Góp ý của HH bảo hiểm Việt Nam

Thứ Sáu 14:35 20-07-2007
  Hà Nội ngày 20 tháng 7 năm 2007
  Số:     043/HHBH/2007
V/v: Góp ý kiến dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân
 
 
Kính gửi:         PHÒNG THƯƠNG MẠI CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
 
 
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xin đóng góp vào Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân như sau:
 
1)     Điều 4: Đối tượng chịu thuế khoản 4 quy định: lãi trái phiếu, tín phiếu thuộc đối tượng chịu thuế trong khi đó điều 5 khoản 13 quy định lãi trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, trái phiếu kho bạc không thuộc đối tượng chịu thuế. Vấn đề này tạo ra sự bất bình đẳng cho nhà đầu tư vào 2 lĩnh vực trái phiếu tín phiếu Chính phủ và kho bạc với trái phiếu tín phiếu của các tổ chức còn lại. Vì vậy, để đảm bảo công bằng thì nếu lãi trái phiếu tín phiếu Chính phủ và kho bạc không chịu thuế thì lãi trái phiếu tín phiếu của các tổ chức còn lại chỉ đánh thuế phần chênh lệch giữa lãi trái phiếu tín phiếu của các tổ chức này so với lãi trái phiếu tín phiếu của Chính phủ và Kho bạc với cùng một thời gian đầu tư hoặc tương đương.
 
2)     Điều 8: Kỳ tính thuế đối với thu nhập từ lãi cho vay, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu, tín phiếu, ... lãi tính theo từng lần phát sinh sẽ có những bất cập sau:

-         Nhà đâu tư trái phiếu, tín phiếu, cho vay (thu lãi trả sau), mua BH nhân thọ càng dài thì thu lãi càng lớn và phải nộp thuế thu nhập càng cao.

-         Nếu đem chia số lãi thu được của các thời gian đầu tư dài hạn nói trên thì số tiền lãi thu được hàng tháng sẽ dưới 5 triệu đồng/tháng dưới mức lãi tiết kiệm thu được hàng tháng được miễn thuế và thậm chí nếu cộng cả thu nhập khác trong một năm dưới mức 5 triệu để đánh thuế.

-         Số lãi thu được do đầu tư dài hạn, nếu so với hệ số trượt giá, lạm phát của từng năm đã qua sẽ không được hơn là bao, ví dụ một người đầu tư trái phiếu 5 năm với số tiền 100 triệu lãi 8%/năm, sau 5 năm họ thu được lãi 40 triệu đồng, song thực tế tổng thu được 140 triệu đồng chưa chắc đã mua được một lượng tài sản, hàng hoá, vàng, đô la Mỹ bằng 100 triệu bỏ ra mua 5 năm trước đây. Điều này đã được các nhà kinh tế học đưa ra công thức tính giá trị hoàn nguyên NPV chứng minh thực lãi đầu tư dài hạn phải trừ đi hệ số lạm phát trượt giá.
 
3)     Điều 21: Biểu thuế toàn phần quy định lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm) thuế suất là 5% có nghĩa là dưới mức này thuế suất sẽ là 0%. Vậy để công bằng và bình đẳng thì các loại thu nhập từ đầu tư dài hạn đều được chia bình quân theo tháng hoặc năm nếu trên mức 5 triệu đồng/tháng hoặc 60 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế suất 5%.
 
4)     Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vừa mang tính chất bảo hiểm cho những rủi ro sự kiện bất ngờ xảy ra vừa mang tính tiết kiệm hoàn trả cả gốc và một phần lãi (thường nhỏ hơn lãi suất tiết kiệm vì phải gánh chịu xác suất bồi thường cho những rủi ro sự kiện bất ngờ xảy ra). Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có thời gian dài 5 năm, 10 năm, 20 năm ... là nguồn thu hút vốn trung và dài hạn đầu tư vào nền kinh tế xã hội. Chính phủ các nước coi trọng kênh thu hút nguồn vốn này và có nhiều ưu ái với người tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vì vậy, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị không đánh thuế thu nhập đối với lãi thu được từ bảo hiểm nhân thọ do số lãi này được dồn tích từ nhiều năm và nếu chia ra chắc chắn sẽ thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm (vì còn một phần gánh chịu rủi ro bảo hiểm)
 
5)     Trước mắt nền kinh tế Việt Nam đang ổn định song hệ số trượt giá, lạm phát hàng năm còn cao ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư dài hạn (trong đó có bảo hiểm nhân thọ). Trong khi đó chúng ta rất cần vốn đầu tư trung và dài hạn tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nước nhà bằng chính nguồn nội lực này. Một trong những chính sách đó là không thu thuế thu nhập từ các đầu tư trung dài hạn đối với trường hợp nhận lãi sau.
 
6)     Cuối cùng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hoan nghênh chủ trương ban hành luật thuế TNCN. Mỗi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ đóng thuế để phát triển đất nước và nuôi bộ máy nhà nước. Cơ quan thuế cần tuyên truyền thêm ý nghĩa các công chức viên chức nhà nước, được hưởng lương từ thuế của dân và doanh nghiệp đóng góp. Từ đó các công chức viên chức nhà nước mới thấy hết trách nhiệm nghĩa vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm sao dân càng giàu lên, doanh nghiệp càng mạnh lên để đóng thuế nhiều hơn đem lại nguồn thu tăng lương cho công chức viên chức.
 
Ngoài ra chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến đối với Luật thuế thu nhập cá nhân áp dụng với các đối tượng khác như sau:

-       Thu nhập của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải nộp thuế thu nhập cá nhân vì thu nhập này đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 28%,

-       Thu nhập của người hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí mất sức lao động không phải nộp thuế thu nhập cá nhân vì trước đó họ đã bỏ tiền từ thu nhập của đã nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc được miễn thuế để đóng bảo hiểm,

-       Thu nhập từ xổ số  không phải nộp thuế thu nhập cá nhân vì trước hết người mua xổ số bằng tiền từ thu nhập đã chịu thuế hoặc miễn thuế thu nhập cá nhân, thứ hai là không ai mua 1 vé số là đã trúng thưởng ngay, họ phải mất rất nhiều tiền mua sổ số mới có thể trúng thưởng, thậm chí số tiền trúng thưởng chưa chắc đã bù đắp được số tiền đã bỏ ra mua xổ số,

-       Thu nhập chuyển nhượng bất động sản không áp dụng với trường hợp người bán bất động sản có giá trị nhỏ hơn để mua một bất động sản lớn cho mục đích sử dụng của mình (nhà ở, văn phòng, nhà xưởng, máy móc thiết bị) và người buộc phải bán tài sản thanh toán trong tình trạng giải thể, phá sản, thực hiện quyết định của tòa án

-       Nếu đánh thuế thu nhập chuyển nhượng vốn (chứng khoán), chuyển nhượng bất động sản, mua bán doanh nghiệp thì phải có chiết trừ những lần người có thu nhập này đã bị thua lỗ trong các lần trước đây với các giao dịch cùng loại (kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản, mua bán doanh nghiệp)

-       Mức thu nhập chịu thuế và chiết trừ gia cảnh cần tính đến hệ số khu vực (như dự thảo chế độ lương mới) và hệ số trượt giá hàng năm do cơ quan có thẩm quyền hoặc chính phủ công bố
 
Xin gửi Quý Cơ quan lời chào trân trọng! 
 
 
Nơi nhận:
-         Như trên,
-         L­ưu VT.
 

Hiệp hội bảo hiểm VN

Tổng thư ký 
  
  
 Phùng Đắc Lộc


Các văn bản liên quan