóa hơn các quy định  nền tảng cho toàn bộ các hoạt động và khía cạnh quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý nhà nước, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực tế của quản lý giá vì hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dung đúng như mục tiêu đề ra./.

Các văn bản liên quan