Góp ý của Ths. Phan Phương Nam – Giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Tư 09:41 20-01-2010

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ

DỰ THẢO LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG

Ths. Phan Phương Nam – Giảng viên trường ĐHL Tp.HCM

                                                                                         

1.     Về đối tượng chịu thuế:

Có sự khác nhau khá rõ giữa dự thảo lần 2 và dự thảo lần 3 của Luật thuế môi trường. Nếu đối với dự thảo lần 2, các nhà xây dựng pháp luật rạ đưa ra rất nhiều hàng hóa là đối tượng chịu thuế thì trong dự thảo lần 3 này các đối tượng chịu thuế đã được giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, một câu hỏi mà tôi nghĩ rằng bất kỳ ai khi đọc dự thảo cũng đặt ra là tính độc hại và ảnh hưởng xấu của các hàng hóa này đối với môi trường như thế nào? Nên chăng, để thuyết phục hơn, nhà làm luật cần cung cấp thêm những luận cứ khoa học về mức độ tác hại của các hang hóa này như: số lượng chất thải thải ra môi trường hằng năm, hàm lượng các chất độc hại trong chất thải đó…

Một vấn đề nữa chúng ta cũng cần quan tâm là xuất phát điểm của việc ban hành Luật thuế môi trường nhằm làm gì? Theo gợi ý thảo luận thì việc ban hành Luật thuế môi trường là thật sự cần thiết vì chính sách bảo vệ môi trường hiện nay thông qua các biện pháp tài chính (như thuế TTĐB, thuế TNDN…) còn tản mạn, chưa tập trung; mới chỉ góp phần huy động một phần nhằm bù đắp, khắc phục những tổn hại về môi trường, chưa điều chỉnh rộng rãi đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng đối với các sản phẩm gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, chúng ta sẽ giải quyết mối quan hệ này như thế nào? Khi chúng ta ban hành Luật thuế môi trường thì chúng ta có bỏ những yếu tố mang tính điều tiết nhằm bảo vệ môi trường trong các sắc thuế trên hay không? Nếu chúng ta đưa ra được mục đích cụ thể sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định đối tượng chịu thuế của thuế môi trường. Ví dụ: xe ôtô, xe gắn máy…Ở một số quốc gia thì những hàng hóa này cũng được coi là đối tượng chịu thuế môi trường vì khi sử dụng các phương tiện này đã thải chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay ôtô đang là đối tượng chịu thuế của thuế TTĐB và chính trong thuế TTĐB cũng đang thể hiện chính sách bảo vệ môi trường thông qua qui định mức thuế suất khá cao đối với xe ôtô sử dụng nhiên liệu là xăng và mức thuế suất khá thấp đối với xe ô tô dùng các nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Do vậy, theo chúng tôi nếu chúng ta đã ban hành thuế môi trường và sử dụng nó như là một biện pháp tài chính chính nhằm bảo vệ môi trường thì chúng ta cần phải đưa thêm các phương tiện vào làm đối tượng chịu thuế môi trường để đảm bảo tính logic và hợp lý của nó.

2.     Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế:

Dự thảo Luật quy định 3 trường hợp không phải chịu thuế môi trường (đó là các hàng hóa không sử dụng, tiêu thụ trong nước nên không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tại Việt Nam ). Đây là ba trường hợp hợp lý và hoàn toàn đúng với yêu cầu đặt ra của Luật thuế môi trường là điều tiết vào hàng hóa gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Do vậy các trường hợp này không phải chịu điều chỉnh của Luật thuế môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng qui định trên chưa bao quát hết các trường hợp hàng hóa không được sử dụng ở Việt Nam. Bởi vì qui định này còn thiếu trường hợp “hàng hóa mược đường qua của khẩu, biên giới Việt Nam”. Rõ ràng, trong trường hợp này, hàng hóa mặc dù cũng có yếu tố độc hại và ảnh hưởng xấu đến môi trường nhưng chúng không được sử dụng và tiêu dung trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, trường hợp này về lý thuyết hoàn toàn giống trường hợp được nêu tại khoản 1 điều 5 dự thảo :” Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam cửa khẩu biên giới Việt Nam”. Cho nên, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung thêm trường hợp hàng mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Cho nên, chúng tôi kiến nghị khoản 1 điều 5 dự thảo cần được sửa đổi như sau:” Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam , hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ.

3.     Về người nộp thuế:

Trong phần này, chúng tôi xin đề cập đến hai vấn đề:

- Một là về thuật ngữ được sử dụng tại điều 4 dự thảo Luật thuế môi trường. Có thể nói rằng, từ khi Luật quản lý thuế ra đời và sử dụng thuật ngữ “người nộp thuế” đến nay tất cả các Luật thuế ra đời đều sử dụng thuật ngữ này khi đề cập đến chủ thể có nghĩa vụ phải nộp thuế cho nhà nước. Dự thảo Luật thuế môi trường cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tho quan điểm của chúng tôi, hình như có độ vênh nhất định trong cùng một thuật ngữ giữa luật nội dung và luật hình thức. Theo đó, nếu Luật quản lý thuế đưa ra thuật ngữ “người nộp thuế” nhằm xác định chủ thể nào nộp tiền thuế cho nhà nước. Theo dó, chủ thể nộp thuế này có thể xuất phát từ nghĩa vụ trực tiếp của họ về thuế (họ có hành vi sản xuất hang hóa, nhập khẩu hang hóa, kinh doanh dịch vụ, có thu nhập phát sinh…) hoặc họ thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho người khác (đại lý thuế, đại lý hải quan, tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế). Do vậy, người nộp thuế trong Luật quản lý thuế không phải lúc nào cũng là chủ thề có nghĩa vụ trực tiếp về thuế đối với nhà nước. Cho nên, có khi những người nộp thuế thay cho người khác và vi phạm nghĩa vụ thuế như chậm nộp tiền thuế, hồ sơ thuế…thì nhà nước sẽ xử lý chính người có nghĩa vụ trực tiếp về thuế chứ không thể xử lý người thực hiện thay nghĩa vụ về thuế. Trong khi đó, trong các luật thuế nội dung, thuật ngữ người nộp thuế là nhằm chỉ rõ người có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Nếu những chủ thể này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì họ phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý trước nhà nước. Chính vì vậy, cùng một thuật ngữ nhưng có chứa đựng nội hàm không trùng nhau. Chúng tôi kiến nghị rằng nên thay thuật ngữ “người nộp thuế” trong dự thảo Luật thuế môi trường thành “đối tượng nộp thuế” (một thuật ngữ được sử dụng trước đây trong các luật thuế) để tránh sự hiểu nhầm nó với thuật ngữ “người nộp thuế” trong Luật quản lý thuế.

- Hai là, trong điều 4 dự thảo Luật thuế môi trường có xác định rằng :”Người nộp thuế môi trường là tổ chức, cá nhân khai thác, sản xuất  hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế môi trường và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế môi trường qui định tại Điều 3 Luật này”. Ý định của những nhà soạn thảo là sẽ thu thuế đối với những chủ thể đầu tiên tạo ra các hàng hóa ảnh hưởng xấu đến môi trường. Qui định này là hay và dễ quản lý (đây là cách xác định cũng đã được sử dụng trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt). Tuy nhiên, theo chúng tôi qui định này còn chưa đầy đủ trong mọi trường hợp. Vì có những trường hợp nhà nước sẽ không thu thuế môi trường mặc dù hàng hóa này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường được sản xuất và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ: CTCP Thiên Ân sản xuất thuốc bảo quản lâm sản nhưng toàn bộ sản phẩm này được Thiên Ân bán cho CTCP Địa Ân để công ty Địa Ân xuất khẩu. Vậy, vận dụng khoản 3 điều 5 dự thảo thì thuốc bảo quản lâm sản này không phải chịu thuế môi trường. Tuy nhiên, sau đó công ty Địa Ân không xuất khẩu mà bán luôn sản phẩm đó tại Việt Nam. Lúc này, căn cứ điều 4 dự thảo Luật môi trường thì công ty Địa Ân không có nghĩa vụ nộp thuế môi trường mặc dù sản phẩm này đã được sử dụng và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam làm ảnh hưởng xấu đến môi trường Việt Nam. Do vậy, chúng tôi kiến nghị rằng cần bổ sung vào điều 4 dự thảo Luật thuế môi trường đoạn sau: “Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế môi trường của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là đối tượng nộp thuế môi trường”. Có qui định như vậy sẽ đảm bảo bao quát và điều tiết hết đối với mọi hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến môi trường Việt Nam và được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

4.      Về căn cứ tính thuế:

Dự thảo Luật thuế môi trường qui định thuế môi trường được tính theo mức thuế tuyệt đối nhằm tạo điều kiện cho việc tính thuế được đơn giản, minh bạch trong thực hiện, bảo đảm ổn định số thu ngân sách nhà nước (số thu ổn định không phụ thuộc vào sự biến động của giá hàng hoá). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này còn chưa hợp lý vì những lý do như sau:

- Thứ nhất, nếu chúng ta xác định thuế môi trường được tính theo mức thuế suất tương đối (tỷ lệ %) tức là lúc này số tiến thuế môi trường bằng số lượng hàng hóa nhân với giá tính thuế nhân với thuất suất (%). Cách tính này cũng không hề phức tạp. Bởi vì song hành với việc nộp thuế môi trường thì các chủ thể nộp thuế môi trường cũng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT mà các loại thuế này cũng đã đưa ra cách thức xác định giá tính thuế của các loại thuế đó. Do vậy, nếu cần thì có thể lấy giá tính thuế của các loại thuế nhập khẩu, thuế GTGT để tính cho thuế môi trường. Do vậy, việc xác định giá tính thuế của thuế này cũng khá đơn giản chứ không phải là quá phức tạp.

- Thứ hai, việc xác định mức thuế theo cách đề cập trên cũng có sự thuận lợi nhất định. Vì mặc dù qui định theo mức thuế tuyệt đối có đảm bảo sự ổn định cho nguồn thu NSNN. Nhưng với mức độ lạm phát hiện nay, đồng tiền bị mất giá khá nhiều. Do vậy, nếu chúng ta xác định mức thuế tuyệt đối thì số tiền thuế sẽ cố định trên một đơn vị tính thuế. Điều này làm cho số tiền thuế chúng ta thu được qua từng năm mặc dú ổn định nhưng sẽ giảm sức mua, giảm giá trị sử dụng khi giá cả leo thang. Vậy, mục đích đặt ra là thu thuế để nhằm khắc phục các thiệt hại do hành vi sử dụng các hàng hóa ảnh hưởng xấu đến môi trường liệu có đáp ứng. Có chăng, chúng ta sẽ phải thường xuyên điều chỉnh mức thuế tuyệt đối cho phù hợp với gia cả hiện tại. Trong khi đó, việc xác định thuế môi trường dựa trên mức thuế suất (%) sẽ đảm bảo được yếu tố này. Lúc đó chúng ta sẽ xác định mực tỷ lệ cụ thể trên giá của hàng hóa. Theo đó, khi giá cả lên cao thì số tiền thuế thu được cũng lên cao và có thể sửng dụng đê đáp ứng đầy đủ chi phí khắc phục hậu quả do hành vi sử dụng các sản phẩm độ hại gây ra.

Do vậy, chúng tôi đề nghị nên xây dựng luật thuế môi trường mà trong đó số tiền thuế môi trường cần được xác định theo mức thuế suất tương đối (%).

Các văn bản liên quan