Góp ý của Ông Nguyễn Đức Quảng – ĐH Bách khoa Hà Nội – đối với Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thứ Ba 14:35 20-08-2013

1. Về mặt tổng quát :

Về mặt tổng quát, tôi ủng hộ tiến trình điều chỉnh Luật BVMT 2005 (Luật 2005), vì thực tế đã cho thấy, các yêu cầu về bảo vệ môi trường luôn cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường, đứng về mặt tổng thể, đã đáp ứng được yêu cầu Bảo vệ môi trường, vốn đang thay đổi trong tình hình phát triển mới của đất nước, khắc phục được một số tồn tại và bất cập của Luật BVMT 2005, là một bước đi tất yếu và kịp thời trong giai đoạn này.

2. Các điểm góp ý:

A. Chương I:

Điều 2: tôi chưa rõ khái niệm «tổ chức» đã được quy định trong văn bản chính thức nào hay chưa, có bao gồm các cơ quan nhà nước như trong Luật 2005 hay không. Nếu không thì tôi đề nghị điều chỉnh bổ sung bởi vì về sau, sẽ có rất nhiều điều khoản có liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 3:

Khoản 1: Tôi đề nghị: đưa trở lại cụm từ ‘và sinh vật’ ở cuối điều khoản này, như Luật 2005, vì con người phải được coi là một thành phần trong môi trường, và phát triển hài hòa với môi trường chứ không nên đặt ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, tôi đề nghị nên bỏ từ ‘vật chất’ khỏi cụm ‘vật chất nhân tạo’

Khoản 2: Tôi đề nghị bỏ từ ‘âm thanh’ khỏi định nghĩa này, vì bản thân âm thanh không nên coi là yếu tố vật chất

Khoản 3: Nên làm rõ nghĩa từ ‘trong lành, sạch đẹp’ hoặc bỏ đi vì cụm từ này không dễ xác định

Khoản 6: Việc tồn tại cả hai khái niệm ‘quy chuẩn môi trường’ và ‘tiêu chuẩn môi trường’ sẽ dễ gây hiểu lầm về sự sai khác của khái niệm này. Tôi đề nghị, nên bỏ khoản 6, mà thay vào đó, giải thích thêm về sự tồn tại của các tiêu chuẩn môi trường còn hiệu lực tính tới thời điểm Dự thảo Luật được thông qua. Nếu không, ‘tiêu chuẩn môi trường’ cần được định nghĩa khác hơn, tương tự như điều 112 đã quy định

Khoản 7: vì lý do trên, nên thay thế cụm từ ‘tiêu chuẩn môi trường’ bằng cụm từ ‘quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường’ để thống nhất

Khoản 11 và khoản 14: nên làm rõ khái niệm chất thải, vì nếu định nghĩa trong khoản 11 thì phế liệu (khoản 14) là thuộc chất thải và vì vậy, sẽ liên quan đến khoản 9, điều 7 sau này

Khoản 15: Nên bổ sung thêm ý ‘mà không vượt quá giới hạn cho phép’

Khoản 16: Nên xem lại khái niệm về hệ sinh thái, vì nó hàm nghĩa rộng hơn là ‘hệ quần thể sinh vật’. Ngoài ra, hệ sinh thái còn có thể bao hàm cả môi trường sinh sống (yếu tố vô sinh) xung quanh. Ví dụ về định nghĩa hệ sinh thái của USEPA: ‘Hệ sinh thái là một hệ thống tương tác của quần xã sinh vật và môi trường sống bao quanh nó’

Điều 4:

Khoản 2: tương tự góp ý điều 2

Điều 5:

Khoản 5: nên làm rõ khái niệm ‘cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường’ vốn chưa được định nghĩa hoặc giải thích trước đó

B. Chương II:

Điều 8:

Khoản 1: Nên làm rõ khái niệm vùng kinh tế - xã hội, hoặc chỉ để ‘vùng kinh tế

Nên bổ sung vào điều 8 một khoản nêu rõ vị trí của quy hoạch môi trường so với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng

Điều 11:

Nên làm rõ khái niệm ‘tham vấn’ ở đây là tham vấn ai

Điều 14:

Khoản 1: sửa ‘điều 8’ thành ‘điều 13’ mới chính xác

Khoản 4: ghi rõ điều 16 thay vì ‘Điều ….’

Điều 16 và điều 24:

Khoản 2: nên làm rõ khái niệm ‘có chuyên môn về môi trường’? Nếu không, có thể bỏ nội dung trên 50 % số lượng thành viên, vì không có ý nghĩa.

Điều 18:

Khoản 1: giữa các tiểu mục c, d, đ liệu có sự trùng lặp?

Điều 19:

Khoản 1: để đảm bảo tính khách quan, tôi đề nghị chủ dự án không nên thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, cho dù chủ dự án có đủ điều kiện thực hiện như đã nêu trong khoản 1 điều 22.

Khoản 3, tiểu mục c: nên thay từ ‘tăng’ bằng từ ‘thay đổi’

Điều 22:

Khoản 1: tiểu mục a, b: Tại sao chỉ đề cập đến cán bộ có trình độ đại học?

Khoản 3: khi đã quy định  về việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề cho tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường thì nên phản ánh ngay trong khoản 1 về điều kiện, thay vì quy định tại điều 39

Điều 39:

Khoản 2: Nếu đã là các hoạt động, thì không nên đưa vào các cụm từ ‘dữ liệu môi trường’ và ‘sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường’, hoặc phải bổ sung hành động trước các cụm từ nay, vì chúng không phải là các hoạt động

C. Chương III:

Điều 45:

Khoản 1: Nếu có khoản này, phải quy định trách nhiệm do ai thực hiện, và thực hiện từ nguồn lực nào ở trong các điều 46, 47 phía sau

Điều 53:

Khoản 1: tương tự như trên.

Điều 55:

Khoản 1: tương tự như trên.

D. Chương IV:

Điều 58:

Khoản 1: nếu có thêm cụm từ ‘gắn với bản sắc văn hóa truyền thống’ thì sẽ có nhiều làng được coi là có nghề mà không phải là làng nghề, đặc biệt là các làng nghề tái chế.

Khoản 2: cần phải làm rõ, danh mục các ngành nghề được phép hoạt động trên địa bàn nông thôn được quy định ở đâu hoặc cơ quan nào ban hành.

Điều 61:

Khoản 2: Đề nghị bỏ hẳn giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường đối với xe ô tô, mô tô và xe cơ giới khác. Thay vào đó, nên tăng cường năng lực đăng kiểm

E. Chương V:

Điều 74:

Khoản 4: Đề nghị bổ sung thêm tiêu chuẩn về sản phẩm tái chế và phế liệu tái chế

Điều 75:

Khoản 1: Nên làm rõ danh mục sản phẩm phải thu hồi, xử lý

F. Chương VIII:

Điều 115:

Khoản 1: Định nghĩa về quan trắc môi trường là khác nhau trong điều này và điều 3, khoản 18

G. Chương IX:

Điều 121:

Khoản 1: Định nghĩa về thông tin môi trường là khác nhau trong điều này và điều 3, khoản 19

Các văn bản liên quan