Góp ý của PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn – Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP HCM
MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG
PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn
Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG
Có rất nhiều công cụ quản lý thường được dùng trong công tác quản lý môi trường và có thể được phân thành những nhóm theo những cách phân loại khác nhau. Hiện nay phổ biến là việc phân các công cụ quản lý môi trường thành các nhóm như sau:
- Nhóm công cụ luật pháp, chính sách: Các bộ luật về môi trường và bảo vệ TNTN, văn bản dưới luật của các ngành; tất cả các chính sách phát triển KT-XHcủa quốc gia…
- Nhóm công cụ kỹ thuật : Quan trắc môi trường, kiểm toán môi trường, quy hoạch môi trường, công nghệ xử lý chất thải…
- Nhóm công cụ kinh tế: Thuế môi trường, nhãn sinh thái, phí môi trường, quota phát thải, quĩ môi trường… nhằm đánh vào thu nhập bằng tiền của hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Nhóm công cụ hỗ trợ: GIS, mô hình hóa, giáo dục môi trường, thông tin môi trường…
Hiện nay ở Việt Nam nhóm công cụ kinh tế còn ít được sử dụng, mặc dù đây là nhóm công cụ cho phép nhà sản xuất, kinh doanh chủ động sử dụng các nguồn lực của mình để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Vì vậy việc ban hành thuế môi trường là cần thiết và cấp bách.
II. VỀ ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ VÀ MỨC THUẾ
Nguyên tắc của việc thu thuế hoặc phí môi trường là:
- Người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo nguyên tắc này việc xác định các đối tượng chịu thuế như đề cập trong dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên có thể mở rộng thêm một số đối tượng chịu thuế khác như thuốc lá, PCB… Người nộp thuế ngoài các tổ chức cá nhân khai thác, sản xuất có đề cập đến người sử dụng hay không?
- Mức thu căn cứ vào khối lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, mức độ độc hại đối với môi trường và khả năng chịu tải đối với môi trường. Đối chiếu với nguyên tắc này nhận thấy rằng nếu coi như khả năng chịu tải đối với môi trường là như nhau (Dù trong thực tế không khải như vậy) thì thuế suất đối với nhóm nhiên liệu chủ yếu phụ thuộc và mức độ độc hại đối với môi trường ở nhiều nước trên thế giới, chất ô nhiễm do đốt nhiên liệu sinh ra phải chịu thuế là SO2, do vậy thuế suất ít hay nhiều chủ yếu phụ thuộc vào hàm lượng lưu huỳnh (S). Tuy nhiên theo dự thảo mức thuế suất đối với nhiên liệu là cao nhất đối với xăng (hàm lượng lưu huỳnh gần như bằng không) và thấp nhất đối với dầu mazut (hàm lượng lưu huỳnh có thể tới 3%) là không hợp lý.
Ngoài ra mức thuế suất cần được tính toán có căn cứ khoa học để đạt được mục đích là một công cụ kinh tế thực sự tránh tình trạng như mức phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trong thời gian qua được qui định quá thấp khiến cho phí BVMT đối với nước thải không trở thành công cụ kinh tế như mong muốn.
III. MỘT VÀi Ý KIẾN KHÁC
Tuy dự thảo Luật thuế môi trường chưa qui định chi tiết, tuy nhiên với kinh nghiệm của người từng tham gia thực hiện việc thu phí BVMT đối với nước thải trong suốt 5 năm tại TP.HCM, cũng như đã tham gia góp ý cho các dự thảo văn bản về thu phí BVMT, xin lưu ý ban soạn thảo một số vấn đề sau:
Cách thức thu thuế và hoàn thuế (Trong trường hợp nhiên liệu được sử dụng trong công nghiệp, có hệ thống xử lý khí thải để xử lý khí thải đạt TCCP trước khi thải ra môi trường) cần đơn giản, dễ thực hiện tránh tình trạng tranh cãi giữa người phải nộp thuế và người thu thuế.
Bộ máy thực hiện việc thu thuế là cơ quan nào cũng cần cân nhắc kỹ vì mặc dù đây là một loại thuế nhưng do tính đặc thù của nó, đòi hỏi bộ phận thu thuế phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực môi trường./.