Góp ý của InvestConsult

Thứ Bảy 16:23 20-05-2006
ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT

Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ
(Investconsult Group)



Dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất (Dự thảo LDNTN) đã được sửa đổi lần thứ 16. Song hành cùng với mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo cho sự ra đời của LDNTN ngay từ buổi đầu, ở lần sửa đổi này, Dự thảo đã có những nội dung mới nhất định, dung hoà được một số tranh cãi trước đây:

Quy định về thời hạn kết thúc chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần để áp dụng theo quy định của Luật doanh nghiệp

Dự thảo Luật kiến nghị thời hạn này là bốn năm (Điều 166, khoản 1). Như vậy sau 4 năm LDNTN có hiệu lực, sẽ không còn khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), và Luật DNNN cũng sẽ tự động chấm dứt hiệu lực (Hơn nữa, Dự thảo còn nhấn mạnh các DNNN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh cũng được tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật DN- Điều 166, khoản 2). Nếu công cuộc trên trở thành hiện thực, thì nguyện vọng của các doanh nghiệp khối dân doanh đã được đáp ứng, DNNN đã hoà cùng vào sân chơi chung, những đặc ân cho DNNN sẽ không còn nữa. Và Điều 166 này còn giải tỏa được những vứơng mắc trong việc đưa DNNN quy định thành một chương riêng trong LDNTN này, vì chính quy định này không những tạo được sự bình đẳng như đòi hỏi mà vẫn có sự tách biệt giữa quy định cho hai khối dân doanh và quốc doanh, sẽ không khác gì công việc gộp hai luật riêng rẽ vào làm một mà không có tác dụng nào hơn.

Vấn đễ bàn cãi về quy định thời hạn bốn năm là ngắn hay dài chúng tôi không có ý kiến gì hơn. Bởi vì thời gian dẫu ít hay nhiều thì tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước cũng đã và đang diễn ra khá lâu. Điều chúng tôi mong muốn là sự quyết tâm thực hiện của các nhà quản lý.

Về công ty mẹ, công ty con và nhóm công ty

Lần sửa đổi mới này Dự thảo đã bổ sung thêm một chương mới là “Chương VII: Công ty mẹ, công ty con và nhóm công ty”. Có ý kiến cho rằng không nên có quy định này trong Luật Doanh nghiệp vì là công ty me, công ty con hay nhóm công ty đều thuộc một trong bốn loại hình doanh nghiệp đã quy định. Tuy nhiên trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, cơ cấu “nhóm công ty” đã xuất hiện dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, do vậy nhất thiết cần luật điều chỉnh để quy định về mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, để bảo vệ quyền và lợ ích hợp pháp của thành viên, cổ đông thiểu số và chủ nợ của các công ty con trong mối liên hệ với công ty mẹ.

Việc bảo vệ những quyền lợi đó, thực chất là xuất phát từ mối quan hệ tài chính giữa công ty mẹ- công ty con. Nhưng Dự thảo hiện nay có xu hướng tạo sự độc lập, bình đẳng giữa hai công ty. Công ty mẹ chỉ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu, hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con (Điêù 146, khoản 1) Điều này trái với bản chất của mối quan hệ phụ thuộc tài chính giữa công ty mẹ và công ty con. Hơn nữa, sự mâu thẫu còn được hiển hiện ngay trong Điều 145: Một công ty được coi là công ty con của công ty khác nếu công ty khác đó sở hữu hơn 50% vốn điều lệ hoặc số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó. Với mức sở hữu hơn 50% vốn trong một công ty khác, thì công ty này sẽ chi phối không những cả về tài chính, mà còn cả phương hướng hoạt động, cơ cẩu tổ chức lẫn nhân sự của công ty. Do vậy sự độc lập là mâu thuẫn. Mặt khác, nếu với khuynh hướng là độc lập như vậy, thì mỗi công ty mẹ, con đã chịu sự điều chỉnh chung của luật DN dành cho 4 loại hình, không cần những quy định này nữa.

Do vậy, theo chúng tôi, có những quy định về cơ cấu nhóm công ty là cần thiết, và cần cụ thể hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa công ty mẹ- công ty con.

Tính pháp nhân của công ty hợp danh

Điểm mới của sửa đổi lần này là quy định công ty hợp danh là pháp nhân, với lập luận rằng công ty hợp danh có tài sản độc lập vì tất cả tài sản đều mang danh công ty đó. Do vậy quy định công ty hợp danh là pháp nhân không trái với Bộ Luật Dân sự.

Công ty hợp danh vẫn chịu trách nhiệm vô hạn. Vậy tính độc lập về mặt tài sản trên khác gì so với cơ cấu tài sản trong công ty tư nhân. Trong khi công ty tư nhân không được mệnh danh là pháp nhân, và vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn. Tính “pháp nhân” vẫn chưa rõ hình hài và bản chất, cần sự lưu tâm và nhất quán của pháp luật.

Sự công nhận công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân

Sự thừa nhận một cá nhân có quyền thành lập và vận hành công ty trách nhiệm là cần thiết. Luật doanh nghiệp không nên vì sự trốn tránh trách nhiệm tài sản của cá nhân mà không cho phép cá nhân được thành lâp CTTNHH một thành viên.Đây là vấn đề thuộc vai trò lĩnh vực điều chỉnh của Luật khác, ví dụ: cần có sự ra đời của Luật phá sản cá nhân, sự chặt chẽ của Luật kế toán, kiểm toán v.v…

Về hồ sơ đăng ký kinh doanh

Điều 18, khoản 5 có quy định rằng: Đối với những công ty kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề thì cần chứng chỉ hành nghề của Giám đốc và cá nhân khác. Sự mở rộng số lượng cá nhân có chứng chỉ hành nghề này cũng chính là sự thu hẹp điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp, vô tình đi trái với mục tiêu của Dự thảo từ buổi đầu soạn thảo. Theo chúng tôi nên giữ quy định như luật cũ, chỉ cần chứng chỉ hành nghề của một trong những người quản lý hoặc một trong các thành viên. Sự thắt chặt như Dự thảo sẽ tạo khó khăn cho các doanh nghiêp, mà vẫn không tạo ra sự kiểm soát nào gắt gao hơn một khi các doanh nghiệp cố ý vi phạm luật.

Các văn bản liên quan