Góp ý của ông Nguyễn Tử Cương – Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam

Thứ Sáu 09:19 11-09-2009

BÁO CÁO THAM LUẬN

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM

(Tại hội thảo do VCCI  tổ chức ngày 10/9/2009)

 

Nguyễn Tử Cương

Uỷ viên BCH Hội Nghề Cá Việt Nam

Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Thuỷ sản Việt Nam

Tel: 04.37711715 - 0903421228

Email: fitesvietnam@gmail.com

Với mong muốn góp phần vào việc xây dựng Luật An toàn thực phẩm của Việt Nam, tương đương với Hiệp định SPS của WTO, và đạt hiệu quả cao trong ứng dụng thực tế, tôi xin tham luận về 3 vấn đề dưới đây:

1. Tổ chức, phân công trách nhiệm quản lý giữa các Bộ hữu quan của một số nước trên thế giới trong quản lý thực phẩm; Đề xuất giải pháp về mô hình tổ chức quản lý, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về thực phẩm ở Việt Nam.

1.1. Phân công trách nhiệm giữa các Bộ, của một số quốc gia trên Thế giới:

            Khi xem xét phân công trách nhiệm giữa các Bộ trong quản lý thực phẩm nói chung, an toàn thực phẩm nói riêng, các nước trên Thế giới căn cứ vào:

a. Chức năng của Bộ đối với vấn đề an toàn thực phẩm, theo đó chia thành 2 nhóm:

- Nhóm 1: Các Bộ có chức năng sản xuất: Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ sản...(ở Việt Nam là Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Công Thương)

- Nhóm 2: Bộ Y tế/Bộ Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, có chức năng bảo vệ sức khoẻ nhân dân (nước sở tại) trước nguy cơ bệnh tật lây nhiễm qua đường thực phẩm.

b. Quan điểm quản lý an toàn thực phẩm của WTO và các nước trên thế giới là:

            Nhận diện mối nguy (vật lý, hoá học, sinh học) gây mất an toàn đối với sức khoẻ con người, và kiểm soát mối nguy quan trọng nhất (còn gọi là phương pháp quản lý theo quan điểm HACCP).

            Quan điểm HACCP được áp dụng nhất quán và xuyên suốt quá trình sản xuất, kể từ khâu làm đất, chuẩn bị chuồng trại (đối với động, thực vật trên cạn); chuẩn bị ao đầm (đối với động, thực vật dưới nước); sản xuất thức ăn, con giống, chăm sóc sức khoẻ động, thực vật trong quá trình nuôi - trồng, đến khi thu hoạch, chế biến và đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.

            Xuất phát từ 2 căn cứ nêu trên, và căn cứ vào hiện trạng (xuất khẩu là chính, hay nhập khẩu để tiêu dùng là chính), các nước trên thế giới lựa chọn việc phân công theo một trong 2 cách dưới đây:

a. Nhóm nước xuất khẩu thực phẩm (nông, lâm, thuỷ sản) là chính: Giao cho 1 tổ chức thuộc Bộ sản xuất chịu trách nhiệm chính trong quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm kiểm soát thực phẩm xuất và nhập khẩu. Ví dụ: Cộng hoà Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Liên bang Nga, Ucraina, Belarus... ở Châu Âu; Hàn Quốc, Indonexia, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan... ở Châu Á; Braxin, Canada, Chi lê... ở Châu Mỹ; Úc, Niu di lân ở Châu Đại dương, Maroc.. ở Châu Phi.

b. Nhóm nước nhập khẩu thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước là chính: Giao cho cơ quan trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm chính trong quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Ví dụ: Đức, Italia, Bỉ... ở Châu Âu; Nhật, Ai cập, Singapor... ở Châu Á; Mỹ ở Châu Mỹ;

Trên thế giới chỉ có duy nhất Trung Quốc thành lập cơ quan ngang Bộ với tên gọi là Tổng Cục chất lượng thực phẩm, để đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ nêu trong Hiệp định SPS (An toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch động, thực vật) của Tổ chức thương mại Thế giới. Tuy nhiên mô hình này ngày càng tỏ ra không hiệu quả, và Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành hoạt động điều chỉnh.

            Theo quan điểm cá nhân, phân công trách nhiệm giữa các Bộ về quản lý an toàn thực phẩm của các nước nêu trên là xuất phát từ quan điểm “đúng người, đúng việc/ mỗi việc chỉ một bộ phận phụ trách”, nhằm đạt được hiệu quả cao trong kiểm soát an toàn thực phẩm.

1.2. Đề xuất mô hình tổ chức và phân công trách nhiệm quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm giữa các Bộ ở Việt Nam.

            a. Mô hình phân công quản lý:

Việt Nam là nước đi lên từ sản xuất Nông, Lâm, Thuỷ sản (thực phẩm), ngoài việc đáp ứng yêu cầu trong nước thì mục đích xuất khẩu là rất quan trọng; sau khi nghiên cứu kỹ Nghị định của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Bộ, tôi xin đề xuất mô hình phân công giữa các Bộ sản xuất và Bộ Y tế trong quản lý an toàn thực phẩm theo mô hình dưới đây:

(File đính kèm)

b. Phân công trách nhiệm giữa các Bộ:

Đề xuất về việc phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các Bộ theo đối tượng quản lý, và một số nội dung quan trọng được trình bày trong bảng dưới đây:

TT

Nội dung

Phân công

Bộ NN&PTNT

Bộ Công Thương

Bộ Y Tế

1.

Xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn

Chủ trì

Phối hợp

Phối hợp

2.

Xây dựng chiến lược, chính sách quy hoạch, kế hoạch bảo vệ sức khoẻ nhân dân Việt Nam trước nguy cơ thực phẩm không an toàn

Phối hợp

Phối hợp

Chủ trì

3.

Phạm vi kiểm soát

 

 

 

3.1.

Sản xuất thực phẩm: Từ ao nuôi đến lô hàng cuối cùng; Từ cái cây đến lô hàng cuối cùng; Từ chuồng trại đến lô hàng cuối cùng (bao gồm sữa, dầu thực vật, mì chính, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến); Thực hiện kiểm tra chứng nhận điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm; Kiểm tra chứng nhận chất lượng  và an toàn thực phẩm cho lô hàng trước khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước; Kiểm tra chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm các lô nguyên liệu nhập khẩu để chế biến; Đăng ký nhãn hiệu và công bố chất lượng cho các cơ sở nêu trên.

Chịu trách nhiệm toàn bộ

-

-

3.2.

Sản xuất rượu, bia, nước giải khát, bột, tinh bột, mì ăn liền (thuốc lá?), (đề nghị chuyển dầu thực vật, sữa về Bộ Nông nghiệp và PTNT), phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến. Bao gồm: Kiểm tra chứng nhận điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm; Kiểm tra chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm cho lô hàng trước khi xuất khẩu, hoặc đưa ra tiêu thụ nội địa; Kiểm tra chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm lô nguyên liệu nhập khẩu để chế biến, đăng ký nhãn hiệu và công bố chất lượng cho các cơ sở nêu trên.

-

Chịu trách nhiệm toàn bộ

-

3.3.

Kho lưu trữ và phân phối thực phẩm tiêu thụ nội địa, chợ thực phẩm (bao gồm cửa hàng lẻ và siêu thị), nhà hàng ăn đường phố, bếp ăn khách sạn, bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm cho phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người ăn kiêng, bao gồm chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm dành cho sản xuất thực phẩm chức năng, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và người ăn kiêng. (Các phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực của Bộ sản xuất, cắt chuyển cho Bộ sản xuất). Thực hiện kiểm tra chứng nhận điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm của các cơ sở nêu trên; Kiểm tra chứng nhận chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm cho phụ nữ có thai, trẻ em và người ăn kiêng.

-

-

Chịu trách nhiệm toàn bộ

4.

Phối hợp giữa các Bộ:

- Bộ được giao chủ trì đối tượng nào chịu trách nhiệm toàn bộ từ xây dựng chính sách, chiến lược đến triển khai nhiệm vụ ở lĩnh vực đó. Đồng thời đảm bảo tính kết nối liên tục bằng việc cấp giấy chứng nhận (GCN) điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm, chứng nhận lô hàng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hồ sơ mã hoá truy suất.

- Các Bộ không đóng vai trò chủ trì có nhiệm vụ góp ý cho chiến lược, kế hoạch của Bộ chủ trì, kiểm soát cơ sở pháp lý (các giấy chứng nhận) khi tiếp nối hoạt động kiểm soát.

Thực hiện theo phân công ở mục 3

5.

Xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật:

 

 

 

5.1.

Các quy chuẩn chung cho mọi loại thực phẩm

(lý do: Bộ Nông nghiệp đang được giao nhiệm vụ văn phòng SPS quốc gia trong mạng lưới SPS của WTO)

Chủ trì

Phối hợp

Phối hợp

5.2.

Các quy chuẩn đối với lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (theo đề nghị phân công nêu tại mục 3.1)

Chủ trì

Phối hợp

Phối hợp

5.3.

Các quy chuẩn về rượu, bia, nước giải khát, bột, tinh bột, mì ăn liền (thuốc lá?) (theo đề nghị phân công nêu tại mục 3.2)

Phối hợp

Chủ trì

Phối hợp

5.4.

Các quy chuẩn về kho phân phối thực phẩm nội địa, chợ thực phẩm (bao gồm cửa hàng bán lẻ và siêu thị), nhà hàng ăn đường phố, bếp ăn khách sạn, bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm cho phụ nữ có thai, trẻ em, người ăn kiêng (theo đề nghị phân công nêu tại mục 3.3)

Phối hợp

Phối hợp

Chủ trì

Chú thích: Cách phân công nêu trên đã được thể hiện trong Thông tư liên tịch Bộ Thuỷ sản - Bộ Y Tế số 24/2005/BTS-BYT ngày 08/12/2005 và đã đạt được hiệu quả kiểm soát rất cao trong quá trình thực hiện.


2. Truy nguyên nguồn gốc sản phẩm:

2.1. Xuất xứ và mục đích của truy nguyên nguồn gốc sản phẩm:

- Trước hết là do người tiêu dùng yêu cầu quá trình sản xuất thực phẩm không vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ động thực vật quý hiếm, bảo vệ quyền của động vật, phải thực hiện các chính sách xã hội đối với người lao động, và sản phẩm thực phẩm phải an toàn cho sức khoẻ người sử dụng.

- Để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, năm 2004 Uỷ ban Liên minh Châu Âu đã ban hành quy định về mã hoá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sau 5 năm khuyến khích thực hiện, quy định trên chuyển thành bắt buộc áp dụng từ 01/01/2010. Năm 2005, Mỹ công bố và thực hiện kiểm soát thực phẩm nhập khẩu theo Luật chống khủng bố sinh học, theo đó tất cả các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu phải gửi hồ sơ khai báo nguồn gốc, xuất xứ (ít nhất 8h trước khi lô hàng cập cảng của Mỹ), đây cũng là một dạng quy định về nguồn gốc xuất xứ.

- Việc truy nguyên nguồn gốc lô hàng chính là nhằm mục đích bắt buộc tất cả các công đoạn của chuỗi sản xuất thực phẩm (kể từ khâu làm đất/chuẩn bị chuồng trại/chuẩn bị ao đầm nuôi; sản xuất thức ăn; con giống; chăm sóc sức khoẻ cây trồng, vật nuôi; đến thu hoạch và chế biến, phải thực hiện các yêu cầu: Bảo vệ môi trường, môi sinh, bảo vệ động thực vật quý hiếm, bảo vệ quyền động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm. Những yêu cầu này không chỉ được triển khai trong thực tế tại công đoạn sản xuất của cơ sở đang khai báo nguồn gốc xuất xứ, mà còn phải được đảm bảo rằng ở công đoạn trước (cung cấp nguyên liệu) và công đoạn sau (tiêu thụ nguyên liệu/bán sản phẩm/sản phẩm) cũng được thực hiện tất cả các yêu cầu trên. Hoạt động này phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm, trên hồ sơ kèm theo lô hàng và hồ sơ lưu trữ tại cơ sở sản xuất của công đoạn đó.

- Sẽ là sai lầm nếu chúng ta cho rằng nội dung truy nguyên nguồn gốc chỉ nhằm mục đích nhận biết chuỗi sản xuất sản phẩm đó bao gồm những công đoạn nào, hoặc cho rằng đây chỉ là nội dung dành riêng cho công đoạn sản xuất sản phẩm cuối cùng (chế biến sản phẩm).

2.2. Đề xuất quy định trong dự thảo luật an toàn thực phẩm:

a. Điều kiện tiên quyết: Để có thể thực hiện việc truy nguyên nguồn gốc toàn bộ chuỗi sản xuất thông qua mã số, mã vạch, đó là nhà nước (Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y Tế) cùng xây dựng và trình Chính phủ quy định mã số/mã vạch cho:

            - Quốc gia

            - Tỉnh

            - Huyện

            - Cơ sở nuôi/vùng khai thác dộng, thực vật tự nhiên

            - Cơ sở sản xuất giống

            - Cơ sở sản xuất thức ăn

- Cơ sở chế biến, bao gồm các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế (theo đề nghị phân công nêu tại mục 3).

- Cơ sở đóng gói

- Cơ sở phân phối sản phẩm

Bên cạnh đó cần xây dựng bộ giáo trình chuẩn và triển khai hàng ngàn khoá đào tạo, hàng trăm mô hình điểm, theo từng ngành hàng, nhóm sản phẩm, trên cơ sở đó từng bước nhân rộng.

b. Trong dự thảo luật an toàn thực phẩm, tôi đề nghị tách nội dung truy nguyên nguồn gốc thành một mục độc lập với tiêu đề: “Thực hiện mã hoá và truy suất nguồn gốc sản phẩm”, bao gồm các ý sau:

- Mục đích của mã hoá, truy suất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm

- Trách nhiệm của tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm là phải thực hiện bảo vệ môi trường, bảo vệ động thực vật quý hiếm, đảm bảo an toàn thực phẩm; Phải kiểm soát với cùng nội dung nêu trên ở khâu tiếp nhận nguyên liệu (một bước trước), và cơ sở tiếp nhận sản phẩm do mình sản xuất ra (một bước sau). Hồ sơ truy nguyên nguồn gốc sản phẩm phải gửi kèm theo lô hàng, phải ghi trên nhãn sản phẩm và phải lưu trữ tại cơ sở để sẵn sàng xuất trình khi cần thiết.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế xây dựng trình Chính phủ Nghị định về truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y Tế có trách nhiệm xây dựng Thông tư hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng được phân công quản lý thực hiện việc sản xuất, chế biến và lưu thông phân phối sản phẩm, gắn liền với bảo vệ môi trường, môi sinh, bảo vệ động thực vật quý hiếm, bảo vệ sức khoẻ động thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ theo nguyên tắc một bước trước, một bước sau.

3. Quản lý an toàn thực phẩm khai thác trực tiếp ngoài tự nhiên.

3.1. Xuất xứ:

      Tổng hợp các quy định đối với khai thác động, thực vật ngoài tự nhiên (động, thực vật hoang dã) bao gồm:

- Không đánh bắt (vô tình hay cố ý) động, thực vật quý hiếm

- Không huỷ hoại hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của động, thực vật hoang dã

- Đối với động, thực vật được phép khai thác: không khai thác quá mức tái tạo (cân bằng) sinh học; không đánh bắt trong mùa sinh sản; không đánh bắt động, thực vật chưa đến tuổi khai thác (động, thực vật non)

- Chống thất thoát sau thu hoạch (dập nát cơ học, thối rữa, không an toàn thực phẩm), tỷ lệ này đối với thuỷ sản của các nước trên thế giới dao động từ 25-:-40%

Theo quy định của EU, từ 01/01/2010, thuỷ sản khai thác tự nhiên phải được cấp giấy chứng nhận khai thác có kiểm soát (IUU). Đối với động và thực vật trên cạn cũng có những quy định tương tự. Đương nhiên động, thực vật hoang dã cũng phải thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định chung.

3.2. Đề xuất quy định trong luật an toàn thực phẩm:

Nên tách thành một mục riêng với tiêu đề: “Kiểm soát khai thác động, thực vật tự nhiên” bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Khai thác động, thực vật tự nhiên (hoang dã), phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ động, thực vật quý hiếm; không đánh bắt động, thực vật đang mùa sinh sản; không đánh bắt động thực vật chưa đạt cỡ thu hoạch; không huỷ hoại môi trường sống của động, thực vật và phải áp dụng mọi biện pháp chống thất thoát sau thu hoạch (bao gồm an toàn thực phẩm).

- Giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng trình Chính Phủ ban hành Nghị định thu hoạch/đánh bắt/bảo quản động, thực vật hoang dã, đáp ứng 4 tiêu chí nêu trên, và tổ chức kiểm tra giám sát, cấp giấy chứng nhận thu hoạch/đánh bắt có kiểm soát cho những đơn vị/cơ sở đủ điều kiện.

- Các đơn vị cá nhân thu hoạch/đánh bắt động thực vật hoang dã có trách nhiệm chấp hành các quy định về bảo vệ động, thực vật quý hiếm; quy định bảo vệ môi trường sống của động, thực vật hoang dã, quy định về sản lượng và độ tuổi được phép thu hoạch/đánh bắt; Phải áp dụng mọi biện pháp chống thất thoát sau thu hoạch bao gồm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

4. Nhận xét chung về dự thảo luật an toàn thực phẩm

a. Dự thảo Luật an toàn thực phẩm có tiến bộ rất nhiều so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm

b. Một số tồn tại chính:

Do thời lượng phát biểu có hạn, nên tôi chỉ xin nêu một số đề mục chính sau đây:

- Nội dung dự luật chưa hài hoà với Hiệp định SPS của WTO và Luật an toàn thực phẩm của những nước tiên tiến. Thể hiện trong thuật ngữ và giải thích thuật ngữ, sử dụng thuật ngữ về mối nguy, nguy cơ, ô nhiễm môi trường, và nhiều nội dung khác chưa tương thích với Hiệp định SPS của WTO và Codex.

- Nội dung (số câu chữ) dành cho từng phần chưa tương xứng với tầm quan trọng và các hoạt động phải triển khai (kiểm soát xuất khẩu; kiểm soát nhập khẩu; kiểm soát hoạt động của phòng kiểm nghiệm được chỉ định…).

- Kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu, chính là bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam, và là rào cản hợp pháp nhằm giảm bớt sức cạnh tranh của thực phẩm nước ngoài tràn vào cạnh tranh đối với hàng thực phẩm sản xuất trong nước, lẽ ra cần quy định thật rõ ràng, chặt chẽ (nhưng trong dự thảo chỉ có 3 điều, với 1,5 trang giấy A4, theo tôi nội dung này cần chiếm ít nhất 1/4 nội dung luật).

- Việt Nam là thành viên của WTO, chúng ta đã cam kết các văn bản pháp quy (Luật, Nghị định, Thông tư, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật) phải đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch và hài hoà. Để đảm bảo tính minh bạch, thì dự thảo các văn bản này nhất thiết phải dịch sang tiếng Anh đăng trên website của Văn phòng  SPS Việt Nam với thời gian quy định, đồng thời phải trả lời đầy đủ góp ý của các nước thành viên.

- Phân công quản lý nhà nước giữa các Bộ chỉ nên dựa vào một căn cứ duy nhất đó là chức trách nhiệm vụ đã được quy định cho các Bộ, trong dự thảo về an toàn thực phẩm cần tuyệt đối tránh việc nể nang, thoả hiệp. Vì nếu làm như vậy kiểm soát sẽ không hiệu quả và gây phiền hà cho sản xuất. (Ví dụ trong dự thảo: Bộ Y tế vẫn kiểm tra điều kiện của các cơ sở chế biến, kiểm soát toàn bộ phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, cấp giấy chứng nhận công bố chất lượng, kiểm soát nhãn hiệu cho mọi loại thực phẩm; Bộ Công Thương vẫn kiểm soát sữa, mì chính...). Đặc biệt trong dự thảo còn có nhiều câu, chữ (nước đôi) dễ tạo kẽ hở để các Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn gây chồng chéo, và rất khó trong qúa trình thực hiện.

- Một số nội dung chuyên môn chưa chuẩn xác, bao gồm cả giải thích thuật ngữ, quy định nội dung và đối tượng thực hiện (mối nguy, nguy cơ, phân tích nguy cơ, mã hoá và truy suất nguồn gốc...)

- Trong số 62 điều của dự thảo, tôi đã chuẩn bị ý kiến góp ý cho 40 điều, trong đó có những điều cần thay đổi cơ bản.

5. Đề xuất:

- Quốc hội nên tìm chuyên gia hiểu biết và nhiệt tình với công việc này, gửi lấy ý kiến, sau đó tổ chức hội thảo (thời gian không hạn chế), để cơ quan biên soạn và Uỷ ban khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội lắng nghe đầy đủ các ý kiến phản biện, trên cơ sở đó mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

- Khâu tiếp thu góp ý cần làm đúng trình tự, công tâm, và đảm bảo sự hài hoà với Hiệp định SPS của WTO; tránh tình trạng các góp ý không được tiếp thu đầy đủ (do nể nang, thoả hiệp; câu các cụ đã dạy: “Thương anh tôi để trong lòng/ Việc quan tôi cứ phép công tôi làm” rất cần được tuân thủ trong công đoạn làm Luật.

- Theo cam kết với tổ chức WTO, và quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, thì đây chính là văn bản Luật gốc, liên quan đến Hiệp định SPS của WTO mà Việt Nam là thành viên. Tôi đề nghị dự thảo trước khi trình Quốc hội, cần dịch sang tiếng anh, đăng trên website của Văn phòng SPS thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian 2 tháng, để các nước thành viên WTO góp ý. Nếu có điều kiện nên thông qua Sứ quán Việt Nam tại các nước xuất khẩu thực phẩm chủ yếu vào Việt Nam, để phổ biến và lấy ý kiến của những nước này về dự thảo Luật an toàn thực phẩm của Việt Nam (Mỹ, EU, Úc, Nhật, Đài Loan đã từng làm như vậy ở Việt Nam.

- Nên kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng ban hành Nghị định, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính nhất quán, chặt chẽ. Đặc biệt là tránh việc vi phạm Luật an toàn thực phẩm ở ngay tại những văn bản này.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

 

Các văn bản liên quan