Góp ý của Hiệp hội Dệt May Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Năm 15:01 11-04-2013

Ý kiến của Hiệp hội Dệt May Việt Nam

-         Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và là loại thuế đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy một chính sách thuế hợp lý, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường hạch toán kế toán, mang lại lợi ích cho cả Doanh nghiệp và nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc  thuế suất được giảm thêm dù chỉ 1% cũng là giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với đặc thù của ngành dệt may, một ngành sử dụng nhiều lao động, đặc biệt lao động nữ chiếm tới 80-90%, có năng suất lao động chưa cao và chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong khu vực và thế giới, hiện đang là ngành có mức lương thấp nhất trong công nghiệp chế biến; để đảm bảo tăng thu nhập cho người lao động trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, ngành dệt may mong muốn Nhà nước có cơ chế riêng cho ngành sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày, thủy sản…), được giảm mức thu thu nhập doanh nghiệp xuống 10-15%, mức chênh lệch giảm thuế thu nhập so với mức qui định chung (20-22%) sẽ được sử dụng tăng quĩ lương trả cho người lao động.

-           Giới thiệu, quảng bá thương hiệu có vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành bại của doanh nghiệp vì vậy phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Nếu quảng cáo ít sẽ không phát triển được sản xuất, gặp khó khi xây dựng, phát triển thương hiệu. Vì vậy, quảng cáo là một trong những hoạt động không thể thiếu và doanh nghiệp phải tìm mọi cách để quảng cáo trong mức cho phép của từng doanh nghiệp. Nhà nước không nên đưa ra mức trần không chế vì nếu khống chế sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như lách luật, trốn thuế, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Ngoài ra, việc khống chế trần chi phí quảng cáo làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của hệ thống, làm giảm lợi nhuận của Doanh nghiệp vì khó cạnh tranh, làm mất thời gian hoạch toán của cán bộ kế toán vì phải theo dõi mức trần bị khống chế.

-           Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài chi rất nhiều cho hoạt động quảng cáo, việc khống chế trần chi phí quảng cáo quá thấp sẽ làm hạn chế thông tin sản phẩm của các doanh nghiệp Việt, vô hình chung là toàn quảng bá cho hàng ngoại, làm người tiêu dùng Việt không/ ít biết đến hàng Việt, các doanh nghiệp Việt Nam khó tiêu thụ hàng hơn.

-           Không nên khống chế trần chi phí quảng cáo vì đây là chi phí thực tế của Doanh nghiệp, nên để Doanh nghiệp được chủ động quyết định chi cho những khoản nào thấy cần thiết.

Với các phân tích trên, Hiệp hội Dệt may nhất trí với kiến nghị của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp khác trong Tọa đàm ngày 9/4/2013 tại Hà Nội về Góp ý cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi:

1/ Kiến nghị giảm Thuế suất phổ thông xuống 20% hoặc ít nhất cũng giảm thêm 1 % so với dự thảo (giảm tỷ lệ tương đối là 12%) và mức thuế suất mới sẽ là 22% nhằm khuyến khích DN tích lũy vốn đầu tư, mở rộng kinh doanh và hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, suy thoái…

Nhà nước có xem xét đến một số ngành đặc thù có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản để có qui định mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn với mức chung nhằm giúp các ngành này có them điều kiện tăng thu nhập cho người lao động (mức thuế thu nhập doanh nghiệp : 10-15%).

2/ Kiến nghị dỡ bỏ qui định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại trong Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp sửa đổi trình Quốc Hội phê duyệt vào tháng 5/2013.

TM Hiệp hội Dệt May

Đặng Phương Dung

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký

Các văn bản liên quan