Góp ý của Ông Nguyễn Quốc Kỳ

Thứ Hai 16:47 22-05-2006
LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP LIÊN QUAN GÌ ĐẾN HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Do bản chất của nó, thị trường có thể tạo ra mọi điều kiện để doanh nghiệp phát huy tối đa các năng lực sản xuất kinh doanh, nhưng đồng thời, kinh tế thị trường lại vẫn thường xuyên xảy ra khả năng thất bại thị trường, dẫn tới việc các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ buộc phải phá sản. Với tư cách là các doanh nghiệp - dầu là doanh nghiệp đặc thù hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ - các ngân hàng thương mại không nằm ngoại thông lệ đó. Luật Phá sản các nước ban hành chính là để điều chỉnh các quan hệ tất yếu có tính chất "kinh niên" đó của thị trường. Đây chính là lá chắn, buộc các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng phải hoạt động trong điều kiện (bên trong có động lực" (lợi nhuận) và bên ngoài có áp lực (phá sản) buộc các doanh nghiệp phải tính toán để kinh doanh có hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trong một thị trường sôi động nhưng vô cùng nghiệt ngã và gay gắt của thị trường. Phá sản là một hiện tượng kinh tế-xã hội phức tạp, kéo theo những hậu quả nặng nề. Việc phá sản một tổ chức tín dụng nói chung hay của một ngân hàng thương mại nói riêng còn kéo theo những hậu quả có tính chất dây chuyền, không chỉ liên quan tới sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng mà còn liên quan tới các tầng lớp dân cư và cả nền kinh tế, thậm chí tác động đến thể chế chính trị - xã hội của một nước. Theo Luật các tổ chức tín dụng, "sau khi ngân hàng Nhà nước đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt việc áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng mà tổ chức tín dụng đó vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, thì có thể bị Toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp (điều 98)". Quy định này phù hợp với thông lệ chung và pháp luật của các nước về phá sản ngân hàng (Điều 71 Luật Ngân hàng Thương mại của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 1995, Chương X Luật Ngân hàng Ba Lan 1989). Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật hiện hành vẫn chưa có những quy định cụ thể về điều kiện, trình tự thủ tục phá sản đối với một ngân hàng thương mại (ngoài những quy định chung trong Nghị định 189/CP ngày 23/12/1994 hướng dẫn thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp liên quan đến hoạt đôngj của các tổ chức tín dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây trở ngại đến hoạt động ngân hàng, cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn như các quy định về điều kiện phá sản, thứ tự ưu tiên thanh toán...

1. Về việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp

Cụ thể, tại Điều 39 Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 quy định:
"Việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên sau đây:
1. Các khoản lệ phí, các chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp;
2. Các khoản nợ, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
3. Các khoản nợ thuế;
4. Các khoản nợ cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ".

Quy định này bộc lộ sự bất hợp lý khi coi các chủ nợ ở vị trí ưu tiến thứ tư, sau cả vị trí ưu tiên thứ ba là Nhà nước (do doanh nghiệp nợ thuế).Điều bất hợp lý này thể hiện ở chỗ: nếu một doanh nghiệp phá sản mà Nhà nước không thu được số thuế doanh nghiệp còn nợ thì không ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước. Còn trong trường hợp một doanh nghiệp phá sản mà ngân hàng thương mại - với tư cách là chủ nợ không có đảm bảo hoặc đảm bảo một phần - không thu được vốn vay do doanh nghiệp đó mắc nợ thì có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính khoản vay đó không thu hồi được. Tình huống sẽ làm xấu thêm thể trạng tài chính của ngân hàng đó khi có nhiều doanh nghiệp cùng mắc nợ (một ngân hàng) lại lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Do vậy, chúng tôi cho rằng cần phải sửa đổi lại điều khoản theo hướng: một là đưa các chủ nợ lên vị trí ưu tiên hơn so với Nhà nước (với tư cách là chủ nợ thuế), hoặc là nếu không thì ít nhất các chủ nợ khác cũng xếp vào vị trí ưu tiên ngang với Nhà nước trong trường hợp này.

2. Về việc Nhà nước thu hồi một phần hoặc toàn bộ đất đã giao trong trường hợp doanh nghiệp phá sản

Mặt khác, các quy định trong việc đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp doanh nghiệp phá sản cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với Luật Đất đai. Đó là: việc kê biên tài sản dưới dạng hiện vật - là quyền sử dụng đất - được thực hiện như thế nào? Việc định giá tài sản là quyền sử dụng đất dựa trên cơ sở: giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành dựa trên khung giá đất của Chính Phủ hay giá chuyển nhượng thực tế tại địa phương? Hơn nữa, hiện đang có mâu thuẫn giữa Luật Phá sản doanh nghiệp và Luật Đất đai. Theo Luật Phá sản doanh nghiệp, khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì quyền sử dụng đất được đấu giá. Tuy nhiên, điều 26 Luật Đất đai lại quy định "Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao trong trường hợp tổ chức giải thể, phá sản" nhưng lại không đề cập đến hậu quả pháp lý của việc thu hồi đó: giao cho tổ chức khác sử dụng hay thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất để thu hồi vốn cho doanh nghiệp. Trong trường hợp này, tài sản gắn liền với đất được giải quyết như thế nào?

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện những quy định về giải quyết quyền sử dụng đối với các doanh nghiệp bị phá sản nói riêng và hoàn thiện Luật Phá sản doanh nghiệp nói chung không chỉ tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp bị phá sản mà còn có cả các bên liên quan, trong đó có ngân hàng thương mại với tư cách là các chủ nợ.

3. Về chủ nợ có bảo đảm được phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp phá sản

Trong thực tiễn, thường khi doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, thì cũng là lúc ngân hàng đang làm thủ tục bán tài sản bảo đảm để thu hồi vốn. Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, về việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp chuẩn bị làm thủ tục yêu cầu phá sản để thu nợ.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp làm đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, thì những ngân hàng nhận thế chấp, cầm cố tài sản không được tham gia vào việc phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp mà chỉ được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Bởi vì pháp luật phá sản đã quy định, khi quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp đã có hiệu lực, thì giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp sẽ được thanh toán cho các khoản nợ của các chủ nợ không bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần sau khi đã thanh toán chi phí cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các khoản nợ thuế. Trường hợp giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ thanh toán cho các khoản nợ của các chủ nợ nói trên, thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, ý kiến trên đây chỉ phù hợp với quy định của Luật phá sản doanh nghiệp nếu tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm vừa đủ để thu hồi vốn (bao gồm cả gốc, lãi và tiền phạt, nếu có) chứ không đúng cho mọi trường hợp. Theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp, thì chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn đến Toà án nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản và được tham gia vào việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp. Sau khi thụ lý hồ sơ và ra quyết định mở thủ tucj giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, Chánh án Toà Kinh tế cấp tỉnh ra quyết định thành lập Tổ quản lý tài sản để lập danh sách chủ nợ và bảng kê toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, trong đó có những tài sản thế chấp, cầm cố đang được ngân hàng quản lý và chuẩn bị bán công khai trên thị trường. Nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ, thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp phá sản. Ngược lại, trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán số nợ của bên nhận tài sản bảo đảm (chủ nợ có bảo đảm), thì chủ nợ có bảo đảm được tham gia vào việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp (như những chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần khác). Khi đó, chủ nợ có bả đảm sẽ được bình đẳng về quyền như những chủ nợ không có bảo đảm và có bảo đảm một phần khác. Do vậy, ngân hàng không được chủ động tự tổ chức bán tài sản bảo đảm để thu nợ nữa mà phải xin ý kiến chấp nhận của Toà án.
Sự trái ngược về nhận thức như vậy là do các quy định của luật phá sản doanh nghiệp nói trên là chưa cụ thể và rõ ràng. Vấn đề đặt ra là, liệu giá trị tài sản bảo đảm được Thẩm phán tổ chức xác định có được làm cơ sở cấn trừ nợ cho ngân hàng nhận tài sản bảo đảm hay không. Nếu giá trị tài sản bảo đảm do Thẩm phán tổ chức xác định được công nhận để cấn trừ nợ, thì phần chênh lệch thiếu giữa giá bán tài sản bảo đảm trên thị trường với giá tài sản bảo đảm được Thẩm phán tổ chức xác định sẽ được hạch toán như thế nào (ngân hàng được trích nguồn vốn nào để bù đắp phần chênh lệch thiếu và cơ sở pháp lý của việc trích lập bù đắp đó). Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm do Thẩm phán tổ chức xác định chỉ mang tính chất tham khảo để bán tài sản bảo đảm trên thị trường, thì cần bổ sung vào Luật phá sản doanh nghiệp quy định cụ thể: “Thẩm phán phụ trách việc giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp cho phép ngân hàng hoặc tổ chức bán tài sản bảo đảm công khai trên thị trường để thanh toán nợ cho chủ nợ có bảo đảm bằng tài sản đó trước khi xử lý những tài sản còn lại của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật phá sản.” Có như vậy, các chủ nợ có bảo đảm mới có điều kiện tham gia vào việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp trong trường hợp tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng nhận tài sản bảo đảm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình khi doanh nghiệp vay vốn làm đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.

4. Về việc thi hành bản án (hình sự, dân sự) với bản án tuyên bố phá sản doanh nghiệp khi cả hai bản án đều có hiệu lực ngang nhau

Trong thực tế, có những bản án (hình sự, kinh tế) đã có hiệu lực pháp luật, các bên liên quan đang tiến hành việc thi hành án thì Toà kinh tế lại tiến hành mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với chính doanh nghiệp sẽ phải thi hành bản án (hình sự/dân sự) đó. Điều này đặt các bên liên quan vào tình thế lựa chọn bản án cần được thi hành, vì cả hai bản án này đều có hiệu lực pháp lý ngang nhau (xem Phụ lục 1).

Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Phá sản doanh nghiệp 1993, theo hướng xác định tính ưu tiên về hiệu lực pháp lý của một bản án đã có hiệu llực pháp lý trước khi Toà án tiến hành mở thủ tục phá sản đối với chính doanh nghiệp đó.

5. Trường hợp Toà án ra quyết định tạm thời đình chỉ vụ án khi bên vay làm đơn xin phá sản

Theo quy định, “Toà án quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp đã có Toà án thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó đương sự của vụ án” (Điều 38 khoản 1 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế). Trên thực tế, do nhận thức chưa thống nhất mà có Toà Kinh tế của một tỉnh (thành phố), trong khi đã thụ lý đơn kiện đòi nợ của ngân hàng đối với một doanh nghiệp thì cũng vẫn sẵn sàng ra quyết định tạm đình vụ án với lý do bên vay (doanh nghiệp) đang nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp tại Toà Kinh tế của một tỉnh (thành phố) khác (xem Phụ lục 2).

Thực tiễn này cũng đồng thời đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản doanh nghiệp theo hướng quy định rõ: không cho phép các Toà án tỉnh (thành phố) ra quyết định thụ lý hồ sơ để tiến hành mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trong khi một Toà án tỉnh (thành phố) khác đã thụ lý vụ kiện mà chính doanh nghiệp đó là bị đơn trong một vụ án kinh tế.

PHỤ LỤC 1

Toà Phúc thẩm, Toà án Nhân dân tối cao tại Tp.HCM đã tuyên Bản án phúc thẩm số 379/HSPT ngày 31/3/1997, trong đó buộc Công ty Tamexco có trách nhiệm trả nợ, bồi thường cho Vietcombank Trung ương và Chi nhánh Vietcombank Hồ Chí Minh. Ngay sau khi Bản án hình sự phúc thẩm số 379/HSPT nói trên có hiệu lực, Ngân hàng Ngoại thương đã gửi Đơn cho Phòng thi hành án Tp.Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, trong khi Phòng thi hành đang tổ chức thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 379/HSPT đã có hiệu lực pháp luật nói trên và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chưa thu hồi được đủ số nợ theo Bản án hành sự phúc thẩm đó, thì Công ty Tamexco (bên phải thi hành án) đã nộp đơn lên Toà án Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh xin yêu cầu mở thủ tục giải quyết việc tuyên bố phá sản đối với Công ty Tamexco. Toà Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh đã thụ lý hồ sơ để tiến hành mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với Công ty Tamexco.

Theo Luật phá sản doanh nghiệp ngày 30/12/1993, một doanh nghiệp sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn gặp khó khăn, không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì doanh nghiệp đó đã lầm vào tình trạng phá sản và phải được xử lý theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp. Do vậy, khi nhận được hồ sơ hợp lệ cùng với đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì Toà kinh tế toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương sẽ xem xét và xét xử theo quy định của pháp luật. thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp trong trường hợp này đều là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn cũng như quá hạn của mình, mặc dù đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết. Cho nên, trong trường hợp này Toà kinh tế - Toà án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh có tiến hành mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty Tamexco cũng là phù hợp với quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp.
Kể từ thời điểm Toà án ra quyết định tuyên bố phá sản, doanh nghiệp mất quyền quản lý tài sản. Tổ quản lý tài sản thực hiện việc bảo quản tài sản của doanh nghiệp cho đến khi hoàn thành việc bàn giao tài sản cho tổ thanh toán tài sản. Tổ trưởng tổ thanh toán tài sản có quyền đề nghị thẩm phán ra quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp phá sản đang do người khác quản lý. Nếu phát hiện thấy tài sản của doanh nghiệp phá sản bị chiếm giữ bất hợp pháp mà chưa được tổ quản lý tài sản bàn giao thì tổ thanh toán tài sản có quyền đề nghị thẩm phán ra quyết định thu hồi theo đúng thủ tục quy định tại Luật Phá sản doanh nghiệp, đồng thời lập biên bản kiểm kê, xác minh thực trạng và bổ sung vào tài sản của doanh nghiệp phá sản để có biện pháp xử lý chung. Quy định này sẽ mâu thuẫn với việc thi hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật.

PHỤ LỤC 2

Ngày 01 tháng 06 năm 2000, Sở Giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (bên cho vay) chính thức ký đơn khởi kiện Công ty thương mại vật tư Quận 3 Tp.Hồ Chí Minh (bên vay) do Công ty này không trả được nợ đúng hạn và không có thiện chí bán tài sản hoặc giao tài sản (Khách sạn bàn cờ 87 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cho bên cho vay để xử lý, thu hồi nợ. Hồ sơ vụ án kinh tế đã được Toà Kinh tế Tp.Hà Nội thụ lý và đại diện bên cho vay, bên vay đã được thẩm phán phụ trách vụ án triệu tập, hoà giải tại phiên toà. Khi vụ án đang được tiến hành hoà giải, thì ngày 19/09/2000, Toà Kinh tế Tp.Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do bên vay đang nộp hồ sơ yêu cầu việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp tại Toà Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh.

Sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ vụ án nói trên, bên cho vay đã trực tiếp làm việc với Toà Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh và được biết Toà Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh chưa thụ lý hồ sơ đơn yêu cầu việc tuyên bố phá sản của Công ty Thương mại Vật tư Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh do Công ty này chưa cung cấp đủ hồ sơ hợp lệ. Theo quy định của pháp luật phá sản, đơn yêu cầu việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp phải được nộp kèm theo báo cáo quyết toán và thuyết trình chi tiết tình hình tài chính hai (2) năm cuối cùng hoặc từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp có thời gian hoạt động chưa đủ hai năm. Báo cáo phải được cơ quan kiểm toán xác nhận, đối với doanh nghiệp nhà nước còn phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyết theo quy định hiện hành.

Trong trường hợp nói trên, Công ty Thương mại Vật tư Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh mới chỉ nộp đơn yêu cầu việc tuyên bố phá sản chứ chưa gửi kèm theo báo cáo tổng kết năm tài chính hai năm gần nhất đã được kiểm toán. Cho đến nay, sau hơn 2 năm kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Toà Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh vẫn chưa thụ lý hồ sơ yêu cầu việc tuyên bố phá sản của Công ty Thương mại Vật tư Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh nhưng Toà Kinh tế Tp.Hà Nội chưa tiếp tục đưa vụ án kinh tế ra xét xử theo quy định của pháp luật. Khoản 1 - Điều 38 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đã quy định “Toà án quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp đã có Toà án thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó là đương sự của vụ án”. Do vậy, việc Toà Kinh tế Tp.Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ tranh chấp kinh tế giữa Sở giao dịch Vietcombank và Công ty Thương mại Vật tư Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh khi hồ sơ yêu cầu việc tuyên bố phá sản của Công ty vật tư Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh chưa được Toà Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh thụ lý là không phù hợp với khoản 1, Điều 38 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế nói trên.

Nguyễn Quốc Kỳ
Trưởng Ban Pháp chế
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Các văn bản liên quan