Góp ý của Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Trưởng ban Pháp chế VCCI

Thứ Hai 15:52 20-08-2007


MỘT SỐ GÓP Ý VỀ
DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP
 


I.      Có cần thiết một “Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”?

1.      Nhóm ý kiến thứ nhất: 8 lý do để trả lời là: Không

1.1.     Buộc phải hiểu biết pháp luật là nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật khác).

1.2.     Nhà nước không nên và không cần phải làm thay thị trường, can thiệp vào thị trường sẽ làm thị trường vận hành méo mó.
1.3.     Nguồn lực nhà nước có hạn, hỗ trợ cho doanh nghiệp (với động cơ tốt) vẫn sẽ là không hiệu quả.

1.4.     Ngược lại với chủ trương cải cách hành chính hiện nay (xã hội hoá các dịch vụ công), làm tăng biên chế, phình bộ máy.

1.5.     Hạn chế sự phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý (công ty tư vấn pháp lý, công ty luật, văn phòng luật sư…)

1.6.     Rủi ro cho các Bộ, ngành, UBND tỉnh khi cung cấp các hoạt động dịch vụ, ví dụ: “giải đáp thắc mắc” (dễ dẫn đến xung đột với các tổ chức khác, bao gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp).

1.7.     Đã có quy định về việc này tại các văn bản quy phạm pháp luật khác. Nếu cần bổ sung, nên dưới hình thức một Quyết định hoặc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

1.8.     Trên thế giới, không có mô hình nào tương tự.

2.      Nhóm ý kiến thứ hai: 12 lý do để trả lời là: “Nên”

2.1.     Trên 98% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ (quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ thiếu, nhân lực yếu và thiếu, quản trị doanh nghiệp yếu).

2.2.     Nhiều doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật vì không biết, không hiểu pháp luật cá biệt chỉ có một số doanh nghiệp cố tình vi phạm.

2.3.     Hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn, chung chung, hay thay đổi, không đồng bộ (6 “không”); các văn bản quy phạm pháp luật chờ nhau, v.v…

2.4.     Pháp luật ban hành quá nhanh, quá nhiều, dồn dập để “kịp vào WTO”; hiện nay, không riêng một cơ quan, tổ chức nào có thể hiểu được hết tất cả để hỗ trợ doanh nghiệp.

2.5.     Thị trường dịch vụ pháp lý chưa phát triển, số lượng và chất lượng chưa đáp ứng, hầu hết đều ở các thành phố lớn trong khi đó các doanh nghiệp yếu về tài chính.

2.6.     Tư pháp Việt Nam thiếu công khai, minh bạch, thẩm phán bị hạn chế quyền (giải thích luật); các bản án công khai, khó tiếp cận.

2.7.     Chức năng giải thích luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa được thực hiện tốt.

2.8.     Các hiệp hội mới ra đời thiếu và yếu (tổ chức, nhân sự, kinh phí và kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động), chưa phục vụ tốt hội viên trong hỗ trợ pháp lý.

2.9.     Thực trạng quá yếu kém của các cơ quan trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khi nhu cầu của doanh nghiệp cần được hỗ trợ là rất lớn (kết quả điều tra chỉ số PCI2005, 2006 của VCCI-VNCI trên cả nước)

2.10. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các hoạt động cần thiết nêu tại Dự thảo là mới so với các quy định hiện hành, đồng thời Dự thảo đã cụ thể hoá các nhiệm vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây.

2.11. Ban hành Nghị định sẽ không trái với các quy định của WTO; Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi mạnh như hiện nay, rất cần vai trò tạo “cú hích” của Nhà nước.

2.12. Không xung đột với lợi ích của thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, Nhà nước sẽ rút dần để xã hội hoá hoạt động này trong tương lai.

II.   Làm thế nào để Nghị định có tính khả thi cao?

1.      Những vấn đề chung:

1.1.  Mối quan hệ Nghị định (Dự thảo) với Nghị định số 122/2004/NĐ-CP

-         Nghị định số 122/2004/NĐ-CP quy định chủ yếu:

o       Đối tượng: Tổ chức pháp chế của Bộ, UBND tỉnh.

o       Chức năng: Xây dựng pháp luật, thẩm định rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật. (Khoảng trên 10 nhiệm vụ cụ thể).

(Đề nghị nên bỏ quy định về tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định này).

-         Dự thảo Nghị định này có:

o       Đối tượng: hẹp hơn so với Nghị định 122/2004 (Bộ, UBND tỉnh).

o       Chức năng: Cụ thể hơn chỉ quy định chức năng (trong mối quan hệ với doanh nghiệp).

o       Nhiệm vụ: 5 nhiệm vụ cụ thể (không có trong Nghị định 122/2004)

o       Phương thức thực hiện: Cụ thể hơn (có chương trình, có kế hoạch thực hiện, có tổng kết và có báo cáo)

-         Trong 5 nhiệm vụ “Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định của pháp luật” là mới; khó và dễ xung đột nhất (Điều 8 Dự thảo).

1.2.  Tính chất của Nghị định:

-         Nội dung chủ yếu của Nghị định là cam kết của Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đã là cam kết thì phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

o       Phải kịp thời.

o       Phải chính xác.

o       Phải giải trình.

o       Phải hiệu quả.

Nhận xét: Dự thảo các điều khoản cần chi tiết, cụ thể hơn để đáp ứng các yêu cầu trên; phương thức thực hiện cần cụ thể rõ ràng hơn.

1.3.  Trách nhiệm của Bộ, UBND tỉnh được quy định tại Nghị định này là:

-         Trách nhiệm rất lớn (5 nhiệm vụ) và phức tạp (phối hợp) giữa các Bộ với nhau và giữa TW và địa phương)..

-         Đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cán bộ có năng lực cao.

Nhận xét: Trong Tờ trình về Dự thảo chưa giải trình đúng mức về khả năng cung cấp nguồn lực (kinh phí, biên chế) để thực hiện tốt trách nhiệm trên.

2.      Về 3 vấn đề nêu tại Tờ trình:

-         Vấn đề thứ nhất: Phạm vi các vấn đề và thẩm quyền giải đáp: Nhất trí với Tờ trình chọn Phương án 1. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả, tránh trùng lặp, nên quy định bắt buộc phải đăng các vấn đề hỏi đáp trên Website của Bộ, UBND tỉnh.

-         Vấn đề thứ hai: Trách nhiệm của các UBND cấp huyện: Do điều kiện nhân lực, kinh phí, mức độ tập trung của doanh nghiệp (chủ yếu là ở tỉnh, thành phố), trước mắt ở địa phương nên giao việc này cho UBND tỉnh không hạn chế quyền của UBND huyện được hỗ trợ cho doanh nghiệp.

-         Vấn đề thứ ba: Về điều kiện cần thiết để bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện: Không nhất thiết phải chia thành 3 Phòng thuộc Vụ Pháp chế các Bộ vì: i) nên để các Bộ tự quyết định; ii) giữa nhiệm vụ của các Phòng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và iii) tiết kiệm được nhân lực, chi phí.

3.      Những góp ý cụ thể:

-         Khoản 4, Điều 3: Nguyên tắc bảo đảm sự hài hoà giữa trách nhiệm hỗ trợ với nguồn lực tài chính, nhân sự đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên tắc này rất khó thực hiện và rất khó để giải trình trách nhiệm vì không thể hiện được tính ưu tiên trong lựa chọn (Ví dụ: nếu có nhu cầu hỗ trợ pháp lý cao mà Bộ, ngành bị hạn chế nguồn lực thì giải quyết như thế nào?).

-         Khoản 2, Điều 4: Quy định về nhiệm vụ phối hợp giữa VCCI, Liên minh HTX Việt Nam với các Bộ và UBND tỉnh. Đề nghị quy định các Bộ, UBND tỉnh phải chủ động phối hợp với VCCI, Liên minh HTX và các tổ chức  đại diện doanh nghiệp khác (để thực hiện các cam kết của Chính phủ).

-         Khoản 1, Điều 5: Quy định này khả năng khi triển khai sẽ chồng chéo hoặc bỏ trống (Luật chuyên ngành, Luật chung, Văn bản quy phạm pháp luật TW, Văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành…)

-         Khoản 1, Điều 8: Thắc mắc của doanh nghiệp chia làm hai loại:

o       Do nội dung quy định không rõ (do từ ngữ, diễn đạt, không quy định cụ thể, chi tiết).

o       Do doanh nghiệp không biết áp dụng như thế nào trong thực tế;

§        Đối với loại 1:

·        Nếu là văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Luật, Pháp lệnh việc giải thích dễ dẫn đến xung đột thẩm quyền (thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội).

·        Nếu là văn bản quy phạm pháp luật khác do cơ quan ban hành cao hơn (ví dụ Nghị định của Chính phủ) thì các Bộ, UBND tỉnh có thẩm quyền giải thích không?

§        Đối với loại 2: Đây thực chất là hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật, và do vậy thường là rơi vào các “vụ việc cụ thể”, do đó dễ bị từ chối trả lời.

Điều 8: đề nghị bổ sung Khoản 5: Đăng tải công khai trên website chính thức của Bộ, địa phương về nội dung thắc mắc và giải đáp.

Chương III: Bổ sung một số điều quy định về việc tổng kết, đánh giá Chương trình 5 năm, Chương trình hàng năm và trách nhiệm giải trình của các Bộ, UBND tỉnh trước Thủ tướng.
 
TRẦN HỮU HUỲNH
PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
 

Các văn bản liên quan