Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam
Góp ý của ông Cao Bá Khoát – Giám đốc Công ty K và Cộng sự
GÓP Ý DỰ THẢO VỀ CHUYỂN ĐỔI CÔNG TY NHÀ NƯỚC
THÀNH CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN
1. Vấn đề ai là chủ sở hữu công ty:
- Chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi từ công ty Nhà Nước là Nhà Nước, những cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 3 Dự thảo chỉ là đại diện chủ sở hữu, do đó cần quy định rõ trong nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ghi tên chủ sở hữu là ai để tránh tạo những khó khăn cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình đăng ký cho các công ty TNHH được chuyển đổi từ công ty Nhà Nước.
2. Về vấn đề xử lý tài chính, lao động của công ty Nhà Nước thuộc diện cổ phần hóa tạm thời chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên:(điểm d khoản 4 Điều 8 Dự thảo Nghị định)
a. Vấn đề tài chính
- Những công ty Nhà Nước chuyển đổi thành cty TNHH một thành viên sẽ đăng ký kinh doanh và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, do đó chủ sở hữu phải làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu tài sản cho công ty TNHH một thành viên theo Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2005 để xác định vốn Điều lệ, tách bạch tài sản của chủ sở hữu và của công ty. Vì vậy, các công ty Nhà Nước thuộc diện cổ phần hóa tạm thời chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên vẫn phải thực hiện xử lý tài sản, tài chính và đặc biệt là các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như quyền sử dụng đất. Việc làm này không chỉ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp chuyển đổi, giữa doanh nghiệp chuyển đổi và các doanh nghiệp khác hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà quan trọng hơn nó là yếu tố quan trọng giúp các công ty TNHH sau khi chuyển đổi đạt được sự minh bạch hóa về tài chính.
- Sau khi đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì công ty không được tiến hành cổ phần hóa theo quy định pháp luật về cổ phần hóa nữa mà phải tiến hành thủ tục chuyển đổi loại hình công ty từ TNHH một thành viên sang công ty cổ phần theo Điều 154 Luật Doanh nghiệp và Điều 21 Nghị định 139/2007/NĐ-CP và vì vậy không vi phạm nguyên tắc mỗi doanh nghiệp chuyển đổi, cổ phần hóa chỉ được xử lý tài chính và lao động dôi dư một lần.
b. Vấn đề xử lý lao động:
- Việc có xử lý lao động hay không là quyền của chủ sở hữu, tuy nhiên những công ty thuộc diện cổ phần hóa tạm thời chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên phải quy định một điều khoản để có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người lao động được hưởng không thấp hơn so với quyền lợi lẽ ra họ được hưởng nếu công ty cổ phần hóa.
3. Về phạm vi sửa đổi bổ sung và hình thức văn bản:
- Vấn đề chuyển đổi công ty Nhà Nước thành công ty TNHH một thành viên là một vấn đề phức tạp, có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến nền toàn bộ kinh tế do đó phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 95/2006/NĐ-CP để có thể thực hiện một cách nhanh chóng và thống nhất.
4. Về vấn đề đại diện theo pháp luật của công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi:
- Theo khoản 5 Điều 67 Luật Doanh nghiệp: “Điều lệ công ty quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.”Do đó chủ sở hữu công ty có quyền lựa chọn ai là người đại diện theo pháp luật, việc lựa chọn ai là tùy vào tình hình thực tế của mỗi công ty chứ không nên áp đặt chung cho tất cả các công ty. Thông thường thì nên quy định Giám đốc(Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật nhằm tạo sự thuận tiện cho việc điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty.
5. Về vấn đề giám đốc lĩnh vực:
- Giám đốc lĩnh vực là một chức danh quản lý trong công ty thực tế chính là Trưởng phòng quản lý một ngành nghề kinh doanh. Luật Doanh nghiệp không cấm việc các công ty đặt thêm chức danh này, do đó chủ sở hữu có thể cho phép Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc bổ nhiệm, ký kết hợp đồng với Giám đốc lĩnh vực. Quyền hạn, nhiệm vụ của Giám đốc lĩnh vực quy định trong Điều lệ công ty.
6. Về vấn đề cho phép chủ tịch công ty kiêm tổng giám đốc:
- Luật Doanh nghiệp không cấm việc Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc(giám đốc) do đó chủ sở hữu có thể lựa chọn cho phép hoặc không cho phép, tùy từng công ty cụ thể chứ không nên áp đặt chung cho tất cả các công ty.