Góp ý của Luật sư Đào Nguyên Khải – Phó trưởng văn phòng luật sư Đào và Đồng nghiệp

Thứ Sáu 16:08 20-07-2007


MỘT SỐ GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
 

Kính thưa các Quý vị, tôi xin có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo như sau:

1. Quy định về giảm trừ gia cảnh:

Theo tôi, quy định về giảm trừ gia cảnh có một số vấn đề cần được thảo luận và chỉnh sửa, bổ sung, đó là:

1.1. Mức giảm trừ gia cảnh:

Khoản 1 Điều 18 của Dự thảo quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, đối với người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Theo tôi không nên quy định số tuyệt đối về mức giảm trừ gia cảnh. Tôi giả sử rằng, tại thời điểm Luật có hiệu lực (01/01/2009) thì mức giảm trừ gia cảnh quy định trong Dự thảo là phù hợp với giá cả thị trường, sau khi nộp thuế thu nhập, đối tượng nộp thuế vẫn duy trì được cuộc sống trên mức trung bình. Nhưng do lạm phát nên tới một thời điểm nào đó thì mức đã quy định trong Dự thảo lại không còn phù hợp nữa, và khi đó nếu vẫn áp dụng mức này để giảm trừ tính thuế thì người nộp thuế sẽ không đảm bảo được đời sống. Vì vậy, nên chăng quy định mức giảm trừ gia cảnh theo một con số tương đối, ví dụ như có thể quy định mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu do Chính phủ ban hành: đối với cá nhân đối tượng nộp thuế bằng 10 tháng lương tối thiểu và đối với người phụ thuộc bằng 5 tháng lương tối thiểu. Theo tôi, nếu quy định như vậy thì sẽ hợp lý hơn, linh động hơn và sẽ không phải sửa đổi luật khi mức tiền giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với thực tế.

1.2. Quy định về người phụ thuộc:

Tại Khoản 6 Điều 3 Dự thảo quy định: Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Theo ý kiến cá nhân tôi thì những quy định này cần phải sửa lại theo hướng mở hơn vì trên thực tế, có những nhà hảo tâm, họ nhận nuôi dưỡng những người là đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn như người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi....với mục đích làm từ thiện. Đây hoàn toàn là lòng tốt, sự tự nguyện của họ vì pháp luật không quy định họ có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho những người này. Do vậy, Dự thảo nên quy định những người được đối tượng nộp thuế nuôi dưỡng cũng là những người phụ thuộc của đối tượng nộp thuế. Nếu quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho những người hảo tâm có thể thực hiện được mục đích làm từ thiện của mình, từ đó sẽ làm giảm gánh nặng của xã hội đối với những người già cô đơn, trẻ em cơ nhỡ ...

1.3. Quy định về tổng mức giảm trừ gia cảnh:

Tại Điểm c Khoản 2 Điều 18 Dự thảo đã quy định: Tổng số giảm trừ đối với người phụ thuộc cho một đối tượng nộp thuế không quá 10 triệu đồng/tháng. Theo ý kiến của riêng tôi, không nên giới hạn số tiền giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc cho một đối tượng nộp thuế là 10 triệu đồng/tháng vì có mấy lý do: thứ nhất, con số 10 triệu đồng/tháng không có ý nghĩa gì vì trên thực tế không thể áp dụng được do chúng ta không thể chia 10 triệu cho 1,6 triệu để ra số người phụ thuộc; thứ hai, tôi biết trên thực tế, có những nhà hảo tâm nuôi dưỡng hàng chục trẻ em lang thang nếu chỉ khống chế tổng số giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc cho một người nộp thuế là 10 triệu đồng/tháng thì họ sẽ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng số trẻ nhiều như vậy và khi đó thì quy định này của Dự thảo đã triệt tiêu động cơ tốt của họ.

1.4. Thời điểm tính số tiền giảm trừ gia cảnh:

Một vấn đề nữa là số tiền giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc được tính kể từ thời điểm nào, kể từ khi người phụ thuộc xuất hiện (được sinh ra, được nhận về nuôi...) hay được tính trong kỳ tính thuế vẫn chưa được Dự thảo quy định rõ.

2. Những quy định về xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế:

2.1. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ bị trả lại:

Khoản 2 Điều 11 Dự thảo quy định rằng: “Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá, hoàn thành dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ”. Tuy nhiên, Dự thảo chưa đề cập tới trường hợp sau thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế thì hàng hóa, dịch vụ bị trả lại, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải trả lại tiền đã nhận thì giải quyết thế nào? số tiền phải trả lại có được trừ đi khi xác định doanh thu tính thuế không? Đây là một vấn đề hết sức thực tế. Có nhiều trường hợp người cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp hàng hóa, dịch vụ và đã xuất hóa đơn, thu tiền. Vì một lý do nào đó thì hàng hóa, dịch vụ bị trả lại, người đã cung cấp hàng hóa dịch vụ phải trả lại số tiền đã nhận. Trong trường hợp này thì số tiền đã trả lại cho người mua hàng hóa, dịch vụ đó phải được loại trừ ra khỏi doanh thu tính thuế. Vì vậy, tôi cho rằng, Dự thảo cần phải bổ sung thêm quy định đối với số tiền phải trả lại người mua do hàng hóa dịch vụ bị trả lại thì không tính vào doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế.

Một vấn đề nữa được đặt ra là: nếu số tiền phải trả lại phát sinh ngay trong kỳ tính thuế thì rất đơn giản, người kê khai thuế sẽ không tính khoản đó vào doanh thu tính thuế, nhưng nếu số tiền phải trả lại phát sinh ở trong kỳ tính thuế sau (Ví dụ cuối kỳ tính thuế của năm 2009 thì đối tượng nộp thuế có phát sinh doanh thu, nhưng sang tới đầu kỳ tính thuế của năm 2010 đối tượng nộp thuế phải trả lại cho người mua hàng số tiền đã thu ở cuối kỳ tính thuế năm 2009) thì được giải quyết như thế nào? Vấn đề này thì Luật quản lý thuế cũng chưa đặt ra và do vậy, tôi đề nghị các Quý vị đại biểu cùng tham gia thảo luận.

2.2. Thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (Điều 15):

Khoản 3 Điều 15 của Dự thảo đã quy định: “Giá vốn bất động sản là giá mua bất động sản cộng với các chi phí liên quan đến việc tạo lập nên giá trị của bất động sản, bao gồm chi phí đền bù thiệt hại về đất chưa được trừ vào tiền sử dụng đất, chi phí cải tạo đất, san lấp mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc có trên đất”. Khi đọc quy định này, tôi hình dung ra rằng Dự thảo chỉ quy định những chi phí làm tăng giá trị của bất động sản là quyền sử dụng đất mới được tính vào giá vốn của bất động sản, còn những chi phí làm tăng giá trị của các loại bất động sản khác thì không được tính vào giá vốn bất động sản, và như vậy thì quy định này chưa hợp lý.

Vì vậy tôi đề nghị nên chỉnh sửa lại Khoản 3 Điều 15 của Dự thảo như sau: “Giá vốn bất động sản là giá mua bất động sản cộng với các chi phí liên quan đến việc làm tăng giá trị của bất động sản.” Theo tôi quy định như vậy là đủ và nó đã bao hàm việc tính giá vốn của tất cả các loại bất động sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

3. Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập:

Khoản 1 Điều 22 của Dự thảo quy định: Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo từng lần phát sinh thu nhập đối với những khoản thu nhập sau đây: a) Tiền lương, tiền công.

Theo tôi, quy định này cần phải thảo luận thêm. Thứ nhất, tôi thấy rằng quy định này có thể khó thi hành trên thực tế: Người trả tiền lương, tiền công cho đối tượng nộp thuế không thể biết được tổng thu nhập của đối tượng nộp thuế là bao nhiêu tiền trong một năm và sau khi giảm trừ gia cảnh thì phải nộp bao nhiêu thuế để có căn cứ khấu trừ. Khi đó liệu họ có thể hoàn thành trách nhiệm được không và khi không thể hoàn thành thì chế tài xử lý như thế nào. 

Thứ hai, trách nhiệm khấu trừ thuế của người trả tiền lương tiền công được thực hiện theo từng lần phát sinh thu nhập tức là theo từng lần trả tiền lương tiền công, mà kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch vậy thì đối với những trường hợp mà sau khi đã khấu trừ thuế, đến cuối kỳ tính thuế đối tượng nộp thuế không phải nộp thuế thì được giải quyết ra sao?

            Trên đây là một số ý kiến của tôi, kính mong Ban Soạn thảo và các Quý vị đại biểu cùng nghiên cứu, góp ý và thảo luận.
                                                                              Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2007 
                                                                                       Luật sư Đào Nguyên Khải                                                                     Phó trưởng văn phòng luật sư Đào và Đồng nghiệp
 

Các văn bản liên quan