Góp ý của bà Đặng Thu Thuỷ – Văn phòng Chính phủ

Thứ Năm 09:44 10-12-2009

DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CHUYỂN ĐỔI CÔNG TY NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY TNHH MTV VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TY TNHH MTV DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU

 

 

I. NHỮNG VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN:

1. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung:

   Việc ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 95/2006/NĐ-CP là cần thiết. Ngoài mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cho kịp thời điểm 01/7/2010 thì quy định về tổ chức, quản lý công ty TNHH MTV là một nội dung rất quan trọng. Sẽ có khoảng trên 100 doanh nghiệp quy mô lớn (công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, công ty mẹ - tổng công ty hoạt động theo mô hình mẹ - con và các tổng công ty do nhà nước đầu tư, thành lập) thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH MTV. Do vậy cần có sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này.    

2. Về xử lý tài chính, lao động đối với các doanh nghiệp thuộc diện CPH nhưng trước mắt chuyển thành công ty TNHH MTV và CPH sau năm 2010:

   - Quy định về xử lý tài chính như dự thảo là phù hợp. Cần chia làm 2 đối tượng: các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước giữ 100% vốn điều lệ phải thực hiện xử lý tài chính, còn các doanh nghiệp thuộc diện CPH nhưng tạm thời chuyển thành công ty TNHH MTV thì không cần thực hiện. Tuy nhiên, đối với việc xử lý lao động thì nên linh hoạt, đảm bảo nguyên tắc xử lý một lần, tùy điều kiện thực tế mà có thể cho doanh nghiệp lựa chọn thời điểm thực hiện ngay khi chuyển thành công ty TNHH MTV hoặc thực hiện khi CPH sau năm 2010.

   - Đối với các nông, lâm trường QD và công ty lâm nghiệp: nên chuyển nguyên trạng mà không cần xác định lại giá trị tài sản là đất rừng và các sản phẩm trên đất rừng. Nếu quy định như dự thảo là giao Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn hướng dẫn thì sẽ không bảo đảm tiến độ thực hiện của Nghị định do phải chờ hướng dẫn của 2 Bộ này (thời gian chuẩn bị văn bản hướng dẫn của các bộ này thường rất lâu). Hơn nữa, việc xác định giá trị đất rừng của các nông, lâm trường QD và công ty lâm nghiệp trong thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, không thể thực hiện được trong thời gian ngắn.

3. Về quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty là đại diện theo pháp luật của công ty:

   Cần cân nhắc và thận trọng khi đưa ra quy định này. Khi Chủ tịch là đại diện theo pháp luật của công ty thì sẽ có một số quyền hạn, trách nhiệm vốn là của Tổng giám đốc. Quy định trong dự thảo về nội dung này là chưa rõ ràng, chưa thể hiện được Chủ tịch sẽ đại diện như thế nào; cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn. Khi dự thảo được trình Chính phủ, nội dung này sẽ được đưa ra lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

4. Về quy định chức danh Giám đốc lĩnh vực trong công ty:

   Hiện nay trong các văn bản chưa có quy định về chức danh này nhưng thực chất, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực chính là Giám đốc lĩnh vực. Có thể quy định chức danh Giám đốc lĩnh vực vì phù hợp với các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại.

5. Về quy định Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc:

   Có thể cho phép Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc ở một số doanh nghiệp như các công ty nhà nước độc lập, tổng công ty thuộc tập đoàn… chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ quyết định việc kiêm nhiệm này. Dự thảo đưa ra các điều kiện để thực hiện việc kiêm nhiệm trong đó có điều kiện “phải có đơn đề nghị của người kiêm nhiệm” nhằm tránh tình trạng đùn đẩy, thoái thác tránh nhiệm khi xảy ra sự việc (cho rằng việc kiêm nhiệm do chủ sở hữu giao).

   Người kiêm nhiệm phải chịu trách nhiệm đối với cả hai vai trò Chủ tịch công ty và Tổng giám đốc, vì vậy cần cân nhắc ngoài việc cho hưởng lương đối với chức danh cao nhất có nên cho hưởng thêm một khoản phụ cấp.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC:

1. Quy định về trình tự thủ tục chuyển đổi thành công ty TNHH MTV trong dự thảo thực chất là không có gì mới, chủ yếu là theo Nghị định số 95/2006/NĐ-CP.

2. Quy định về tổ chức, quản lý công ty TNHH MTV:

   - Mô hình Hội đồng thành viên chỉ nên áp dụng đối với các công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, công ty mẹ - tổng công ty hoạt động theo mô hình mẹ - con và tổng công ty do nhà nước đầu tư thành lập.

   - Quy định thành viên Hội đồng thành viên không được đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp thành viên nhằm hạn chế sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp không có giám đốc là thành viên Hội đồng thành viên. Tuy nhiên quy định này vẫn chưa đầy đủ, cần cấm cán bộ quản lý nói chung (thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty…) của doanh nghiệp thành viên tham gia hội đồng thành viên.

   - Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty là người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu. Vì vậy, cần có quy định về hình thức ủy quyền, nội dung ủy quyền của chủ sở hữu cho hội đồng thành viên.   

   - Quy định về kiểm soát viên cần cụ thể, rõ ràng hơn vì vai trò của kiểm soát viên trong công ty TNHH MTV rất quan trọng. Về bản chất, vai trò của kiểm soát viên tương tự như Ban Kiểm soát của công ty cổ phần. Do vậy, kiểm soát viên phải do chủ sở hữu cử, quyền lợi trách nhiệm của kiểm soát viên do chủ sở hữu quyết định.

   - Dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc. Đây là điểm mới so với Nghị định số 95/2006/NĐ-CP.

3. Quy định về quản lý, giám sát của chủ sở hữu đã cụ thể hơn so với Nghị định số 95/2006/NĐ-CP. 

4. Các đơn vị sự nghiệp chuyển đổi thành công ty TNHH MTV cần có quy định riêng, không nên đưa vào nghị định này.     

5. Thời hạn thi hành: hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan để hoàn chỉnh dự thảo, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12/2009. Theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì thời điểm nghị định có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký hoặc công bố. Vì vậy, thời gian các doanh nghiệp chuyển thành công ty TNHH MTV là rất ngắn, chỉ còn khoảng 5 tháng; sẽ có một số doanh nghiệp chuyển đổi không kịp thời điểm tháng 7/2010.

6. Tính khả thi và hiệu quả: việc nới lỏng các quy định về đối tượng và điều kiện chuyển đổi của dự thảo sẽ làm tăng khả năng thực hiện chuyển đổi của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về thời hạn chuyển công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Dự thảo cần tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt chú ý quy định về: kiểm soát viên, đại diện theo pháp luật.. và một số góp ý nêu trên thì mới có hiệu quả thực sự khi đưa vào thực tiễn.

 

 

 

 

Các văn bản liên quan