Góp ý của Ô.Phạm Tuấn Anh – TAND TP.HN

Thứ Hai 11:44 22-05-2006
GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)


Đã từ lâu, Hội đồng là một hình thức thiết lập quan hệ trong đời sống xã hội. Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của Hợp đồng đã chứng minh đó là một hình thức pháp lý thích hợp và hiệu quả trong việc đảm bảo sự vận động của hàng hoá và tiền tệ; và vai trò, vị trí của chế định Hợp đồng ngày càng được khẳng định trong mọi hệ thống pháp luật. Khi nền kinh tế càng phát triển, xã hội văn minh thì việc điều chỉnh bằng pháp luật quan hệ Hợp đồng càng cần thiết, càng được coi trọng và hoàn thiện.

Ở nước ta, việc điều chỉnh bằng pháp luật quan hệ Hợp đồng đã được áp dụng từ lâu, song nó chỉ được hoàn thiện hơn và phát triển mạnh khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ tính từ năm 1999 đến nay nhiều Bộ luật, Luật, Pháp lệnh của Quốc hội ban hành đã và đang điều chỉnh các quan hệ Hợp đồng như Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989, Bộ luật Dân sự 1996, Luật Thương mại 1998... Tuy nhiên, do có những hạn chế về mặt khách quan, chủ quan mà những văn bản pháp luật về quan hệ Hợp đồng chưa thực sự mang tính “chuẩn mực” để điều chỉnh các quan hệ giữa các cá nhân, pháp nhân... trong đời sống xã hội.

Bộ luật Dân sự được ban hành năm 1996. Đây là một Bộ luật cơ bản được xây dựng trên cơ sở khung pháp luật kinh tế thị trường ở nước ta và tiến độ lập pháp tương đối tiến bộ. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự vẫn chưa thể hiện hết “tầm cỡ” là đạo luật chủ yếu chi phối tất cả các quan hệ Hợp đồng.

- Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (được ban hành ngày 25/09/1989), đây là văn bản pháp luật đã điều chỉnh quan hệ kinh tế một cách chung nhất trong bối cảnh những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Ngoài những thành công của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế trong việc quản lý kinh doanh, góp phần tăng cường pháp luật trong lĩnh vực kinh tế bước đầu tạo đà cho việc sản xuất kinh doanh theo pháp luật trong cơ chế kinh tế mới thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày càng tỏ ra không còn phù hợp với thực tiễn sôi động của nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau về sự tồn tại, sửa đổi hay huỷ bỏ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế hoặc đưa những chế định Hợp đồng trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế vào Bộ luật Dân sự.

- Luật Thương mại được ban hành ngày 10/08/1997, có hiệu lực từ ngày 01/01/1998. Đây là pháp luật điều chỉnh mối quan hệ trong hoạt động thương mại có tác động lớn đến môi trường pháp lý kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, sau hơn 07 năm có hiệu lực áp dụng cũng đã bộc lộ nhiều điểm bất cập và thiếu đồng bộ (không nói là có những điều mâu thuẫn) so với những đạo luật khác như Bộ luật Dân sự,...
Việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Đảng và Nhà nước. Nó cũng nằm trong mục tiêu là cải cách tư pháp nà Đại hội Đảng lần thứ VIII đặt ra. Việc chúng ta tập trung góp ý sửa đổi Bộ luật Dân sự để nó xứng đáng vị trí, tầm vóc của nó trong hệ thống pháp luật nói chung này như để nó trở thành một đạo luật “mẫu” trong việc điều chỉnh các quan hệ Hợp đồng hiện nay là một việc làm cần thiết.
Với phạm vi bài viết này, chúng tôi cũng chỉ đề cập đến một khía cạnh trong Bộ luật Dân sự đó là chế định Hợp đồng và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

I. MỘT SỐ DẤU HIỆU PHÁP LÝ ĐỂ PHÂN LOẠI HỢP ĐỒNG
Như chúng ta đã biết, trong quá trình hoạt động của các chủ thể (cá nhân, pháp nhân... ) thường xuyên có tham gia quan hệ với nhau về sản xuất, mua bán, trao đổi hàng hoá, cung ứng dịch vụ... Hình thức pháp lý của các quan hệ đó chính là Hợp đồng.

Có thể dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại Hợp đồng như:
- Căn cứ vào cơ cấu chủ thể của Hợp đồng
- Mục đích của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ cụ thể
- Hình thức thể hiện sự thoả thuận của các chủ thể.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy ba căn cứ pháp lý trên là ba điều kiện cơ bản để phân định giữa các loại Hợp đồng kinh tế hay Hợp đồng dân sự, Hợp đồng thương mại,...

Về căn cứ chủ thể, chúng tôi thấy rằng chủ thể trong Hợp đồng dân sự có thể là cá nhân, có thể là pháp nhân.
- Trong Hợp đồng kinh tế chủ thể pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh. Trong quan hệ Hợp đồng kinh tế thì bắt buộc một bên là pháp nhân, như vậy phạm vi chủ thể của Hợp đồng kinh tế là rất hẹp.
- Chủ thể trong Hợp đồng thương mại là thương nhân ở đây được hiểu là cá nhân, là pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình... có đủ điều kiện để kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật, thường xuyên hoạt động kinh doanh thương mại.

Như vậy, có thể thấy rằng về chế định chủ thể trong Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Luật Thương mại .... thì Bộ luật Dân sự quy định rộng hơn so với Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng Thương mại.
- Về mục đích Hợp đồng:
 Hợp đồng dân sự ký kết nhằm mục đích tiêu dùng.
 Hợp đồng kinh tế được ký kết nhằm mục đích kinh doanh.
 Hợp đồng thương mại được ký kết có thể là nhằm mục đích kinh doanh và cũng có thể nhằm mục đích tiêu dùng.
- Về hình thức của Hợp đồng
 Hợp đồng dân sự có thể giao kết bằng văn bản, có thể giao kết bằng lời nói.
 Hợp đồng kinh tế được giao kết bằng văn bản.
 Hợp đồng thương mại: Hình thức Hợp đồng có thể bằng văn bản, ngoài ra còn giao dịch bằng điện báo, telex, fax...

Một số nhận xét:

1. Việc phân biệt Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng dân sự... có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay trong việc lựa chọn luật để điều chỉnh quan hệ Hợp đồng và xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng.

Tuy nhiên, khi phân tích những dấu hiệu pháp lý cơ bản nêu trên của Hợp đồng vẫn còn những vướng mắc nhất định như:
- Việc các định chủ thể là pháp nhân: Tất nhiên việc xác định pháp nhân phải căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điều 94 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, cần phải xác định pháp nhân kinh tế và pháp nhân thuộc dạng hành chính sự nghiệp.
Hiện nay, còn có một số dạng pháp nhân như các trường học dân lập, một số đơn vị thuộc pháp nhân hành chính nhưng hoạt động kinh doanh có thu có thể xem những đơn vị này là chủ thể (pháp nhân) có hoạt động kinh doanh hay không.
- Việc xác định mục đích của Hợp đồng trong một số trường hợp xác định chủ thể tham gia ký kết Hợp đồng nhằm mục đích gì cũng khó xác định như trong trường hợp cá nhân có đăng ký kinh doanh ký Hợp đồng kinh tế thì rất khó phân định họ nhằm mục đích kinh doanh hay tiêu dùng hoặc một pháp nhân mua điện thoại di động để giám đốc sử dụng trong hoạt động kinh doanh.
- Về hình thức Hợp đồng: Việc xác định hình thức của Hợp đồng có ý nghĩa trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, do có sự phân định khác nhau trong dấu hiệu pháp lý này của các dạng Hợp đồng (Dân sự, Kinh tế...) nên nhiều khi Toà án cũng xác định chưa chuẩn xác về quan hệ Hợp đồng tranh chấp như: Trong quan hệ Hợp đồng bảo hiểm (người mua là pháp nhân chủ nộp tiền, cơ quan bảo hiểm cấp giấy chứng nhận, hay hai chủ thể kinh doanh giao kết Hợp đồng trên máy điện thoại...).

2. Về Hợp đồng vô hiệu và đường lối xử lý Hợp đồng vô hiệu:
Hợp đồng vô hiệu, về nguyên tắc không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết từ thời điểm ký kết. Việc xác định kết luận và xử lý Hợp đồng vô hiệu thuộc thẩm quyền của Toà án, song hiện nay Chế định Hợp đồng vô hiệu chỉ được đề cập trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Bộ luật Dân sự. Trong khi đó đường lối xử lý Hợp đồng vô hiệu của hai văn bản pháp luật lại có điểm khác xa nhau, dẫn đến đường lối giải quyết cũng khác nhau.

3. Vấn đề áp dụng pháp luật:
Trong khi pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện và đồng bộ, thậm chí có sự chồng chéo lên nhau thì việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp trong quan hệ Hợp đồng rất phức tạp. Người Thẩm phán phải lựa chọn luật áp dụng phù hợp với quan hệ Hợp đồng tranh chấp. Ví dụ như trong quan hệ mua bán hàng hoá (trao đổi thương mại) giữa một thương nhân với một cá nhân, tất nhiên chiếu theo các dấu hiệu pháp lý nêu trên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà Dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử thì các Thẩm phán giải quyết tranh chấp dân sự hầu như không áp dụng Luật thương mại để giải quyết. Hoặc trong trường hợp hai pháp nhân ký kết Hợp đồng cho thuê tài sản, địa điểm... thì phải áp dụng những quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết.

II. MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỀ XUẤT:

1. Cần xây dựng Bộ luật Dân sự nói chung và phần Hợp đồng nói riêng trong Bộ luật Dân sự với những quy định “chuẩn mực” mang tính chất mẫu để điều chỉnh các quan hệ pháp luật về Hợp đồng nói chung.
Các quan hệ Hợp đồng khác (Hợp đồng thông dụng, Hợp đồng chuyên biệt...) phải được xây dựng trên cơ sở những quy định mẫu của Hợp đồng Dân sự.

2. Cần xây dựng hệ thống pháp luật dân sự nói chung và hệ thống pháp luật kinh tế (kinh doanh, xây dựng, bảo hiểm...) một cách đồng bộ, tiến tới huỷ bỏ những văn bản pháp luật đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn.

Như đã nêu ở phần trên, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ban hành năm 1989 trong bối cảnh nhận thức và tư duy pháp lý chưa thực sự thoát khỏi điều kiện về tư duy kinh tế kế hoạch hoá, chưa dự liệu được những vấn đề phát sinh từ giao dịch trong khung cảnh của nền kinh tế thị trường. Vị thế, so với điều kiện hiện nay Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế bộc lộ nhiều quy định lạc hậu cùng nhân tố với những quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại.

Việc huỷ bỏ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế sẽ không tạo ra lỗ hổng trong pháp luật kinh tế vì ngoài Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại còn có những quy định về Hợp đồng trong các văn bản pháp luật khác cũng có thể được áp dụng để điều chỉnh.


Phạm Tuấn Anh
TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Các văn bản liên quan