Góp ý của TS. Bùi Đăng Hiếu – Khoa Luật Dân sự ĐH Luật Hà Nội

Thứ Hai 14:31 24-03-2008
I. NH ỮNG VẤN ĐỀ CHỦ YẾU SẼ TRAO ĐỔI TẠI TỌA ĐÀM

1) Về đối tượng đăng ký: Các trường hợp đăng ký liệt kê ở khoản 2 Điều 3 làm cho khái niệm “giao dịch bảo đảm” bị mở rộng quá và như vậy sẽ trái với quy định của BLDS? Khoản 1 Điều 323 BLDS quy định rất rõ rằng: “Giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 318 của Bộ luật này”. Tiếp theo đó , việc liệt kê các biện pháp bảo đảm tại khoản 1 Điều 318 là liệt kê khép kín, chỉ bao gồm 7 biện pháp bảo đảm là: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, kỹ cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp.  

Khoản 2 Điều 3: Liệu việc đăng ký “bán hàng thông qua đại lý đối với tài sản là động sản”, “chuyển nhượng quyền đòi nợ”, “giao dịch khác nhằm chuyển giao quyền chiếm giữ  động sản” có ý nghĩa pháp lý như thế nào đối với các bên của giao dịch?

2) Về phạm vi điều chỉnh của Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm: Tôi ủng hộ Phương án thứ nhất (Luật đăng ký giao dịch bảo đảm điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản), bởi lẽ cách làm như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất, gọn và tiện dụng của văn bản pháp luật.

3)Về cơ cấu của Dự thảo: Cơ cấu 5 Chương như của Dự thảo 3 là phù hợp, đảm bảo được tính hợp lý và tính hệ thống.

4) Về vấn đề tổ chức các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm: Tôi ủng hộ Phương án thứ nhất (như thể hiện trong Dự thảo) – Giữ nguyên hiện trạng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như hiện nay, bởi lẽ Phương án này sẽ đảm bảo được tính nhất quán và rõ ràng trong việc phân chia thẩm quyền, tránh tình trạng đăng ký trùng và các vấn đề khác có thể phát sinh do cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan đăng ký chưa thực sự hoàn thiện.

5) Về thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm: Tôi ủng hộ phương án quy định thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung đơn yêu cầu được nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, đề nghị là rõ thêm liệu thời điểm này có trùng với thời điểm ghi nhận vào Sổ đăng ký không? Cũng đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm: Tại sao trong khoản 1 Điều 43 lại có quy định 3 phương án về thời điểm đăng ký? “thời điểm thông tin về thế chấp được nhập vào Cơ sở dữ liệu các giao dịch bảo đảm, hồ sơ địa chính hoặc Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm”.

6) Về vai trò của công chứng viên trong việc yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm: Xin đề xuất thêm phương án khác là: Đăng ký viên có thẩm quyền chứng thực luôn các giao dịch bảo đảm mà mình sẽ đăng ký hoặc bố trí công chứng viên ngay tại các cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo thuận lợi nhất cho các bên trong giao dịch.

7) Về thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm: Tại Điều 9 của Dự thảo, t ôi ủng hộ Phương án 1, bởi lẽ thời hạn 5 năm như trong Phương án 2 không mấy khi phù hợp với các bên trong giao dịch. Ban soạn thảo cũng nên tham khảo áp dụng cách quy định của Điều 329 BLDS (Thời hạn cầm cố tài sản) và Điều 344 BLDS (Thời hạn thế chấp), rằng việc cầm cố (thế chấp) có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố (thế chấp).
 
II) NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý THÊM

- Điều 2: thay “Trường hợp này…” bằng “ Trường hợp nào…”.

- Điều 3: Đề nghị giải thích rõ thế nào là “phải” được đăng ký? Nếu những giao dịch thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điề 3 này mà không đăng ký thì có bị vô hiệu không? Chế tài đó được quy định ở đâu? Bởi vì theo Điều 134 BLDS thì vi phạm quy định về hình thức sẽ chỉ bị vô hiệu khi “trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch” đó.

- Khoản 1 Điều 4: “Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc đăng ký các quyền đối với tài sản phát sinh từ giao dịch dân sự nêu tại Điều 3 của Luật này theo trình tự thủ tục quy định tại Luật này”. Khoản này cũng cần phải xem lại cho thống nhất với Điều 323 và Điều 318 BLDS.

Nên bỏ cụm từ “theo trình tự thủ tục quy định tại Luật này” vì khái niệm “đăng ký giao dịch bảo đảm” còn được sử dụng trong BLDS và trong các văn bản khác nữa.

- Khoản 2 Điều 4: Không nên chỉ coi bên cho thuê, bên bán, bên nhận chuyển giao quyền, bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp là “bên có quyền”, bởi vì trong những hợp đồng song vụ này cả hai bên đều có những quyền nhất định. 

Tương tự như vậy không nên gọi bên thuê, bên mua, bên cầm cố, bên thế chấp là “bên có nghĩa vụ”.

Lưu ý rằng có cần thiết phải giải thích thuật ngữ “bên có quyền” không? B ở i lẽ thuật ngữ này không hề được sử dụng lần nào trong Dự thảo Luật này, trong khi đó Điều 36 (mục c, khoản 2) lại vẫn sử dụng khái niệm “bên nhận thế chấp” chứ không sử dụng thuật ngữ này. T ương tự, thuật ngữ “bên có nghĩa vụ” cũng chỉ được sử dụng 2 lần (tại Điều 14 và Điều 55). 

- Điều 4 – Giải thích thuật ngữ: Đề nghị bổ sung thêm thuật ngữ cần giải thích là “người yêu cầu đăng ký” và nên bổ sung quy định về việc ai (bên nào) có quyền nộp đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Khoản 4 Điều 4: “Tài sản là động sản, bất động sản, quyền tài sản hoặc các quyền từ hợp đồng …”. Quy định này không hợp lý, bởi lẽ quyền tài sản cũng có thể là động sản hoặc là bất động sản. Các quyền từ hợp đồng cũng có thể là các quyền tài sản. Hơn thế nữa quy định này không phù hợp với khái niệm tài sản được quy định tại Điều 163 BLDS.

- Điều 5 – Giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Tên gọi của Điều này nên sửa thành “Thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm”, bởi lẽ nội dung của điều luật này chỉ quy định về thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký chứ không hề quy định về việc đăng ký có giá trị pháp lý như thế nào.

 - Khoản 1 Điều 5: Nên giải thích thế nào là “giá trị pháp lý đối với người thứ ba”. Trong thực tế từ khi ban hành Bộ luật dân sự 2005 và Luật sở hữu trí tuệ 2005 rất nhiều người đọc thắc mắc về vấn đề này.

- Điều 11, khoản 1: “Người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm phải nộp lệ phí đăng ký, trừ trường hợp yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm”. Đề nghị bỏ cụm từ “trừ trường hợp yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm”, vì không cần thiết và dễ làm hiểu nhầm sang nội dung khác.

-  Điều 12, khoản 1: Đề nghị bổ sung thêm trường hợp từ chối đăng ký khi “thông tin trong Đơn yêu cầu không đúng sự thật”.

- Điều 15: Đề nghị làm rõ thêm từ “giải quyết việc đăng ký” (Bao gồm những việc gì cụ thể? Có bao gồm việc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu không?)

- Điều 19 có nội dung không cần thiết. Nên ghép khoản 1 vào Điều nào đó và bỏ khoản 2, khoản 3.

- Điều 21 – Xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản. Nên bổ sung thêm quy định về việc trong từng giao dịch cụ thể bên nào có quyền nộp đơn xóa đăng ký giao dịch bảo đảm. B ởi vì không ph ả i trong mọi trường hợp cứ ai nộp đơn yêu cầu đăng ký thì người đó cũng đồng thời là người được yêu cầu xóa.

- Điều 22, khoản 2: Nên thông báo cho cả người yêu cầu cung cấp thông tin biết về việc sửa chữa sai sót.

- Điều 38, khoản 3: Đề nghị giải thích tại sao việc đăng ký thế chấp nhà ở, công trình xây dựng được liệt kê tại khoản 3 Điều 38 nhưng lại không được liệt kê tại khoản 1 Điều 3 Luật này. Phải chăng điều đó có nghĩa rằng việc đăng ký thế chấp nhà ở, công trình xây dựng là không bắt buộc?

- Điều 39: Lỗi kỹ thuật “đăng đăng”.

Các văn bản liên quan