Góp ý của Bà Lê Thị Thu Hà – Cục quản lý cạnh tranh Bộ Thương mại

Thứ Năm 14:57 09-08-2007


GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP


 
Lê Thị Thu Hà
Cục Quản lý cạnh tranh _ Bộ Thương mại

Một trong những điểm yếu kìm hãm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường chính là nhận thức về các quy định pháp luật cả trong nước và quốc tế, trong đó khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của doanh nghiệp và hoạt động hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước là nguyên nhân quan trọng lý giải cho hạn chế này. Trên cơ sở đó, Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Tư pháp dự thảo, sẽ góp phần mở rộng phạm vi giải quyết thắc mắc về các quy định pháp luật, không còn bó hẹp trong thủ tục hành chính và xác định rõ cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Nếu Nghị định có hiệu lực thi hành thì đây là lần đầu tiên hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được hợp pháp hóa trong một văn bản pháp luật ở mức Nghị định, đã bao quát được các vấn đề cơ bản và bước đầu đảm bảo được mục tiêu nâng cao năng lực thực hiện pháp luật của doanh nghiệp.

Căn cứ vào mục tiêu ban hành của Nghị định, người viết bài xin đưa ra một số ý kiến cá nhân, đóng góp như sau:

- Thứ nhất, tại Điều 1 – Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong dự thảo, nên quy định các doanh nghiệp được hỗ trợ là các doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các quy định trong các văn bản pháp luật.

- Thứ hai, về nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nên bổ sung nguyên tắc minh bạch, được hiểu là quá trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện công khai, rõ ràng trên cơ sở các quy định pháp luật trong các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, tại khoản 1 – Điều 3, nằm trong nội dung về nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nên sửa đổi thành “Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được áp dụng bình đẳng đối với mọi loại hình chủ thể kinh doanh” sẽ đảm bảo nguyên tắc minh bạch trong hoạt động của các cơ quan có chức năng trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp.

- Thứ ba, kết quả xử lý kiến nghị của doanh nghiệp của Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực do mình quản lý, bên cạnh trách nhiệm gửi cho Bộ Tư pháp trước ngày 30 tháng 6 và 30 tháng 12 hàng năm (theo Điều 9 – Dự thảo Nghị định) để tổng hợp báo cáo Chính phủ cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp gửi bản tổng hợp kết quả này cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện khác của doanh nghiệp để các tổ chức này có kế hoạch cụ thể phổ biến, tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật, đặc biệt trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp có nhiều thắc mắc, kiến nghị.

- Thứ tư, cần bổ sung quy định về việc công khai, minh bạch các chương trình xây dựng văn bản pháp luật của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để các doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến và tiếp cận bước đầu với các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

- Thứ năm, tại khoản 1, Điều 10 – Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tại khoản 1 nên sửa thành “Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp …” vì theo, quy định như dự thảo “ nâng cao hành động của người quản lý doanh nghiệp” là không rõ ràng khi nhận biết quy định này.

- Thứ sáu, cũng trong Điều 10 – tại khoản 3, nên bỏ quy định về mục tiêu “thúc đẩy thị trường tư vấn pháp luật phát triển”, vì việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không phải nhằm mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý mà nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, xem xét loại bỏ nội dung “thúc đẩy thị trường tư vấn pháp luật phát triển” tại khoản 3 – Điều 3 về Nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể xem xét phương án sửa đổi “” thành “bảo đảm thị trường tư vấn dịch vụ pháp luật hoạt động theo đúng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Một ưu điểm nổi bật của các quy định pháp luật trong dự thảo Nghị định đã đảm bảo được tính đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam thông qua đó, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, do đó, việc hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp cần được các cơ quan hữu quan hữu quan quan tâm và nghiêm túc thực hiện.

Các văn bản liên quan