Góp ý của Hiệp hội Đầu tư xây dựng năng lượng Việt Nam

Thứ Ba 09:42 04-07-2006


HIỆP HỘI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
---------------
Số:            /HHNL-BKT
V/v: góp ý dự thảo N.Đ
Giao dịch bảo đảm


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------- 

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2006


Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

          Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định về giao dịch bảo đảm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi đến, Hiệp hội Đầu tư Xây dựng năng lượng Việt Nam (VEA) xin tham gia góp ý như sau:

          Trước tiên chúng tôi đánh giá cao về công phu của ban soạn thảo Nghị định về giao dịch bảo đảm, vì theo nhận xét của chúng tôi thì nội dung của nghị định này có nhiều lĩnh vực phạm vi, đối tượng, kinh tế phức tạp hơn so với các Nghị định khác mà chúng tôi đã tham gia.
          Sau đây là một số nội dung tham gia góp ý cụ thể về Dự thảo Nghị định

PHẦN MỘT:
CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU: (Ban soạn thảo trưng cầu)

          1/ Về nguyên tắc áp dụng pháp luật:

          Đồng tình với ý kiến thứ ba của Ban soạn thảo. Nhưng kiến nghị này nên bỏ từ: “…ưu tiên” của câu cuối. Vì tất cả những gì chung nhất, phổ biến nhất, phát sinh trong hoạt động kinh tế đều thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định này rồi. Ngoài ra nếu có trường hợp nào phát sinh ngoại lệ mà vẫn được thực hiện theo Nghị định này tức là được hiểu một sự ưu tiên rồi (vì đáng lẽ ra không được áp dụng). Như vậy những trường hợp đó không thể được ưu tiên hơn phạm vi, đối tượng điều chỉnh chung của Nghị định.

          2/ Về hiệu lực giao dịch bảo đảm:

          Chúng tôi đồng tình với loại ý kiến thứ hai của Ban soạn thảo.

          3/ Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.

          Chúng tôi đồng tình với ý kiến thứ ba, nhưng không nên để câu: “…quyền của chủ sở hữu tài sản trong mọi trường hợp đề được bảo vệ”. Vì như vậy sẽ làm giảm hiệu lực của Nghị định và mâu thuẫn với các điều 15 điều 16 điều 17 của Nghị định.

          4/ Xử lý tài sản bên bảo lãnh:

          Chúng tôi đồng tình với ý kiến thứ hai của Ban soạn thảo.

          5/ Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để hỗ trợ, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp.

          Chúng tôi thấy cần phải có qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì khi Nghị định này có hiệu lực thi hành là đã thay thế các Nghị định và các Thông tư trước đây rồi thì không còn để bổ sung, sửa đổi nữa rồi.

PHẦN HAI
GÓP Ý VÀO NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
          I/ HÌNH THỨC, BỐ CỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH

          1/ Về hình thức dự thảo Nghị định:

          Thể thức và kỷ luật trình bày đã đúng theo qui định của Thông tư liên tịch Bộ Nội vụ - Văn phòng Chính phủ số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005.

          2/ Bố cục nội dung Nghị định:

          Đề nghị bỏ điều 25: “cầm cố tại cửa hàng cầm đồ”. Vì nếu qui định cho tài sản cầm cố tại cửa hàng cần đồ thì tài sản cho các vị trí khác cũng phải qui định.

          Theo chúng tôi thì phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định là thực hiện cho mọi đối tượng, mọi thành phần, mọi địa điểm. Theo đó, nên bổ sung thêm: “đối với mọi tổ chức, cá nhân thuộc lãnh thổ Việt Nam” vào điều 1: Phạm vi điều chỉnh” là đủ, mà không cần dẫn chứng như: “tại cửa hàng cầm đồ” nữa.

          II/ NỘI DUNG:

          1/ Trong dự thảo có cụm từ: “trừ trường hợp có thoả thuận khác” được lập lại 29 lần là không nên, vì như vậy sẽ tạo nên sự tuỳ tiện trong quá trình thực hiện Luật và Nghị định. Hơn nữa, nếu đưa yếu tố này vào Nghị định thì việc xác lập tính pháp lý của văn bản pháp luật giảm tính hiệu lực.

          2/ Trong dự thảo có nhiều từ: “sút” ở điều 21, điều 27, điều 40, điều 41, điều 47 là không hợp lý, nên sửa lại như sau: “…giảm hoặc mất giá trị” như vậy đã bao hàm đủ cả số lượng và chất lượng của tài sản rồi.

          3/ trong dự thảo dùng từ: “ngay tình” theo chúng tôi nên sửa lại là: “ Bên nhận bảo đảm trong trường hợp không biết và không thể biết việc bên bảo đảm không có quyền sở hữu hoặc không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” là đủ tính pháp lý thực hiện. Vì dùng từ “ngay tình” trong trường hợp này không phổ thông, bình dân cho mọi đối tượng.

          Trên đây là một số nội dung Hiệp hội Đầu tư xây dựng năng lượng Việt Nam xin góp ý gửi đến ban soạn thảo nghiên cứu. 
  
 


Trần Thị Hậu
Trưởng ban Chính sách – Kinh tế

Các văn bản liên quan