Góp ý của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế

Thứ Ba 14:28 19-03-2013

        UBND TỈNH TT HUẾ       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH              Độc lập - Tự do – Hạnh phúc   

                                                 

        Số:          /BC- HHDN                     Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 03 năm 2013

     

BÁO CÁO

TỔNG HỢP Ý KIẾN THAM GIA GÓP Ý

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

                         Kính Gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam.

          Căn cứ nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012  của Quốc hội tổ chức lất ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 11/01/2013 của Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, kế hoạch số 02/KH-HĐND ngày 15/01/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh và công văn số 543/PTM-PC ngày 7/3/2013 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tổ chức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đồng thời đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của Hiệp Hội để lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

          Sau đây là tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý của các doanh nghiệp:

1-    Về bố cục Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Đa số ý kiến thống nhất cao với bố cục của Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 vì bố trí hợp lý, nội dung các điều đã có chia ra các khoản ngắn gọn, rõ ràng hơn so với Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên trong Dự thảo còn có một số điều nên bổ sung số khoản cho rõ như: ở điều 56 của Dự thảo nên có khoản 4 về “trưng mua, trưng dụng có bồi thường tài sản cá nhân, tổ chức”; điều 69 của Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc cũng nên chia ra 3 khoản;  các điều 74, 77, 95, 98, 99, 100, 116, 117, 118, 119...Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu bổ sung các khoản.

Có ý kiến đề nghị nên có tên gọi của từng điều, để khi cần, nhân dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các quy định của HP.

2-    Về góp ý một số nội dung cụ thể của Dự thảo:

2.1- Về Lời nói đầu: Lời nói đầu nên nghiên cứu để thay đổi nội dung cụm từ: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử...” để có nội dung xác định hơn như “Trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử...” hoặc một nội dung cụ thể khác để xác định bề dày lịch sử của đất nước cụ thể hơn.

2.2- Chương I:

- Điều 2: Đề nghị bổ sung thêm đối tượng Doanh nhân trong liên minh Công-Nông-Trí, vì trong thời kỳ mới đội ngũ doanh nhân đang ngày càng lớn mạnh, có đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và đã có Nghị quyết của Đảng khẳng định vai trò, vị trí của lực lượng doanh nhân hiện nay.

- Điều 3:  khi nói việc Nhà nước bảo đảm quyền làm chủ và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc... Dự thảo nên giữ lại nội dung cũ của HP 1992, đó là: “ Nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân” ở cuối điều này.

-Điều 8:  ở khoản 1, có ý kiến nên bỏ cụm từ : “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Lý do: Hiến pháp là Đạo luật gốc, không nên quy định cụ thể nguyên tắc này, tránh trường hợp đã có Hiến pháp, pháp luật rồi mà phải thực hiện thêm nguyên tắc tập trung dân chủ thì không tuân thủ hiến pháp, pháp luật.

 Điều 11: Khoản 2 nên bổ sung cụm từ “ Chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc” sau cụm từ “bảo vệ Tổ quốc” .

Có ý kiến nên nhập điều 11 và điều 1 để có sự logic hơn khi nói về Tổ quốc.

-Điều 14:  nói về Thủ đô nên ghép bổ sung vào thành khoản 5 của Điều 13.

2.3- Chương II:

-Điều 16: Khoản 2 nên nghiên cứu để có thể thay cụm từ “ Không được lợi dụng... ”  thành “ Nghiêm trị các hành vi lợi dụng...”

-Điều 20: khoản 3 nên bổ sung cụm từ “ Nhà nước đảm bảo các quyền của công dân” trước cụm từ “Công dân có trách nhiệm thực hiện  nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”.

-Điều 21 : Không nên quy định riêng mà nên ghép thành mục 1 của điều 15 (Mọi người có quyền sống). Mục 1 và 2 điều 15 chuyển thành mục 2 và mục 3.

-Điều 31: Đề nghị giữ nguyên như Điều 74 Hiến pháp năm 1992, vì viết lại như điều 31 mới tuy gọn, nhưng không đầy đủ về quyền khiếu nại tố cáo của công dân.

-Điều 50: Nên đổi cụm từ “ Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế”  thành “ Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật”.

2.4- Chương III:

- Điều 63: Khoản 1 cần bổ sung: Cụm từ “ Bảo đảm các chính sách BHXH, BHYT” sau cụm từ Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện.

2.5- Chương VI:

- Điều 93: Ở mục 5, cần nghiên cứu để có sự phân định cụ thể rạch ròi hơn về quyền “Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân”của Chủ tịch nước để khỏi trùng lặp với quyền của Tổng Bí thư khi giữ chức “Bí thư quân ủy TW”.

2.6- Chương VIII:

-Điều 108: Đề nghị giữ nguyên nội dung điều 133 Hiến pháp năm 1992 để bổ sung thành khoản 8 của điều 108 của Dự thảo nội dung: “Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án”.

2.7- Chương XI:

-Điều 124: Ở khoản 1 đề nghị bổ sung:  từ “Khi”“Thì”:

“Khi” Chủ tịch nước, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, hoặc ít nhất  một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, “thì”  Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.      

Trên đây là một số ý kiến tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, xin được tổng hợp và báo cáo với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

TM. BAN THƯỜNG VỤ                

Nơi nhận:                                                             CHỦ TỊCH

- Như trên.

- L­ưu VP                                                          

 Nguyễn Mậu Chi

Các văn bản liên quan