Góp ý của ĐBQH Võ Kim Cự – Hà Tĩnh đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:46 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, là vấn đề rất lớn nó liên quan đến tất cả các thành phần kinh tế và lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và liên quan đến tất cả các đối tượng là người già, người trẻ, người đã mất và người đang còn. Cho nên nó có một vai trò, vị trí rất đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, cơ bản cả trước mắt và lâu dài.

Báo cáo Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước, cộng đồng các doanh nghiệp đang rất tin tưởng và hy vọng vào kỳ họp Quốc hội lần này chúng ta thảo luận để sớm thông qua Luật Đất đai. Bởi vì Luật Đất đai vừa là nền tảng, vừa là động lực để khơi dậy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Nhưng nếu chúng ta thông qua chậm thì đồng thời với đó là hệ lụy của nhiều vấn đề cả kinh tế xã hội kéo theo mà chúng ta chưa lường đến được.

Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Quốc hội sớm thông qua bộ luật lần này. Rất hoan nghênh Ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế cùng với các cơ quan của Quốc hội đã có một đầu tư khá công phu cho nên có nhiều thông tin mới và nhiều cách tiếp cận mới chúng tôi đọc và rất hoan nghênh. Tuy vậy, để bộ luật này xứng đáng với tầm quan trọng chiến lược đặc biệt, hợp với vị trí hàng đầu như tôi đã nói ở trên, nên mong muốn của chúng tôi là đề nghị tiếp tục đầu tư thỏa đáng các nguồn lực cho bộ luật này để xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh, căn cơ như Bộ luật Tố tụng hình sự mà chúng ta đang thực hiện. Có đầy đủ các điều, khoản như vậy nó mới đảm bảo tính khả thi vào cuộc sống và đồng thời để khắc phục các khiếm khuyết mà vừa qua chúng ta có hàng trăm văn bản mà vẫn vừa thừa, vừa thiếu, vừa khó thực hiện. Chúng tôi xin đề nghị quan tâm đặc biệt mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần phải xác định rõ phạm vi các cụm từ, khái niệm, các lợi ích thế nào là đất hoang, thế nào là đất nông nghiệp, đất rừng, đất đồi rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở v.v.... Đây là vấn đề vừa qua đang còn sơ hở. Cho nên quá trình tổ chức thực hiện nó vướng và cũng là chỗ để rất dễ xảy ra lẫn lộn và lợi dụng. Hoặc cần phải luật hóa, chuẩn hóa về các quy định như quy định 1triệu  tấn thép thì được sử dụng bao nhiêu diện tích để làm nhà máy gạch hay 1 triệu tấn xi măng thì được dùng bao nhiêu diện tích đất, để có một thống nhất toàn quốc về quy định này để vừa công khai hóa, vừa minh bạch, nhưng vừa phòng, chống tham nhũng trong vấn đề này phải được minh bạch hơn, thông qua đây để giám sát và quản lý.

Việc thứ hai, chúng tôi quan tâm đặc biệt đó là việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi vì vấn đề này vừa là kinh tế, vừa xã hội, vừa là văn hóa, vừa vấn đề nhân văn, vấn đề đạo lý và trách nhiệm của người đang còn với người đã qua. Bởi vì phải tái định cư cho người đã mất trước, ngay trong tái định cư các nghĩa trang, các cụ đã qua đời rồi phải yên ổn đã. Bây giờ trong tái định cư này cũng có rất nhiều vấn đề, có đối tượng mồ mả dưới 1 năm, còn lại dưới 36 tháng, có lẽ trên 37 tháng khác nhau, cần phải có quy định thống nhất toàn quốc diện tích của một ngôi mộ cải táng, một ngôi mộ hung táng hay có ông tộc trưởng, như một lăng của ông tổ xây ở một chỗ cũ, bây giờ lên chỗ mới thì diện tích có khác hay không. Đây là vấn đề vừa nhân văn, vấn đề phải được thống nhất trong toàn quốc, mỗi nơi một khác là sinh rất nhiều vấn đề hoặc diện tích tái định cư trong một hộ được bao nhiêu phải được thống nhất và báo cáo Quốc hội có 2 yếu tố quyết định.

Một là hạ tầng kinh tế - xã hội.

Hai là việc làm.

Việc làm thì tái định cư không có đất hoặc ở đây được bao nhiêu, nếu nơi không có đất thì thế nào để đảm bảo phát triển bền vững mà như chúng ta thường nói lên chỗ tái định cư mới, từng bước để bằng và hơn tái định cư cũ thì vấn đề này cần phải có một quy chuẩn rất thống nhất toàn quốc để chúng ta tránh những ý kiến thắc mắc, nhất là không minh bạch, khác nhau ở các vùng.

Thứ ba, chúng ta cần đề nghị Quốc hội chỉ đạo để Ban soạn thảo cụ thể hóa hơn và đặc biệt nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, trước hết là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà năm ngoái Quốc hội đã thống nhất là năm 2013 cơ bản xong. Vấn đề này tôi nghĩ chắc chắn làm được nhưng thiếu một điều rất quan trọng đó là thiếu tiền. Tiền thì hết rất nhiều, hết hàng nghìn tỷ và hàng chục ngàn tỷ, đề nghị Chính phủ ưu tiên để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở pháp lý để vừa sử dụng và có lúc để thế chấp vay vốn sản xuất kinh doanh và là căn cứ, là cơ sở trung tâm của rắc rối nhiều vấn đề của đất đai hiện nay do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa phải có chế tài mạnh quy định nghiêm túc kiên quyết sử dụng 4 cái sai hiện nay:

Một là sai quy hoạch,

Hai là cấp đất sai thẩm quyền,

Ba là sử dụng đất sai mục đích,

Bốn là gắn trách nhiệm của cấp xã, phường vào việc quản lý đất đai.

Tôi rất mong Quốc hội sớm có chỉ đạo kiên quyết, nghiêm túc và công bằng, minh bạch, dân chủ nhưng rất kỷ cương và đảm bảo hiệu quả trong sử dụng đất đai để là yếu tố thực sự phát triển bền vững đất nước. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan