Góp ý của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính – Vafi

Thứ Sáu 16:06 20-07-2007

                                                                               Hà Nội, ngày 20  / 7  / 2007
 
Số   : 419 / HHĐTTC
V/v : Góp ý Luật Thuế thu nhập cá nhân
 
                        Kính gửi : Uỷ Ban Thường vụ Quốc Hội
                                          Bộ Tài chính 
                                          Uỷ Ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc Hội
                                          Uỷ Ban  Pháp luật của Quốc Hội
                                          Văn phòng Quốc Hội
 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ Ban Thường vụ Quốc Hội về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự Luật Thuế Thu nhập cá nhân, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin có ý kiến như sau :
 
Liên quan tới  hoạt động của thị trường tài chính,VAFI tập trung góp ý 2 vấn đề lớn :
 
- Bàn về phương pháp tính thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán ( hoạt động chuyển nhượng vốn ) ;
 
- Có  nên tính thuế từ việc kinh doanh trái phiếu không ?
 
I/ Vấn đề thứ nhất :
 
1/ Phương pháp tính thuế như nội dung Dự thảo : Điểm 1 Điều 14 qui định “ Thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua các loại chứng khoán, giấy chứng nhận đầu tư vốn dưới các hình thức khác và các khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn
 
2/ Phân tích những bất cập của phương pháp tính thuế như trong  Dự thảo
 
2.1.Cần đưa ra  khái niệm cụ thể về các loại nhóm chứng khoán:
 
-  Theo thông lệ quốc tế và Luật Chứng khoán thì chứng khoán bao gồm nhiều loại như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua cổ phiếu....Tập trung lại phân chia thành 2 nhóm chứng khoán :
 
+ Chứng khoán vốn : như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, quyền mua cổ phiếu....Đây là những loại chứng khoán mang tính chất đầu tư lời ăn, lỗ chịu. Vốn thu được từ các đợt phát hành trở thành và làm tăng nguồn vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp.
 
+ Chứng khoán nợ : Các loại trái phiếu,  , trái phiếu trong thời kỳ chưa chuyển đổi ....Đây là những loại chứng khoán được bảo đảm an toàn hơn so với chứng khoán vốn. Người đầu tư được nhận lãi trong thời kỳ phát hành. Doanh nghiệp sau khi phát hành chứng khoán nợ thì các khoản vốn này doanh nghiệp ghi nhận là các khoản nợ, không được hạch toán vào vốn chủ sở hữu.
 
- Việc phân định cụ thể từng nhóm chứng khoán khác nhau nhằm mục đích  xác định được cụ thể phương pháp tính thuế, phương pháp tổ chức  thu thuế khác nhau. Đây là 1 thông lệ phổ biến trên thế giới.
 
- Trong Vấn đề thứ nhất, chỉ phân tích phương pháp tính thuế, phương pháp thu thuế đối với nhóm chứng khoán vốn, còn nhóm chứng khoán nợ sẽ được đề cập trong Vấn đề thứ Hai
 
2.2. Không thể tạo ra cơ sở pháp lý để xác định phương pháp tính giá mua, giá bán chứng khoán trong thị trường giao dịch cổ phiếu phi tập trung:
 
- Có 2 loại thị trường giao dịch chứng khoán vốn :
 
+ Thị trường tập trung gồm sàn giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội . Những chứng khoán vốn niêm yết tại 2 thị trường này đều dễ dàng xác định được giá mua, giá bán một cách cụ thể theo từng phiên, từng ngày giao dịch và cụ thể giá mua, giá bán của từng nhà đầu tư. Công ty chứng khoán đều có bản liệt kê các hoạt động giao dịch của từng nhà đầu tư, việc xác định được giá mua giá bán cụ thể cho từng giao dịch là căn cứ vào các yếu tố :
 
. Chứng khoán được giao dịch tập trung ;
. Nhà đầu tư phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán và phải giao dịch mua bán thông qua công ty chứng khoán.
 
+ Thị trường phi tập trung : Không xác định được chính xác giá cả ở từng thời điểm, cơ quan thuế hay cơ quan quản lý thị trường không thể có công cụ để xác định được giá cả thị trường hay xác định được những giao dịch mua bán của các nhà đầu tư cá nhân với nhau vì việc mua bán chứng khoán không cần phải thông qua công ty chứng khoán, không cần phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán.
 
- Nếu lấy hợp đồng mua bán giữa người mua người bán chứng khoán để làm căn cứ xác định giá mua và giá bán thì sẽ không khả thi vì khi cơ sở tính thuế không rõ ràng, sẽ có tâm lý lách luật từ 1 số cá nhân,và từ đó không bảo đảm tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế
 
- Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy :
 
+ Không thể áp dụng phương pháp  tính thuế đầu tư chứng khoán căn cứ vào giá mua giá bán đối với cổ phiếu không đăng ký niêm yết hay giao dịch vì không thể thực hiện được. Cách thức tổ chức thu thuế cũng rất phức tạp và tốn kém.
 
+ Nếu áp dụng thu thuế chuyển nhượng chứng khoán thì họ lấy mệnh giá cổ phần làm giá tính thuế và áp dụng thuế khoán với 1 tỷ lệ nào đó. Tuy nhiên để thực thi phương pháp này thì cũng không đơn giản vì tổ chức nào sẽ là người thu thuế ? Trong mọi tình huống cơ quan thuế địa phương không thể trực tiếp tiến hành thu thuế được đối với hàng triệu người chơi chứng khoán.
 
2.3. Không thể tạo ra cơ sở  pháp lý để xây dựng được phương pháp tính các khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập tư hoạt động chuyển nhượng vốn :
 
-  Các khoản chi phí mua bán chứng khoán bao gồm :
 
+ Tiền phí môi giới chứng khoán : Nếu mua bán chứng khoán niêm yết thì người mua, người bán phải trả tiền môi giới cho công ty chứng khoán, khoản chi này là có chứng từ pháp lý. Nhưng nếu mua bán tại thị trường phi tập trung thì phí môi giới là không có chứng từ pháp lý vì người môi giới là cá nhân.
 
+ Chi phí mua thông tin : Mua sách báo, mua thông tin từ các nguồn không chính thức , chi phí giao dịch điện thoại .......phát sinh trong quá trình đầu tư là khoản chi phí không nhỏ và không thể xác định được vì không có chứng từ pháp lý.
 
+ Chi phí vay vốn từ bạn bè, người thân hay từ các tổ chức tín dụng là không thể xác định được các chứng từ pháp lý trong việc đi vay vốn. Chi phí vay vốn sẽ là không nhỏ khi đầu tư lâu dài hay đầu tư trong bối cảnh thị trường trầm lắng. Thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp thua lỗ từ kinh doanh chứng khoán chỉ vì đi vay ngân hàng. Có nhiều tình huống giá bán cao hơn giá mua nhưng nhà đầu tư vẫn lỗ vì chi phí vay vốn quá lớn.  
 
+ Chi phí đi lại, ăn ở... trong quá trình đầu tư  sẽ rất khó xác định hay không thể xác định rằng có phần chi phí nào là hợp lý đối với những nhà đầu tư cá nhân . Liệu cơ quan thuế có thể xác định vé may bay của nhà đầu tư sử dụng vào mục đích đi đầu tư hay đi du lịch ?
 
+ Chi phí đào tạo : Nhà đầu tư trau dồi kiến thức của mình qua các lớp đào tạo , qua các buổi hội thảo.... Trong tình huống này cũng khó xác định những chứng từ pháp lý.
 
+ Chi phí sức lao động bỏ ra để nghiên cứu và quyết định đầu tư chứng khoán : Không thể tính được và không thể xác định được chứng từ mang tính pháp lý đối với từng nhà đầu tư có qui mô đầu tư vốn khác nhau.
 
+ Hiện nay đã có hàng vạn nguời coi việc đầu tư chứng khoán là 1 nghề kinh doanh, họ theo đuổi nghề kinh doanh chứng khoán và không làm nghề khác. Những đối tượng này có thể coi là những hộ kinh doanh cá thể,  tuy nhiên họ không thể  tổ chức hạch toán việc đầu tư chứng khoán như các hộ kinh doanh cá thể, đồng thời thu nhập hàng năm của họ sẽ không được khấu trừ các khoản như chiết trừ gia cảnh, phần giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc như các hộ kinh doanh cá thể .
 
3. Kết luận :
 
-  Theo Điều 21 của Bản Dự thảo thì thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn là 25%. Thành viên trong Ban soạn thảo giải thích rằng cơ sở để đưa ra thuế suất 25% là để phù hợp với thuế suất của doanh nghiệp và rằng để tránh tính trạng tổ chức dùng tư cách cá nhân để đầu tư và trốn thuế. Việc đưa ra thuế suất 25% và lập luận như trên là hoàn toàn không có căn cứ hợp lý :
 
+ Đối với những tổ chức kinh doanh chứng khoán thì toàn bộ các khoản chi phí về đầu tư, chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đều dễ dàng xác định được và điều này thì gần như là không thể đối với nhà đầu tư cá nhân.
 
+ Bản chất của hoạt động đầu tư chứng khoán là đầy rủi ro nhưng vô cùng cần thiết đối với việc phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia, nên chính sách thuế đối với kinh doanh chứng khoán là có đặc thù, mức thuế suất bao giờ cũng nhỏ hơn thuế suất các hoạt động sản xuất kinh doanh. Không có quốc gia phát triển nào trên thế giới mà lại có thuế suất 25%, trong khi đó nước ta đang ở thời kỳ của TTCK còn non trẻ.  
 
- Nếu phương pháp tính thuế như trong Dự thảo thì sẽ không xác định các khoản chi phí mua bán chứng khoán. Trên thực tế chỉ xác định được chính xác giá mua, giá bán của những loại chứng khoán niêm yết, và nếu chỉ căn cứ vào giá mua, giá bán còn coi chi phí bằng 0 thì trên thực tế người đầu tư chứng khoán có thể phải chịu thuế suất từ chênh lệch chứng khoán từ 40% đến 100% hoặc thậm chí còn cao hơn nhiều ( trường hợp kinh doanh thua lỗ - giá mua cộng chi phí thực tế lớn hơn giá  bán ).
 
- Chính vì không thể xác định được các chi phí mua bán chứng khoán nên theo thông lệ quốc tế phổ biến thì họ chỉ tính thuế dựa trên khoản chênh lệch về giá mua, giá bán chứng khoán và với mức thuế xuất bao giờ cũng nhỏ hơn rất nhiều so với thuế suất thuế thu nhập từ doanh nghiệp Thường thuế suất từ chênh lệch mua bán chứng khoán là từ 5%-10%.- Về bản chất đây cũng là 1 phương thức thuế khoán .
 
- Tuy nhiên phương pháp tính thuế thu nhập dựa trên cơ sở giá mua, giá bán chỉ áp dụng với những quốc gia phát triển , đã tổ chức tốt việc hoạt động của thị trường giao dịch cổ phiếu phi tập trung. Phương pháp này nếu áp dụng ở nước ta là rất phức tạp vì chúng ta khó có thể tính thuế ở thị trường phi tập trung, vì vậy cuối năm tổng kết thì không thể xác định được tổng giá mua, tổng giá bán của các loại cổ phiếu ở 2 thị trường
 
4/ Đề xuất của VAFI: 
 
4.1.Những nguyên tắc cơ bản cho việc hoạch định chính sách thuế đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân :
 
- Phải đảm bảo tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, không để 1 trường hợp nào trốn thuế hay gian lận về thuế
 
- Phương pháp tính thuế , phương pháp tổ chức thu thuế phải đơn giản, dễ thực hiện và hết sức thuận tiện cho nhà đầu tư và với chi phí thu thuế nhỏ nhất.
 
- Mức đóng thuế cần hợp lý và cần đạt tới các mục tiêu :
 
+ Ngày càng khuyến khích đông đảo người dân tham gia đầu tư chứng khoán. Cần phải đặt mục tiêu trong 10 năm nữa có khoảng 5 triệu người đầu tư chứng khoán và với xuất phát điểm hiện nay mới có khoảng 200.000 cá nhân tham gia đầu tư chứng khoán;
 
+ Phải đảm bảo TTCKVN phát triển liên tục, bền vững, hệ thống doanh nghiệp VN dễ dàng huy động được vốn cổ phần từ công chúng đầu tư. Khi hệ thống doanh nghiệp dễ dàng thu hút được vốn trong công chúng thì tiền thuế thu được từ khu vực doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu áp đặt thuế cao đối với nhà đầu tư cá nhân thì TTCK sẽ rất khó phát triển, hệ thống doanh nghiệp khó thu hút vốn từ công chúng và các khoản thuế từ khu vực doanh nghiệp sẽ không tăng nhanh, đồng thời nếu đưa ra chính sách thuế không hợp lý có thể sẽ làm cho đông đảo nhà đầu tư cá nhân thua lỗ.
 
+ Cần tham khảo các nước khu vực : Như Hongkong, Singapore , Thai lan .....hiện không áp dụng thuế đánh vào chuyển nhượng chứng khoán, còn Trung quốc thì ở mức thuế rất thấp.
 
4.2. Kiến nghị về phương pháp tính thuế, phương pháp thu thuế:
 
- Đối với chứng khoán niêm yết tại thị trường tập trung thì dùng phuơng pháp thuế khoán đánh trên từng giao dịch : Căn cứ vào giá bán chứng khoán và với thuế suất khoảng từ 0,05% - 0,1% . Công ty chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế sau mỗi giao dịch bán đối với nhà đầu tư cá nhân trong nước. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân nước ngoài thì tổ chức lưu ký chứng khoán ( hoặc công ty chứng khoán hoặc ngân hàng lưu ký ) có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế cho nhà nước.
 
- Đối với thị trường giao dịch phi tập trung : Khả năng có thể thu được thuế đối với những công ty công chúng có chứng khoán niêm yết tại Trung tâm lưu ký. Việc thu thuế phải gắn với qui trình chuyển nhượng đơn giản ( có thể thông qua công ty chứng khoán). Tuy nhiên không thể xác định được  cơ sở pháp lý trong việc xác định giá mua, giá bán . Vì vậy giá tính thuế có thể căn cứ vào mệnh giá cổ phần và với tỷ lệ thuế suất cao hơn ( 0,2 % chẳng hạn ).
 
- Theo thống kê hiện nay thì lượng cổ phiếu giao dịch từ các công ty niêm yết và công ty công chúng chiếm trên 90% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường chứng khoán, vì vậy chúng ta không đặt vấn đề thu thuế chuyển nhượng chứng khoán từ những đối tượng doanh nghiệp không phải là công ty công chúng.
 
II/Vấn đề thứ hai: Có nên thu thuế từ kinh doanh các loại trái phiếu hay không ?
 
- Thị trường trái phiếu nước ta chia làm 3 khu vực :
 
+ Khu vực trái phiếu doanh nghiệp ;
 
+ Khu vực trái phiếu chính quyền địa phương ( Do chính quyền địa phương phát hành thông qua các Quỹ đầu tư địa phương )
 
+ Khu vực trái phiếu chính phủ ( được phát hành qua kho bạc nhà nước hay Bộ Tài chính hay Ngân hàng Phát triển ) .
 
- Hoạt động kinh doanh trái phiếu bao gồm 2 sắc thuế :
 
+ Thuế đánh vào lãi trái phiếu ;
 
+ Thuế đánh vào chênh lệch mua bán trái phiếu ;
 
- Nhìn chung thị trường trái phiếu nước ta còn chậm phát triển so với các nước trong khu vực và so với loại chứng khoán vốn. Lượng trái phiếu được phát hành từ khu vực doanh nghiệp và khu vực chính quyền các tỉnh còn rất ít, các đợt phát hành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lượng hàng hoá trái phiếu chủ yếu là trái phiếu chính phủ chiếm trên 90% tổng lượng giao dịch.
 
- Nếu đánh thuế vào chênh lệch giá mua giá bán  trái phiếu chính phủ thì ai sẽ là người đóng thuế ? Đi sâu vào bản chất vấn đề thì không phải là người đầu tư đóng thuế mà là Chính phủ đóng thuế. Thực tế đã chứng minh rằng khi Chính phủ phát hành công trái hay trái phiếu giáo dục ( theo qui định hiện hành những loại trái phiếu này được miễn thuế chuyển nhượng, miễn thuế lợi tức) thì lãi xuất của công trái và trái phiếu giáo dục thấp hơn là những loại trái phiếu chính phủ có tính thuế.
 
- Khi đánh các loại thuế vào kinh doanh trái phiếu chính phủ, hiển nhiên lãi xuất trái phiếu phải tăng lên tương ứng. Tuy nhiên lãi xuất trái phiếu chính phủ cao thì sẽ không có lợi trong điều hành kinh tế vỹ mô vì sẽ thúc đẩy mặt bằng lãi xuất huy động toàn thị trường lên, sẽ đẩy mặt bằng huy động vốn trong ngành ngân hàng lên và từ đó thúc đẩy lạm phát lên cao. Vậy đánh thuế vào trái phiếu chính phủ thì chẳng có lợi gì, không những thế còn ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô, đến giá thành sản phẩm....
 
- Qua phân tích trên thì không nên đưa đối tượng tính thuế đối với giao dịch chuyển nhượng trái phiếu chính phủ vào trong Bản Dự thảo.
 
- Còn trái phiếu doanh nghiệp có nên đánh không ?
 
+ Như phân tích trên thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn kém phát triển, hệ thống doanh nghiệp VN chưa có những điều kiện thuận lợi để phát hành những đợt trái phiếu doanh nghiệp với quy mô vốn lớn, với lãi xuất thấp.
 
+ Về bản chất thì trái phiếu do doanh nghiêp phát hành bao giờ độ rủi ro cũng cao hơn nhiều so với Trái phiếu Chính phủ, vì vậy lãi xuát phát hành của trái phiếu doanh nghiệp cao hơn trái phiếu chính phủ .
 
+ Chưa nên đánh thuế vào trái phiếu doanh nghiệp cho mọi đối tượng nhà đầu tư ( tổ chức và cá nhân ) nhằm làm cho lãi xuất trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp, có như vậy mới ngày càng khuyến khích hệ thống doanh nghiệp VN phát hành trái phiếu.
 
+ Trong Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, chúng ta đã chủ trương chưa đánh thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm ( đây thực chất cũng gần như là dạng trái phiếu ngắn hạn ) thì cũng nên xem xét không đánh thuế đối với việc kinh doanh trãi phiếu vì không được bao nhiêu.
 
Trên đây là ý kiến của VAFI. Kính mong các cơ quan hữu quan xem xét ./.
           
Trân trọng cảm ơn ./.
 

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính
                                                                                                 

Các văn bản liên quan