Góp ý của Luật gia Trần Quang Minh -Bộ Tư pháp

Thứ Ba 14:03 17-07-2007


GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

 Trần Quang Minh - Luật gia
 
I. VỀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Việc xây dựng và ban hành Nghị định này là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh - thương mại, góp phần xây dựng và giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh – thương mại.

II. MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ NỘI DUNG DỰ THẢO

Để Nghị định sau khi ban hành thực sự phát huy hiệu quả, hiệu lực như những mục đích đã được đặt ra, việc xây dựng Nghị định phải đảm bảo tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc cơ bản của của Đảng và Nhà nước, của hệ thống pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế của Việt Nam, cụ thể như sau:

1. Nghị định phải đảm bảo sự đối xử bình đẳng của Nhà nước đối với các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh - thương mại, bao gồm các cá nhân, tổ chức trong nước và các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Đây là một trong những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, là một trong những cam kết quan trọng của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi gia nhập vào các tổ chức kinh tế thế giới.

Nguyên tắc trên đòi hỏi Dự thảo Nghị định phải quy định các biện pháp xử phạt và mức phạt ngang nhau cho tất cả các loại chủ thể đối với cùng một loại hành vi vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng ngang nhau. Qua rà soát sơ bộ, có thể thấy một số quy định của Nghị định còn thể hiện sự phân biệt đối xử đối với các loại chủ thể khác nhau. Ví dụ: Cùng một hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong các loại giấy tờ thành lập, điểm 2 Điều 10 Dự thảo quy định mức phạt tiền đối với doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam là từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, điểm 2.đ Điều 13 Dự thảo quy định mức phạt tiền đối với Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài là từ 10 triệu đến 15 triệu đồng,  điểm 2.đ Điều 14 Dự thảo quy định mức phạt tiền đối với Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.

2. Nghị định phải hạn chế ở mức tối đa sự can thiệp mang tính chất hành chính của Nhà nước vào các quan hệ đơn thuần mang tính chất dân sự, kinh doanh, thương mại. Vì nếu các chủ thể tham gia những quan hệ này vi phạm các cam kết hay nghĩa vụ được pháp luật quy định (trong trường hợp các bên không có thỏa thuận), thì thiệt hại cũng chỉ xảy ra cho các chủ thể tham gia quan hệ mà không ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, lợi ích của Nhà nước. Bên vi phạm chỉ cần bồi thường thiệt hại cho phía bên kia theo những quy định của pháp luật về dân sự, kinh tế là đủ. Nhà nước không cần phải quy định thêm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm này. Một số quy định của Dự thảo còn chưa đảm bảo tuân thủ nguyên tắc này, ví dụ như điểm 1.b Điều 48 quy định mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán lại hoặc cho thuê lại hàng hóa mà không được sự chấp thuận của bên cho thuê.

3. Quy định của Nghị định về các biện pháp xử phạt, mức phạt và hành vi vi phạm phải rõ ràng, chặt chẽ và chỉ có thể được hiểu theo một cách thống nhất, không được tạo ra những “kẽ hở” cho các cán bộ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lợi dụng để sách nhiễu người kinh doanh vì những động cơ cá nhân. Nguyên tắc này đòi hỏi Dự thảo phải:

Một là, quy định của dự thảo về hành vi vi phạm phải rõ ràng, chặt chẽ, có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn. Có thể dẫn chứng một số quy định của Dự thảo không đảm bảo nguyên tắc này:

Ví dụ: điểm 2a Điều 16 Dự thảo có quy định việc phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đối với hành vi không thực hiện việc báo cáo thường niên, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân theo quy định hoặc thực hiện việc báo cáo không đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Qua rà soát các văn bản pháp luật liên quan, chúng tôi thấy rằng đối với việc báo cáo đột xuất, không phải trường hợp nào cũng được pháp luật quy định về nội dung báo cáo và thời hạn thực hiện báo cáo. Như vậy, nếu việc thực hiện báo cáo đột xuất theo những yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức, nếu cơ quan quản lý nhà nước tùy tiện yêu cầu một thời hạn không hợp lý cho người kinh doanh thì rất dễ đẩy người kinh doanh vào tình trạng phải vi phạm và phải chịu phạt.

Ví dụ: Điểm 1.c Điều 46 quy định việc phạt tiền tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá trong trường hợp không thông báo cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp mà cụ thể là các bên nhận cầm cố, nhận thế chấp. Theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, các giao dịch cầm cố, thế chấp phải được đăng ký mới phát sinh giá trị đối kháng đối với người thứ ba. Trong trường hợp không đăng ký thì người thứ ba xác lập giao dịch đối với tài sản cầm cố, thế chấp vẫn được coi là người ngay tình và được pháp luật ưu tiên bảo vệ quyền lợi. Như vậy, tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá không nhất thiết phải thông báo cho tất cả các bên nhận cầm cố, nhận thế chấp nếu giao dịch cầm cố, thế chấp mà họ tham gia chưa được đăng ký. Mặt khác, về mặt thực tiễn, nếu các giao dịch cầm cố, thế chấp này chưa được đăng ký thì tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá khó có thể biết về việc tài sản đã được cầm cố, thế chấp và thông báo cho bên nhận cầm cố, nhận thế chấp. Do đó, quy định xử phạt hành vi không thông báo của tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá trong mọi trường hợp vừa không phù hợp với quy định pháp luật, vừa không đảm bảo đầy đủ cơ sở thực tiễn.

Hai là, quy định về các biện pháp xử phạt và mức xử phạt cũng phải chặt chẽ, hạn chế tối đa sự dao động mà việc đó cho phép các chủ thể có thể tùy tiện áp dụng các biện pháp xử phạt, mức xử phạt nhằm đạt được những mục đích cá nhân. Ví dụ: đối với quy định về biện pháp phạt tiền, Dự thảo chỉ nên quy định một mức phạt tiền cụ thể cho một hành vi, hạn chế việc quy định khung phạt tiền hoặc quy định một khung phạt tiền quá rộng đối với một hành vi vi phạm. Có thể thấy, tất cả những quy định của dự thảo về biện pháp phạt tiền đều ấn định một khung phạt tiền cho một hành vi vi phạm.

3. Quy định của Nghị định về các biện pháp xử phạt, mức phạt phải đảm bảo tính nghiêm khắc, phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, qua đó, đảm bảo sự răn đe đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, không cho các chủ thể này có cơ hội lặp đi lặp lại hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác tham gia môi trường kinh doanh – thương mại, thiệt hại cho lợi ích chung của xã hội.  

Qua rà soát, còn thấy một số quy định của Dự thảo chưa đảm bảo nguyên tắc trên.

Ví dụ: Điều 24 Dự thảo về việc xử phạt về kinh doanh hàng giả mới chỉ dừng lại ở việc quy định các biện pháp phạt tiền, tịch thu và tiêu hủy hàng giả, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Chúng tôi cho rằng Dự thảo cần bổ sung các biện pháp đình chỉ kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh của các chủ thể kinh doanh hàng giả căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, sự lặp đi lặp lại của hành vi vi phạm.

Ví dụ: Khoản 2 và khoản 3 Điều 19 Dự thảo quy định về việc phạt tiền đối với hành vi kinh doanh loại hàng hóa đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi hoặc tạm ngừng lưu thông. Thực tiễn các vụ việc gần đây cho thấy mức phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng cho loại hành vi này là quá nhẹ, Dự thảo cần quy định các mức phạt tiền khác nhau tùy theo giá trị của loại hàng hóa vi phạm, đồng thời, bổ sung các chế tài mang tính nghiêm khắc hơn đối với những vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng, cố ý lặp đi lặp lại như đình chỉ, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh.

4. Quy định của Nghị định phải đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định khác của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Tóm lại, chúng ta cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định của Dự thảo Nghị định nhằm quán triệt những nguyên tắc nêu trên. Việc làm này sẽ góp phần làm tăng thêm tính hiệu lực, hiệu quả của những quy định của Nghị định sau khi ban hành, qua đó, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ môi trường kinh doanh – thương mại trong sáng, lành mạnh.

III. MỘT SỐ Ý KIẾN CỤ THỂ

1. Điểm 1.c Điều 15 quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc mất Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo chúng tôi, khi bị mất các loại Giấy phép nêu trên, doanh nghiệp chỉ cần khai báo đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là đủ, việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng là không cần thiết, làm cho doanh nghiệp phải chịu thêm một khoản phí tổn vô ích.

2. Điểm 9 Điều 18 quy định áp dụng đồng thời mức phạt tiền nêu tại các khoản từ 1 đến 8 của Điều này. Quy định này không rõ ràng, vì các khoản từ 1 đến 7 và riêng khoản 8 quy định hai mức phạt tiền khác nhau cho hai nhóm chủ thể khác nhau. Người áp dụng khoản 9 sẽ không biết áp dụng mức phạt nào.

3. Điểm 4 Điều 25 quy định về việc xử phạt hành vi kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả. Theo tôi, Dự thảo cần quy định thêm những hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh để tương ứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Ý kiến tương tự đối với điểm 9 Điều 26.

4. Điểm 1.e Điều 29: cần quy định rõ ràng giá bán hàng hoá, dịch vụ là giá bán buôn hay bán lẻ trên thị trường.
 
 

Các văn bản liên quan