Góp ý của Ông Nguyễn Thành Công – Công ty luật Bizlink

Thứ Hai 09:22 06-10-2008

Góp ý của Ông Nguyễn Thành Công - Công ty luật Bizlink

 

 

1. Quy định tại Điều 8.4 dự thảo là thừa bởi vì theo luật đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam nếu có dự án thuộc diện đã phải đăng ký, thẩm định dự án đầu tư rồi cho dù có hay không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này của dự thảo còn dẫn đến sự áp dụng máy móc của cơ quan chức năng khi cả những dự án không thuộc diện bắt buộc đăng ký, thẩm định cũng sẽ bị yêu cầu đăng ký khi có nhà đầu tư nước ngoài-->trái luật đầu tư.

2. Theo Đ 9, NĐ139/2007/NĐ-CP,doanh nghiệp có vốn đầu tư NN (FDI) có quyền thành lập+tham gia thành lập doanh nghiệp. Và theo Đ3, NĐ139, chỉ có tổ chức cá nhân nước ngoài lần đầu tiên đầu tư thành lập DN tại VN có sở hữu vốn lớn hơn 49% trong DN thì mới cần phải có dự án và thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Như vậy, một cách hợp pháp, doanh nghiệp FDI (một hoặc nhiều) đã và đang thực hiện dự án ở VN sẽ có quyền thành lập doanh nghiệp ở VN mà không cần phải có dự án cụ thể và thủ tục phải được đăng ký ở phòng đăng ký kinh doanh chứ không phải thực hiện theo thủ tục thành lập dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế tại phòng đầu tư nước ngoài thuộc sở kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, một số ý kiến từ phòng đăng ký kinh doanh đang cố tình giải thích sai quy định tại NĐ 139 để từ chối quyền của FDI thành lập doanh nghiệp và không xử lý hồ sơ. Điều này gây khó khăn cho DN FDI vì phòng đầu tư NN có thể sẽ từ chối tiếp nhận xử lý hồ sơ vì các DN FDI đó chưa có dự án  cụ thể.

3. Điều 10, NĐ139, nhà đầu tư (có cả NN) được góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ không hạn chế (trừ 1 số trường hợp đặc biệt) tại các doanh nghiệp. Khoản 2, điều này quy định rất rõ, nếu nhà đầu tư góp vốn vào công ty TNHH hoặc nhận chuyển nhượng vốn trong Cty TNHH thì đăng ký thay đổi thành viên trong Cty theo Nghị định 88/2006/NĐ-CP, cơ quan nào cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư thành lập doanh nghiệp thì cơ quan đó thụ lý và giải quyết hồ sơ. Như vậy, một cách hợp pháp, doanh nghiệp được thành lập tại phòng đăng ký kinh doanh đang có tỷ lệ 49% của nước ngoài, có quyền chuyển thành doanh nghiệp 95%, thậm chí 100% nước ngoài (nếu không rơi vào lĩnh vực hạn chế) bằng cách chuyển nhượng vốn giữa các thành viên. Tuy nhiên, hiện có một số ý kiến từ phòng đăng ký kinh doanh gây khó khăn và giải thích máy móc vấn đề này gây khó khăn cho doanh nghiệp và cho rằng không có thủ tục thực hiện (cho dù thủ tục đã được quy định tại) và cố ý gắn vấn đề dự án, vấn đề 49:51% vào một cách lệch lạc. Đề nghị Dự thảo làm rõ và xử lý vấn đề này.

4. Đề nghị Dự thảo (hoặc sửa đổi nghị định 108) giải thích thêm và làm rõ thêm lại khái niệm "nhà đầu tư nước ngoài". Điều 3.5 Luật đầu tư: "Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam". Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chẳng hạn công ty cổ phần có nhà đầu tư NN mua cổ phần) khi thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam có coi là nhà đầu tư nước ngoài không (trong khi họ là pháp nhân Việt Nam)?. Theo Luật đầu tư, câu trả lời theo hướng là không. Tuy nhiên cần làm rõ vấn đề này để tránh những hiểu nhầm.   

Các văn bản liên quan