Góp ý của ông Trần Thế Vượng – Trưởng Ban Dân nguyện
Trước hết, sau khi nghe đọc báo cáo
của 2 cơ quan là Ủy ban thẩm tra và Ban soạn thảo tôi thấy có thể nói làm rất
công phu, viết cũng rất rõ ràng, lý lẽ. Cho nên nhiều nội dung trong này tôi
tán thành. Đồng thời cũng phải làm rõ thêm một số vấn đề. Ví dụ, những lý lẽ
bây giờ cũng phải thận trọng, bây giờ nhiều cái khó, nhiều cái phức tạp đặt ra
nhưng chính sách gì mới thì cũng phải tập dượt, tôi sợ lý lẽ này ra cũng gặp
phức tạp. Bởi vì ta lần nào cũng nói rằng cái gì rõ, cái gì thực tế đã kiểm
nghiệm thấy ổn định thì đưa vào luật, còn cái gì chưa thì lại giao cho Chính
phủ ban hành văn bản dưới luật thực hiện một thời gian thấy tốt thì ta đưa vào
luật. Tôi theo dõi từ nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này tôi thấy các đồng chí
điều hành thường đặt vấn đề như vậy. Bây giờ mình nêu ra một loạt những khó
khăn, phức tạp, song mình bảo chính sách nào cũng phải tập dượt, mới là phải
tập dượt, nhưng không ai tập dượt bằng luật cả. Tôi xin thưa với các đồng chí
như vậy, không ai lại ban hành một luật để tập dượt cả, đó là việc mình phải
tính nếu không chính chúng ta sẽ gặp khó khăn với đại biểu. Nói như vậy không
phải tôi không đồng tình, nhưng ý muốn nói là phải tính lại lý lẽ xem như thế
nào.
Đi vào những việc trong này, những
vấn đề cụ thể, vấn đề đồng chí Phó Chủ tịch gợi ý thì bây giờ đối tượng chịu
thuế mà ta tính. Cụ thể là bây giờ nói phương án 1 và phương án 2 là đánh thuế
từ nhà thứ hai trở đi hay theo giá trị nhà? Tôi tán thành ý kiến của anh Tuyên,
nếu nói về lý lẽ, về khoa học, đây thực ra là thuế tài sản, thuế nhà đất là
thuế tài sản, bởi vì nó là nhà, đất, là bất động sản, là tài sản, đã là đánh
thuế vào tài sản thì căn cứ vào tài sản, cái gì rồi cũng phải quy ra tiền, đã
là tài sản thì du thuyền hay ôtô, nhà hay đất thì cái gì cũng phải quy ra tiền,
đó mới gọi là thuế tài sản được. Cho nên về nguyên tắc phải tính giá trị nhà và
đất thì mới gọi là thuế tài sản, bây giờ trên thực tế chúng ta cũng đang thực
hiện như vậy, nhưng nếu như thế thì cực kỳ khó. Về nguyên tắc khoa học là đúng
như thế nhưng khi làm lại rất khó, khó cũng phải làm, nhưng làm không nổi, bây
giờ gánh được 50kg nhưng cứ đưa lên vai 1 tạ thì chịu.
Chính anh Thuận cũng nêu ra rất
nhiều điểm khó, tôi nói ví dụ bây giờ giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh định giá
nhưng đúng như các anh nói trong Hiến pháp thì nói theo giá thị trường. Vừa rồi
chúng ta cũng chết dở trong chuyện đền bù giá, giá quy định từ đầu năm nhưng
một quý sau giá đất đã khác rồi, người ta không đồng tình, người ta phản đối.
Ta nói là giá do tỉnh quy định nhưng quy định lúc nào mà giá nhà biến đổi
thường xuyên, giá đôla, giá vàng, giá nhà là có liên quan mật thiết với nhau
nên bây giờ có sàn giao dịch bất động sản là vì vậy. Ông định trong đầu năm giá
nhà này của tôi 1 tỷ nhưng đất đóng băng đến khi ông thu thuế cuối năm nhà chỉ
còn 700 triệu, ông bảo Uỷ ban nhân dân tỉnh đã định giá 1 tỷ tôi cứ 1 tỷ tôi
thu thì dân có chịu không, ngược lại bây giờ anh định ra là 1 tỷ nhưng sau đó
giá đất lên thì như thế nào, thứ ba là đồng tiền mất giá, chuyện này là bình
thường.
Thưa các đồng chí, cái nhà này năm
nay 10 tỷ, cách đây hơn 1 năm có khi chỉ 4-5 tỷ, bây giờ anh định thế nào để
anh tính giá, còn một loạt chuyện như anh Thuận nói nữa cơ. Bây giờ anh bảo anh
lấy đơn giá xây dựng anh tính, đơn giá xây dựng có khi cũng 1 triệu xây dựng
nhưng cái triệu đó xây dựng cái nhà mặt phố thì cái nhà đó giá trị nó khác,
nhưng cũng một triệu đồng đó anh xây đằng sau cái nhà kia. Tôi ví dụ 3 triệu
đồng 1 m2 chỉ cái nhà đằng trước với nhà đằng sau thôi, nếu anh nhà mặt phố,
tôi bỏ ra 3 triệu xây nhà mặt phố nhưng giá trị nhà đó có thể gấp 3 lần nhà
đằng sau, mặc dù anh cũng phải xây dựng mất 3 triệu đồng 1 m2, giá nguyên vật
liệu anh mua ở Hà Nội thì người ta có phân biệt là tôi bán sắt này để anh xây
nhà mặt phố thì giá cao đâu, cũng thế cả thôi, nó rất khó chứ chưa cần nói ở
địa phương này với địa phương khác ngay ở mặt phố và sau phố đã khác nhau rồi.
Như anh Thuận nói sao lại đi tính tầng mà không tính vị trí, nên để muốn chứng
minh rằng việc nếu anh tính giá trị nhà thì rất đúng nhưng mà cái khó, khó đến
mức không làm được. Đành phải chấp nhận nhưng chấp nhận phương án từ nhà thứ
hai trở đi thì thực ra cũng vô cùng bất hợp lý, bất hợp lý là nhà thứ hai nhưng
nhà thì các cụ nói là "cá kể đầu rau kể mớ", ông có hàng chục nhà
cũng không bằng tôi có một cái, nó khổ thế, lắt nhắt, cũng như Quốc hội là 54,
56 Nguyễn Văn Trỗi, trong khi đó tôi chỉ có mỗi 37 Hùng Vương, mình lại cứ đến
xin năn nỉ thương lượng mãi cho một nửa. Cho nên cũng rất khó, chưa kể cái thứ
hai nó cũng có cái khổ thế này, ta trong này cũng bàn: nhà có ở nhiều địa
phương, bây giờ bảo đánh từ cái thứ hai trở đi, bây giờ Bắc - Trung - Nam có 3
cái, một cái Hà Nội, một cái Đà Nẵng, một cái Sài Gòn nhưng thuế thì lại là của
địa phương, ở thì ở Hà Nội lại không cho anh Hà Nội thu thuế mặc dù mình sống ở
đây, ăn ở, giao thông, chữa bệnh đủ thứ lại không cho nó thu thuế song lại đi
khai thu thuế ở Đà Nẵng thi thoảng bay vào tí cho vui thôi. Cho nên là cũng khó
mà thuế là của địa phương như chúng ta khẳng định trong này là thuế của địa
phương chứ không phải thuế là của Trung ương, thế thì nó cũng sẽ phát sinh mà
chúng ta đã bị rồi, vừa rồi chúng ta phải sửa luật. Công ty anh đóng ở Hà Nội,
anh đăng ký Hà Nội nhưng nhà máy của anh lại ở Ninh Bình thì cứ anh Hà Nội là
thu thuế nhưng anh Ninh Bình chẳng được cái gì mặc dù là khói bụi Ninh Bình
chịu, vì vậy chúng ta lại phải tính anh này thu một phần, anh Ninh Bình thu một
phần vì thực tế của chúng ta nó là như vậy, tôi nói ngay các cơ quan Nhà nước,
các địa phương về mặt thu thuế, nếu rơi vào những trường hợp mà như chúng ta
nói ở đây nhà ở nhiều địa phương là ai thu thuế cũng thành vấn đề, tôi báo cáo
với anh Vũ Văn Ninh như vậy, vì nó liên quan đến ngân sách của mỗi địa phương
chứ không phải là chuyện bình thường.
Tôi nói như vậy để thấy rằng cả hai
phương án cái nào nó cũng có những cái mặt thuận nhưng cũng có mặt khó, bây giờ
chỉ có mỗi cách là chọn cái nào nó ít khó hơn một chút thôi, chứ còn tôi nói cả
hai phương án nó đều có những khó khăn phức tạp của nó. Cho nên nếu quyết định
luật này vẫn phải ban hành thì tôi thấy nghiêng vào phương án thôi thì cũng
đành chấp nhận cái nhà thứ hai thôi. Còn giữa các địa phương các anh phải
thương lượng với nhau, không tỉnh này thì tỉnh khác thu, nhưng rõ ràng cũng bất
hợp lý. Từ cái này tôi suy nghĩ một điều là tôi đang lo tình hình khi mà ban
hành xong triển khai thực hiện cái này sẽ phát sinh rất nhiều khiếu nại, loại
như thế này là sẽ phát sinh nhiều khiếu nại mà khiếu nại này không phải chỉ
liên quan đến thuế đâu: diện tích, loại nhà vì các anh định giá tôi không kiện
về thuế, tôi kiện về chuyện các anh định giá nhà tôi không đúng, tôi kiện về
chuyện các anh xác định diện tích nhà tôi không đúng. Cho nên tôi đang lo không
biết luật này thì có một chương gì về giải quyết khiếu nại hay không. còn tôi
chắc chắn loại quy định như thế này là sẽ rất nhiều khiếu nại.
Một điểm nữa ở đây, ví dụ bây giờ ta
nói vấn đề đất lấn chiếm, đúng là bây giờ nói đơn giản nếu anh thu thuế của
diện tích lấn chiếm thì vô hình chung anh hợp thức hóa hành vi lấn chiếm vi
phạm pháp luật. Nhưng nói thực các đồng chí bây giờ không thu cũng có bất hợp
lý chứ không phải không, rõ ràng 27A Trần Hưng Đạo tôi thấy có căn hộ trên tầng
ba bán lúc đầu có mấy trăm triệu, anh nào mua được về nới thêm ra một tý thì
lại bán được thêm mấy trăm triệu, rồi đến anh thứ ba lại nới ra một ít nữa, thế
bây giờ ai làm gì, ai đến đập phá? bây giờ ta bảo đây là một kiến nghị các cơ
quan chức năng là phải xử lý nghiêm minh là phải đập đi. Có ai dám làm việc đấy
không, đồng chí Bộ trưởng Bộ xây dựng xem có ai làm được việc đó không, cho nên
cũng có cái bất hợp lý của nó, cho nên hai nhà ở liền nhau một anh nới rộng ra
được cũng chẳng đập mà lại bảo không thu thuế còn anh kia thì như vậy tôi thấy
nó cũng sẽ có cái khó. Ở đây có một khái niệm nữa đất nhà là chưa cấp giấy thì
thế nào, khái niệm chưa cấp giấy tôi thấy trong luật cũng chưa làm rõ thế nào
là chưa. Tôi nói thực tế nước ta có những cái gần như không chứ không phải là
chưa, chứ còn chưa nó có rất nhiều mức, nhiều năm nay không ai động đến cũng có
thể là bây giờ tôi đang làm thủ tục mua bán nhưng bây giờ chưa cấp giấy được ví
dụ thế. Thì cái đó tôi cũng rất sợ và trong luật cái khái niệm "chưa"
là nó không rõ lắm.
Một chuyện nữa là thuê mà chỗ này
theo tôi cũng phải thảo luận và làm rõ bây giờ cái đất mà Nhà nước cho nhà đầu
tư thuê để kinh doanh thì anh bảo cái nhà đó, cái người đó phải đóng thuế, về
mặt lý là cũng có vấn đề vì đây là thuế tài sản. Mà đã là tài sản là phải thuộc
sở hữu của tôi, cái gì không thuộc sở hữu của tôi không phải là tài sản của
tôi. Vô hình chung trong luật này lại nói rằng đất đai mà tôi đang đi thuê của
người khác lại là tài sản của tôi thì cũng là thành vấn đề. Mà không phải là
tài sản của tôi tại sao anh lại đánh thuế tôi, ông chủ sở hữu là người phải nộp
thuế. Tại sao người đi thuê lại phải nộp vì nó liên quan đến chuyện nó không
đơn giản, vì tôi có nhà tôi cho anh Thuận thuê tôi phải nộp thuế chứ. Vậy tôi
là tư nhân tôi có nhà tôi cho thuê còn Nhà nước các anh có đất các anh cho
người khác thuê thì anh lại bắt người thuê phải nộp thuế thì không đúng và
không bình đẳng. Nhà nước cũng như tôi cũng là một chủ thể, cũng là chủ sở hữu,
tôi cũng là chủ sở hữu tại sao tôi có đất tôi cho thuê thì tôi phải nộp thuế
còn Nhà nước có đất cho thuê lại bắt người thuê nộp thuế. Mà bản chất cái thuế
ở đây là thuế tài sản, đã là tài sản thì phải thuộc sở hữu của mình, cái gì
không thuộc sở hữu của mình thì không phải là tài sản của mình, đi mượn, đi
thuê, đi ở nhờ thì đâu phải là tài sản của mình. Tôi thấy chuyện đó cần được
thảo luận và làm rõ thêm, quy định như thế này chưa chắc đã ổn. Xin hết.