Góp ý của ông Dương Thanh Minh – Ban Pháp chế BaoViet Bank

Thứ Ba 09:40 05-01-2010

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG

Dương Thanh Minh

Ban Pháp chế - BAOVIET BANK

 

1. Về đối tượng chịu thuế

Môi trường là tập hợp các yếu tố tự nhiên bao quanh con người, trực tiếp ảnh hưởng và tác động đến hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật,… Do đó, mọi sản phẩm mà trong quá trình sản xuất ra hoặc sử dụng sản phẩm có tác động tiêu cực đến các yêu tố tự nhiên này đều phải chịu một khoản chi phí để góp phần khắc phục, bảo vệ môi trường, đó là thuế môi trường. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Thuế môi trường phạm vi các đối tượng chịu thuế còn hẹp, đặc biệt là đã loại trừ một số sản phẩm “siêu ô nhiễm” như nước thải công nghiệp (nguyên nhân gây ra cái chết của nhiều dòng sông), thuốc trừ sâu, trừ cỏ, khí thải công nghiệp (công nghiệp xả thải CO2), nguồn phóng xạ, chất độc… khỏi đối tượng chịu thuế.

Theo chúng tôi, với một đạo luật được gọi là Luật Thuế môi trường, thì cần bao quát, liệt kê đầy đủ các sản phẩm tác động tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường để điều chỉnh thu thuế, tránh bỏ lọt hoặc điều chỉnh theo cơ chế thu phí thiếu hiệu quả như thời gian qua.

2. Về sự tác động của chính sách

Về nguyên tắc, việc đánh thuế trên một sản phẩm không những sẽ làm tăng giá của sản phẩm đó (ví dụ, đánh thuế trên xăng thì sẽ làm tăng giá xăng khi nhà sản xuất hoặc nhả nhập khẩu bán ra) mà còn có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng giá cả của một, một số sản phẩm khác trên thị trường, đây là “hiệu ứng” đương nhiên về chí phí thị trường (ví dụ, đánh thuế trên than, xăng sẽ làm tăng giá của các sản phẩm mà trong quá trình sản xuất sản phẩm này có sử dụng nhiên liệu là than, xăng…). Dù vậy, việc thu thuế môi trường là cần thiết để không những tạo nguồn tài chính nhằm khắc phục, bảo vệ môi trường mà mục đích lớn hơn là giáo dục, hình thành càng sớm càng tốt ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích việc sử dụng sản phẩm “sạch”, năng lượng “sạch” để tạo sức cạnh tranh về giá,…

Tuy nhiên, do là vấn đề có tác động đến người tiêu dùng và nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoàn có nhiều “biến động” như hiện nay, thì việc áp dụng thuế trên các sản phẩm theo quy định của Luật Thuế môi trường cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động (RIA - Bản đánh giá của cơ quan soạn thảo chưa đúng nghĩa đầy đủ là RIA), có lộ trình thu thuế cụ thể và hợp lý. Ví dụ: Như đã nêu tại điểm 1 của Bản góp ý này, đối tượng chịu thuế ngoài các sản phẩm đã được quy định tại Dự thảo, còn phải bổ sung đầy đủ những sản phẩm tác động tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường khác. Theo đó, trong tổng thể các đối tượng này, nên đặt ra lộ trình những đối tượng chịu thuế ngay sau khi Luật được ban hành và những đối tượng sẽ thu trong tương lai,… Tránh việc phải “gia hạn”, “điều chỉnh” thời hạn thu thuế như quy định về thuế thu nhập cá nhân vừa qua, tạo sự linh hoạt trong quá trình áp dụng phù hợp với điều kiện của thị trường và có quá trình “định hướng”, giáo dục, thích ứng cho toàn xã hội.

3. Về thuế suất và biểu thuế

Theo chúng tôi, việc áp dụng một chính sách thuế nói chung đòi hỏi phải có những đánh giá tác động về kinh tế chi tiết, đầy đủ; ngoài ra, đối với thuế môi trường còn phải đánh giá mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm làm cơ sở cho việc tính thuế. Tuy nhiên, điều này chưa được đáp ứng một cách đầy đủ, nên việc đưa ra các phương án tính thuế khác nhau, đưa ra biểu thuế với các mức khác nhau như trong Dự thảo chưa tạo sự tin tưởng, thuyết phục trên cơ sở nguyên lý và thực tiễn làm cơ sở cho việc đánh giá, lựa chọn.

4. Về vấn đề khác

a) Quy định về đối tượng chịu thuế (Điều 4) chưa hợp lý khi không theo nguyên tắc: Đối tượng không chịu thuế gồm 2 loại:

- Không thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Luật;

- Là đối tượng quy định tại Điều 2 của Luật, nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hàng hoá vận chuyển quá cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, hàng hoá chuyển khẩu theo qui định của Chính phủ;

+ Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo qui định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Do đó, đề nghị chỉnh lý lại theo nguyên tắc trên, đồng thời bỏ “sản phẩm thân thiện với môi trường” (khoản 3) vì sản phẩm này nằm trong trường hợp “không thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Luật” nêu trên.

b) Quy định về nguyên tắc “Mức thuế đối với sản phẩm chịu Thuế môi trường được xây dựng phân biệt theo mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm chịu thuế” (khoản 2, Điều 7) sẽ chỉ là “khẩu hiệu”, nếu Luật của Quốc hội không quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc nghiên cứu, đánh giá mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm chịu thuế để công khai xin ý kiến góp ý và làm cơ sở cho việc quy định thuế suất. Do đó, theo chúng tôi Dự thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm này của Chính phủ.

c) Là Luật Thuế môi trường, nhưng Dự thảo lại thiếu nội dung quan trọng là quản lý và sử dụng tiền thuế. Theo chúng tôi, nội dung này cần được quy định trong Luật, trên nguyện tắc số tiền này chỉ được sử dụng cho mục đích bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Các văn bản liên quan