Góp ý của Ths. Nguyễn Văn Cương – Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp

Thứ Năm 16:12 12-10-2006

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (thay thế Nghị định số 43/2001/NĐ-CP)
 
                                                Ths. Nguyễn Văn Cương
                                      Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp
1. Sự cần thiết ban hành Nghị định
 
Sau gần 5 năm thực hiện, Nghị định số 43/2001/NĐ-CP của Chính phủ cùng với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực bảo hiểm đã góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định và vững chắc cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Trong đó phải kể đến các thành tựu mà Tờ trình Chính phủ đã nêu như: Thị trường đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, an toàn và ổn định (với 34 doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, thuộc các thành phần kinh tế, được cấp phép hoạt động, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn 2001 – 2005 đạt trên 32%/năm, tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm trên GDP đạt 2,03 % năm 2005, tương đương 1 tỷ USD, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế cũng tăng gấp 5 lần, từ 5.784 tỷ đồng năm 2001 lên đến 27.000 tỷ đồng năm 2005); Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm (Tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm (2001 -2005) đạt trên 12.300 tỷ đồng); Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (theo hướng hạn chế dần sự can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật); Chủ động hội nhập quốc tế (tiến gần đến các chuẩn mực và tập quán quốc tế tạo cơ sở pháp lý cho ngành bảo hiểm  chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế trên cả ba cấp độ cơ quan quản lý, hiệp hội bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm).
Tuy nhiên, đúng như Tờ trình của Bộ Tài chính đã nêu, việc triển khai các quy định trong Nghị định 43/2001/NĐ-CP cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong đó phải kể đến các khó khăn, vướng mắc như: công tác quản trị doanh nghiệp bảo hiểm còn nhiều bất cập, mức vốn pháp định như hiện nay vẫn thấp chưa tương xứng với mức độ rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm; Quy định hiện về biên khả năng thanh toán (biên khả năng thanh toán tối thiểu, các tài sản thực có của doanh nghiệp để đáp ứng khả năng thanh toán) chỉ phù hợp trong giai đoạn phát triển ban đầu của thị trường và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, các quy định về dự phòng nghiệp vụ, sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu, quản lý hoạt động đầu tư cần được chấn chỉnh theo hướng lành mạnh hoá, bảo đảm an toàn tài chính và tính minh bạch phục vụ cho mục tiêu quản lý, giám sát.
          Chính vì thế, việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2001/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, dỡ bỏ các yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm là cần thiết và hợp lý.
 
2. Nhận xét chung
 
a. Quan điểm tiếp cận
 
Về cơ bản, các quy định của Dự thảo Nghị định đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam hiện nay như:
- Xoá bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau; 
- Hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các quyết định của doanh nghiệp; tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; hạn chế việc tăng thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp, tăng chi phí đối với Nhà nước/ xã hội;
- Đổi mới chức năng quản lý nhà nước theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp là chính; không làm cản trở sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp;
Tuy nhiên, dự thảo cũng có một số quy định có thể có tác dụng tiêu cực tới môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay ở Việt Nam mà ở phần góp ý cụ thể chúng tôi sẽ phân tích chi tiết hơn.
 
b. Tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia
 
          Dự thảo Nghị định về cơ bản đảm bảo được yêu cầu về tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
 
c. 
Kỹ thuật lập pháp
 
Kỹ thuật lập pháp trong Dự thảo Nghị định có một số điểm cần hoàn thiện cụ thể như sau:
Khoản 4 Điều 5 có quy định “Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, có số vốn điều lệ  thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại Điều 4 Nghị định này thì trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải bổ sung đủ vốn điều lệ theo quy định”.
          Do lần sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2001/NĐ-CP này không có sự điều chỉnh trong yêu cầu về vốn pháp định đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm mà chỉ có sự điều chỉnh trong yêu cầu về vốn pháp định đối với doanh nghiệp bảo hiểm, nên quy định này không ảnh hưởng tới tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Nói cách khác, Khoản 4 Điều 5 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm. Chính vì vậy, Khoản 4 Điều 5 nên sửa lại là “Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, có số vốn điều lệ  thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại Điều 4 Nghị định này thì trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phải bổ sung đủ vốn điều lệ theo quy định”.
 
3. Những góp ý cụ thể:
 
3.1. Về việc tăng vốn pháp định
Trong bối cảnh hiện nay, nhằm bảo đảm an toàn tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh hội nhập, việc tăng vốn pháp định đối với các doanh nghiệp bảo hiểm là cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc tăng vốn pháp định cũng có mặt tiêu cực trong việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chưa có đủ tiềm lực. Quy định về tăng vốn pháp định sẽ ảnh hưởng trước hết tới quyền tự do kinh doanh của khu vực tư nhân, vốn là khu vực còn nhỏ bé trong nền kinh tế nhưng lại đang có sức vươn rất lớn. Chính vì thế, việc tăng vốn pháp định cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Chúng tôi cho rằng, việc tăng ngay lập tức mức vốn pháp định từ 70 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và từ 140 tỷ lên 400 tỷ đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (gấp gần 3 lần) sẽ loại trừ một số khá lớn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có ý định tham gia vào thị trường bảo hiểm – vốn là thị trường đang có nhiều triển vọng ở Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, để tiến hành các hoạt động bảo hiểm có độ rủi ro cao, những doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa kham nổi, các hình thức liên doanh, liên kết, đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm vẫn có thể cho phép các doanh nghiệp này tham gia bảo hiểm mà vẫn đảm bảo an toàn cho các giao dịch bảo hiểm. Do vậy, việc sử dụng cơ chế hành chính để loại trừ cơ hội đầu tư, kinh doanh, nhất là đối với khu vực tư nhân và khu vực các doanh nghiệp tiềm lực chưa mạnh hiện nay, chưa chắc đã là giải pháp có lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Chúng tôi cho rằng, Bộ Tài chính cần luận giải có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn nữa trong việc nâng mức vốn pháp định lên gấp gần 3 lần so với mức vốn hiện nay để vừa đảm bảo yêu cầu về an toàn trong hoạt động bảo hiểm lại vừa đảm bảo tối đa hóa các cơ hội đầu tư, kinh doanh, chia sẻ lợi ích của các nhà đầu tư, kinh doanh trên thị trường bảo hiểm.
 
3.2. Về thời điểm có hiệu lực của Nghị định
 
          Theo thông lệ, các quy định của Nghị định sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Tuy nhiên, việc Nghị định này quy định tất cả các nội dung của Nghị định đều phát sinh hiệu lực bắt buộc thực hiện kể từ 15 ngày sau ngày đăng công báo có thể lại không phù hợp. Chẳng hạn:
- Quy định tại Điều 35 về kiểm toán nội bộ: “Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải tổ chức kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo tính tuân thủ các quy định về tài chính của doanh nghiệp.
Đây là yêu cầu mới của Nghị định, trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu này, không phải doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nào cũng có thể đáp ứng ngay sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trên thực tế, để đảm bảo tuân thủ với quy định tại Điều 35 các doanh nghiệp phải có thời gian chuẩn bị, kiện toàn (chọn lựa nhân sự, tổ chức kiện toàn, thay đổi quy chế hoạt động).
Chính vì thế, để đảm bảo tính khả thi của Nghị định, đảm bảo cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hiện chưa tổ chức được hệ thống tổ chức kiểm toán nội bộ của mình theo đúng quy định của Nghị định, Nghị định cần quy định thời hạn tối đa mà các doanh nghiệp này phải tổ chức, kiện toàn hệ thống kiểm toán nội bộ (chẳng hạn, trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực).
- Quy định về Quỹ chủ hợp đồng và quỹ chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (Điều 23): “
1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tách và hạch toán riêng nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm (sau đây gọi tắt là quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm).
2. Tài sản của doanh nghiệp phải được ghi nhận tương ứng cho quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm và quỹ chủ sở hữu.
3. Mọi khoản thu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên quan tới các giao dịch kinh doanh của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm (bao gồm cả thu nhập từ hoạt động đầu tư tài sản của quỹ) phải được hạch toán cho quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Tài sản hình thành từ quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm chỉ được dùng để đáp ứng các trách nhiệm và chi phí liên quan tới các giao dịch kinh doanh của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm.”
 Quy định này của Nghị định là hoàn toàn phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua bảo hiểm nhân thọ, xác định rõ hơn trách nhiệm tài sản trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, đây là quy định mới trong Nghị định, việc triển khai thực hiện cũng cần có sự thay đổi trong các nghiệp vụ tài chính, kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Chính vì thế, để triển khai quy định này cũng cần có thời gian nhất định. Trong bối cảnh Nghị định này sẽ được sớm ban hành (trong năm 2006). Trong khi đó, năm tài chính 2006 sắp kết thúc. Do vậy, nên chăng quy định này chỉ nên được áp dụng từ năm tài chính 2007.
Trên đây là một số ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (thay thế Nghị định số 43/2001/NĐ-CP). Xin gửi Ban Soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc và tiếp thu.

Các văn bản liên quan