Góp ý của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Thứ Hai 15:36 06-06-2011

             Thực hiện Công văn số 6209/BTC-QLBH ngày 13/5/2011 của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, vì thời gian có hạn, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chưa tổng hợp được ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên. Sau đây là ý kiến của Cơ quan thường trực Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam:

            Cơ quan thường trực Hiệp hội cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của của Luật Kinh doanh bảo hiểm, sau đây là một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể:

1.                  Về bố cục, nên đưa mục V Hợp tác xã bảo hiểm lên thành mục III cho hợp lý trình tự hướng dẫn việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức bảo hiểm mới khai thác bảo hiểm tại Việt Nam.

2.                  Nên có khái niệm để định nghĩa về bán bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, hợp tác xã bảo hiểm và đấu thầu trong bảo hiểm để cơ quan chức năng xét xử và giải quyết tranh chấp dễ áp dụng.

3.                  Điều 3 nên bổ sung thêm khoản 4: Trong quá trình thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm qua biên giới, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng được đầy đủ các quy định tại khoản 1, 2, 3 của Điều 3 thì đương nhiên bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam.

4.                  Điều 8 khoản 1 nên bổ sung thêm điều kiện về tiêu chuẩn xếp hạng của doanh nghiệp bảo hiểm thành lập chi nhánh tại Việt Nam như đối với doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm qua biên giới (Điều 3 khoản 2 điểm b). Vì thực tế khi có được doanh thu (phí bảo hiểm) tại Việt Nam, họ chuyển về công ty mẹ. Vai trò công ty mẹ không khác gì công ty nhận tái bảo hiểm. Để đảm bảo an toàn khả năng thanh toán cũng như bảo vệ người tiêu dùng (người tham gia bảo hiểm) cần có quy định tiêu chuẩn của công ty mẹ như đối với nhà nhận tái bảo hiểm tại nước ngoài.

5.                  Điều 8 nên bổ sung thêm khoản 3 Khi công ty mẹ không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 8 thì chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài này chỉ được khai thác bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam, không được chuyển doanh thu phí bảo hiểm gốc về công ty mẹ.

6.                  Điều 25 khoản 1 mục d nên sửa nhà tái bảo hiểm bằng nhà nhận tái bảo hiểm.

7.                  Điều 25 nên bổ sung khoản 2 với nội dung: Các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu theo đúng nội dung quy tắc, điều khoản, điều kiện và biểu phí bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm ban hành và báo cáo Bộ Tài chính hoặc theo đúng nội dung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được nhà nhận tái bảo hiểm chấp nhận cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu.

8.                  Điều 25 khoản 2 nên sửa thành khoản 3 và bổ sung thêm cả trường hợp không phải bảo lãnh hoặc ký quỹ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

9.                  Điều 26 Thông tư 155 chỉ yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo sản phẩm bảo hiểm mới triển khai trong tháng trước chậm nhất là 15 ngày của tháng sau theo mẫu của Bộ Tài chính. Theo mẫu này thì không phải trình quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng. Vậy để thực hiện công việc này, cần quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính quy tắc, điều khoản, biểu phí cho Bộ Tài chính chậm nhất là 3 ngày sau khi ban hành.

10.             Điều 28 Nên nói rõ hơn tổng doanh thu bảo hiểm gốc (khai thác) hay tổng doanh thu giữ lại (trừ tái bảo hiểm) và doanh thu nhận tái bảo hiểm (trong nước và nước ngoài). Doanh thu giữ lại và nhận tái liên quan đến trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm, phần tái bảo hiểm là trách nhiệm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm.

Nên thu 0,1%, ví dụ năm 2011 doanh thu phi nhân thọ 20.000 tỷ đồng, nhân thọ 15.000 tỷ đồng thì quỹ có tới 35 tỷ đồng thay vì 105 tỷ đồng nếu thu 0,3%.

11.             Điều 31 Nên bổ sung trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, mất khả năng thanh toán thì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là người có nghĩa vụ chi trả nhưng đồng thời thế quyền về đòi người thứ ba hoặc đòi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm bồi thường. Nguyên tắc thế quyền cả nghĩa vụ và quyền lợi là rất quan trọng.

12.             Mục V Hợp tác xã bảo hiểm: Hợp tác xã bảo hiểm hoạt động theo Luật Hợp tác xã, vậy tên gọi Hội đồng quản trị hợp tác xã, Chủ nhiệm hợp tác xã thành viên của hợp tác xã; Tách quỹ chủ sở hữu với chủ hợp đồng bảo hiểm (đối với bảo hiểm nhân thọ) như thế nào? Chức danh Chủ nhiệm hợp tác xã hay Giám đốc, Chủ tịch hợp tác xã hay chức danh nào cần có hướng dẫn cụ thể.

      Việc thành lập hoạt động của hợp tác xã không khác gì doanh nghiệp bảo hiểm nên cần phải tuân thủ theo đúng Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc thành lập và tổ chức hoạt động cho tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

 

          Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xin gửi Quý Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm lời chào trân trọng./.

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Lưu VT.

HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

                           TỔNG THƯ KÝ

 

 

 

               Phùng Đắc Lộc

 

Các văn bản liên quan