Góp ý của PGS.TS Luật học Phạm Hữu Nghị – Viện Nhà nước pháp luật

Thứ Sáu 14:33 20-07-2007

DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG, BÌNH ĐẲNG, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN VÀ TÍNH KHẢ THI

                                                                          Phạm Hữu Nghị *


1. DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG, BÌNH ĐẲNG VÀ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN

Công bằng là nguyên tắc quan trọng cần được thể hiện trong toàn bộ chính sách và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trong pháp luật về thuế thu nhập cá nhân công bằng được hiểu ở hai góc độ: thứ nhất, chủ thể có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập, chủ thể có thu nhập như nhau phải nộp thuế như nhau (công bằng theo chiều ngang); thứ hai, chủ thể có thu nhập cao phải nộp thuế nhiều, còn chủ thể có thu nhập thấp thì nộp thuế ít (công bằng theo chiều dọc). Ở đây cần lưu ý một điều là chúng ta đang xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân chứ không phải là Luật thuế thu nhập cao. Do vậy, về nguyên tắc, tất cả những người có thu nhập đều phải nộp thuế không có ngoại trừ và mức khởi điểm để tính thuế thu nhập cá nhân phải là từ 0 đồng. *

Ở một cách tiếp cận khác, chúng ta cần xem xét việc bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa cá nhân và Nhà nước thông qua thuế thu nhập cá nhân. Nhà nước với tư cách là tổ chức quyền lực công không thể tồn tại nếu không có nguồn tài chính chủ yếu do cá nhân và tổ chức đóng góp thông qua thuế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có thể nói, người dân nói chung chưa có thói quen nộp thuế. Tình trạng trốn thuế, gian lận thuế còn khá phổ biến. Ở đâu đó, giữa bạn bè với nhau, những người trốn thuế còn được “ca ngợi” là những người khôn ngoan, tài giỏi, tháo vát.  Trong một Nhà nước pháp quyền chúng ta không thể để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Thiết nghĩ nhân dịp toàn dân đang thảo luận về Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng quan điểm: Cần xây dựng nguyên tắc công bằng và bình đẳng trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Công dân có nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước và ngược lại Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Với tư cách là một công dân luôn thực hiện tốt  nghĩa vụ nộp thuế, tôi hoàn toàn có quyền đòi hỏi Nhà nước của tôi phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo đảm an toàn, an ninh và các quyền công dân, quyền con người cho tôi. Tôi hoàn toàn có quyền đòi hỏi Nhà nước của dân, do dân và vì dân phải có sự đối xử công bằng, bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân; đòi hỏi Nhà nước trừng trị những kẻ cố tình trốn thuế, gian lận thuế. Một khi người dân nhận thấy mình được Nhà nước, được xã hội thực sự tôn trọng, bảo vệ mình; nhận thấy các khoản nộp thuế của họ quay lại phục vụ cuộc sống của họ như nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng giao thông, chất lượng quản lý vệ sinh thực phẩm, v.v. thì có lẽ họ sẽ không trốn thuế. Những nhận thức mới đó sẽ tạo ra một tâm lý xã hội, dư luận xã hội lên án, căm ghét kẻ trốn thuế; tôn trọng, coi trọng người đóng thuế. Muốn tạo ra được một tâm lý, một dư luận xã hội như thế cần xây dựng được một Luật Thuế thu nhập cá nhân hợp lý, công bằng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, có lẽ chỉ nên quy định một thuế suất duy nhất (thí dụ: 3% hay 5%) mà không đánh theo lũy tiến đối với các khoản thu nhập từ lao động. Thiết kế các điều luật theo hướng để mọi người dân tự nguyện, tự giác đóng thuế thu nhập, ngăn ngừa tình trạng trốn tránh, gian lận thuế chính là bảo đảm được sự côngbằng, bình đẳng trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam.

Bên cạnh bảo đảm tính công bằng, pháp luật thuế thu nhập cá nhân cần khuyến khích sự phát triển: phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển toàn diện của các cá nhân. Chúng ta không thể ban hành một đạo luật thuế có tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, của các cá nhân.Việc tiến hành cải cách chính sách thuế có mục đích là nhằm bảo đảm sự công bằng, đồng thời tách bạch giữa thu thuế và các chính sách xã hội và không để chính sách thuế gây ra các cản trở sự phát triển của quốc gia, xã hội và cá nhân.

Chúng ta sẽ xem xét một số quy định của Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân xem đã bảo đảm được yêu cầu khuyến khích phát triển hay chưa.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (Điều 20) đưa ra Biểu thuế luỹ tiến từng phần như sau:


 

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm

(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216 

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384 

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

     


Nhìn từ góc độ bảo đảm sự phát triển, có thế thấy phương án đánh thuế luỹ tiến với mức cao nhất là 35% là quá cao. Nếu so sánh với một số nước có trình độ phát triển cao hơn nước ta thì dự thảo đang đưa ra mức thuế suất cao hơn: Hàn Quốc và Mexico (dưới 20%), Singapore (20%), New Zeland, Nhật, Mỹ, Thuỵ Sĩ (dưới 30%), Canada và Vương quốc Anh dưới 35%. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, khuyến khích làm giàu chính đáng mà lại dự kiến đưa ra mức thuế suất cao 30-35% thì không thể khuyến khích người có tài, không thể khuyến khích những người có chí làm giầu.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần xem xét lại Biểu thuế toàn phần (quy định ở Điều 21):


  Loại thu nhập chịu thuế

Thuế suất (%)

1. Thu nhập từ đầu tư vốn

5

2. Thu nhập từ tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ vượt trên 10 triệu đồng/lần phát sinh thu nhập

 

5

3. Thu nhập từ trúng thưởng xổ số, trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại, trò chơi có thưởng vượt trên 10 triệu đồng/giải thưởng

10

4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng/lần phát sinh thu nhập

10

5. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản

25

6. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn

25


Theo chúng tôi, thuế suất 25% đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng bất động sản cũng là quá cao. Việc chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng bất động sản là những giao dịch bình thường trong đời sống kinh tế - xã hội và trong điều kiện kinh tế thị trường rất cần được khuyến khích. Nhà nước cần tạo mọi điều kiện cho các giao dịch này được thực hiện một cách thuận lợi, hợp pháp, trong đó mức thuế suất có vai trò quan trọng. Do vậy, nên hạ mức thuế suất đối với thu nhập có được từ hai loại giao dịch này xuống 10% hay 15%. Còn  mức 5% đối với thu nhập từ đầu tư vốn, theo chúng tôi, là vừa phải.

2. DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI

Mọi người chúng ta đều nhận thức được rằng, một đạo luật nói chung và một đạo luật thuế nói riêng ban hành ra mà lại không khả thi thì nó sẽ gây tác hại nhiều hơn lợi ích. Có thể khẳng định rằng: Luật càng đơn giản, càng rõ ràng, càng ít ngoại lệ bao nhiêu thì càng dễ áp dụng, dễ kiểm tra, giám sát bấy nhiêu. Tức là nó có tính khả thi càng cao hơn.

Tất nhiên tính khả thi còn phụ thuộc vào trình độ của cơ quan thuế, cán bộ thuế, vào hiểu biết của người dân. Do vậy, cần tìm ra phương án có hiệu quả hơn trong các phương án khi thiết kế các quy định của Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Hiệu quả ở đây được đo bằng những chi phí mà Nhà nước, xã hội và người dân phải bỏ ra để thực thi luật thuế ấy. Thí dụ, chi phí thu thuế, chi phí kiểm tra, thanh tra, giám sát; chi phí của từng người đóng thuế và các chi phí khác...

Xem xét Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân từ yêu cầu của tính khả thi, chúng tôi thấy:

Thứ nhất, Dự thảo Luật đưa ra quá nhiều khoản thu nhập không chịu thuế (24 khoản theo Điều 5). Cách quy định của dự thảo có lẽ nên xem xét lại xem đã hợp lý hay chưa: tại sao lại vừa quy định các khoản thu nhập không chịu thuế vừa quy định các khoản thu nhập chịu thuế. Theo chúng tôi, cần phân loại các nguồn thu nhập để từ đó quy định về thu nhập chịu thuế[1]. 

Thứ hai, Dự thảo phân chia ra quá nhiều mức thuế suất trong biểu thuế lũy tiến từng phần (theo Điều 20 có tới 7 bậc thuế và 7 mức thuế suất). Việc phân các mức thuế suất như trên chỉ phù hợp với các quốc gia đã có nền kinh tế phát triển và việc quản lý thuế đã đi vào nền nếp.

Thứ ba, các quy định về khoản giảm trừ[2] gia cảnh (Điều 18) chưa được quy định rõ ràng, minh bạch nên trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có thể phát sinh nhiều tiêu cực.

Hiện nay ở Việt Nam có một tình trạng là: các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nắm được thu nhập thực của người dân. Và do không nắm được thu nhập thực của các cá nhân mà cứ muốn thu thì rất khó thu được nhiều. Vì vậy, theo chúng tôi, một trong những việc quan trọng mà những người soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân nên làm là hạ mức thuế xuống và đơn giản trong các quy định chứ không phải là làm theo cách ngược lại để ai nấy đều được đóng thuế. Nếu người ta thấy mức thuế không quá cao, thủ tục kê khai, nộp thuế lại đơn giản, gọn nhẹ thì họ sẽ tự nguyện đóng thay vì trốn lậu thuế. Do thu được từ nhiều người hơn nên Nhà nước sẽ có được số thu cao hơn. Và khi đó các khẩu hiệu mà chúng ta treo lên ở khắp các nẻo đường đất nước: Nộp thuế là nghĩa vụ, quyền lợi, vinh dự của mọi công  dân, tổ chức  mới trở thành hiện thực.       

 



* PGS, TS Luật học, Viện Nhà nước và Pháp luật

[1] Về vấn đề này xin xem thêm: Nguyễn Như Phát, Góp ý kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7/2007, tr.... tr......

[2] Cần cân nhắc dùng từ giảm trừ hay dùng từ khấu trừ.

Các văn bản liên quan