Dự luật đăng ký BĐS: Lúng túng, lòng vòng!

Thứ Năm 15:43 02-10-2008
 
Chiều 25/8, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về Dự án Luật Đăng ký bất động sản. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là liệu việc chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận của UBND tỉnh sang văn phòng đăng ký bất động sản có ảnh hưởng gì đến nguyên tắc quản lý nhà nước hay không và các cá nhân có bất động sản có nhất thiết phải đăng ký sở hữu bất động sản hay không?

Có nên giao quyền cho văn phòng đăng ký bất động sản?

Theo tờ trình của Chính phủ và quy định của dự thảo Luật Bất động sản, việc đăng ký bất động sản do văn phòng đăng ký bất động sản trực thuộc sở tài nguyên - môi trường thực hiện. Văn phòng này đồng thời có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Thế nhưng, theo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đăng ký bất động sản của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, "việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể và không nên giao cho văn phòng này vì làm ảnh hưởng đến nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai".

Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội - phân tích: đất đai là sở hữu toàn dân giao cho nhà nước quản lý và trong văn bản trình của Chính phủ ghi văn phòng đăng ký bất động sản chỉ có chức năng chủ yếu trong khi cung cấp thông tin. Bà Mai đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: "Quyền quản lý đất đai là quyền của nhà nước, tại sao lại chuyển cho văn phòng đăng ký bất động sản?".

Bản thân ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách - cảm thấy rất băn khoăn liệu cơ quan đăng ký bất động sản "có quyền bao trùm lên tất cả các cơ quan chính quyền hay không. Nếu nghe không kỹ lại tưởng là các cơ quan tỉnh, huyện là cơ quan giúp việc cho văn phòng đăng ký bất động sản. Để có quyền về tài sản, người dân sẽ phải vòng vèo qua rất nhiều cơ quan. Không cẩn thận chúng ta không phải qua một cửa mà nhiều cửa".

"Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có sự khác nhau không phải vài quan điểm mà khác nhau ở những điều cốt lõi, cơ bản. Ngay chính bản thân chúng tôi cũng không biết phải tham gia vào như thế nào" (Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách)

Lẫn lộn, lòng vòng và lúng túng

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, đăng ký giao dịch bảo đảm và đăng ký bất động sản là hai lĩnh vực riêng biệt. Đăng ký quyền về tài sản là một trong những căn cứ để xác lập quyền sở hữu về tài sản; đăng ký giao dịch về tài sản nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch về tài sản. Chính vì vậy, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - đặt ra vấn đề có nhất thiết mọi chủ sở hữu phải đăng ký bất động sản không nếu như đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

"Nếu như tôi có một lô đất và một ngôi nhà, ông chủ tịch quận xác nhận tôi có quyền sử dụng mảnh đất ấy, giờ lại bắt tôi tiếp tục đăng ký bất động sản đó vào một chỗ khác nữa, vậy nó có hiệu lực pháp lý hơn như thế nào? Thực tế, tôi không đăng ký cũng không có ai có quyền xâm phạm nhà của tôi. Đăng ký ấy chỉ có giá trị khi có tranh chấp, đối với các giao dịch dân sự" - ông ôn tồn.

Về phần mình, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch QH cũng đồng ý với quan điểm chỉ những người có nhu cầu chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp bất động sản mới cần đến cơ quan nhà nước nào đấy để khi phát sinh vấn đề về pháp lý để bảo vệ quyền lợi. "Nếu như tôi có miếng đất, tôi xây nhà ở suốt đời không có nhu cầu thì việc gì phải đăng ký. Việc sở hữu, sử dụng, có nhu cầu chuyển nhượng thì quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế đan xen chặt chẽ với nhau, không tách biệt. Một số người nói là phải tách biệt tôi thấy không thuyết phục" - ông Kiên nhấn mạnh.
Thẳng thắn nhận xét về hai dự án Luật Đăng ký bất động sản và Luật Đăng ký giao dịch đảm bảo, ông nói: "Những vấn đề đưa ra vẫn lúng túng lắm, chưa rành rọt, thậm chí còn phức tạp hơn".

Đối với hai vấn đề liệu việc chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận của UBND tỉnh sang văn phòng đăng ký bất động sản có ảnh hưởng gì đến nguyên tắc quản lý nhà nước hay không và các cá nhân có bất động sản có nhất thiết phải đăng ký sở hữu bất động sản hay không, buổi thảo luận vẫn chưa đưa ra được lời giải đáp cuối cùng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay việc soạn thảo Luật Đăng ký bất động sản là cần thiết. Ủy ban Pháp luật sẽ bàn bạc, phối hợp với Bộ Tư pháp về dự luật này để sớm trình QH cho ý kiến.
  • Nguyễn Dung (Vietnamnet 26/8/2008)

Các văn bản liên quan